Tái xuất được 41/1.099 container phế thải
Hết thời hạn quy định, cơ quan hải quan chỉ nhận được phản hồi của vài ba hãng tàu và những doanh nghiệp này cũng chỉ mới "trả về nơi xuất hàng" 41 container trên tổng số 1.099 container phải tái xuất, bằng 0,037% yêu cầu mà Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (cảng Cát Lái) đặt ra với các đơn vị có liên quan.
Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, 21-9, ông Nguyễn Thanh Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan Cát Lái) cho biết, đơn vị này đã gửi thông báo thông tin cụ thể về việc tái xuất các containers chứa phế liệu không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường cho 30 hãng tàu, là đơn vị vận chuyển của 1.099 container cập cảng từ năm 2018 nhưng không có người nhận từ ngày 18-8-2020.
Tuy nhiên, hết hạn 30 ngày phải thực hiện thì Hải quan Cát Lái chỉ nhận được hồi đáp của khoảng 5 hãng tàu. Và theo đó, cũng chỉ mới 41 container chứa phế thải này được tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Số container phế thải còn lại đang phải phân bổ tại cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước.
“Chúng tôi sẽ báo cáo với Cục Hải quan TPHCM và Tổng cục Hải quan để có hướng giải quyết”, ông Long cho biết.
Cũng theo đại diện của Hải quan Cát Lái, tại khu vực này cũng còn 411 container phế liệu khác đang chờ giám định, phân loại để xác định hàng hóa tồn đọng là phế liệu hay chất thải nguy hại… Việc này phải thực hiện theo quy trình nhiều bước.
Bên cạnh đó, với các lô hàng đã hoàn thành việc phân loại và xác định chính xác hàng hóa là phế liệu thì mời các doanh nghiệp đã được Tổng cục Môi trường cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đấu giá. Tuy vậy, do liên quan đến “tiền bạc” với việc bán “tài sản công”, cơ chế phức tạp nên cũng rất khó để đẩy nhanh tiến độ như mong muốn.
Cũng liên quan đến việc tái xuất các container phế thải, ông Nguyễn Thanh Long của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho rằng, ngoài việc yêu cầu hãng tàu ký cam kết về việc xuất toàn bộ, tránh tình trạng chỉ xuất những gì còn tái chế, chừa lại những gì không thể tái chế như Tổng cục Hải quan chỉ đạo tại công văn mới đây thì cần phải quản lý chặt. Trên thực tế, cũng đã có trường hợp hàng đã xuất đi mà vẫn còn quay lại.
Do vậy, cần quản lý, theo sát số seal, số container trên hệ thống, không cho nhập lại container có số như vậy. “Tuy nhiên, nếu các container này được thay số ở bên ngoài lãnh thổ thì sẽ không thể kiểm soát được”, ông Long cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, hôm 9-9, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi cục hải quan của 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM hối thúc việc xử lý dứt điểm các container tồn đọng, bao gồm cả phế liệu có thể tái chế lẫn phế thải nguy hại.
Chuyện container phế liệu, trong đó phần lớn là rác thải nhựa, điện tử nguy hại, không còn khả năng tái chế tồn đọng tại các cảng biển lớn của Việt Nam đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua. Cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều phương án giải quyết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tình trạng vẫn chưa được cải thiện nhiều khi vẫn còn hàng ngàn container là phế thải chưa được tái xuất.
Trong khi đó, trong thời gian qua, rất nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia… cũng đã rất cương quyết trong việc tái xuất các container rác thải về nơi sản xuất, là các nước phát triển sau khi đấu tranh ngoại giao.
Trong một diễn biến khác, bản thân các doanh nghiệp sản xuất nhựa, thép từ phế liệu lại "đau đầu" với việc không có nguyên liệu sản xuất do không thể nhập khẩu, thiếu các giấy phép, chứng nhận... do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận