Tài xế xe buýt Bắc Kinh phải đeo vòng theo dõi cảm xúc
Các tài xế xe buýt đường dài của Bắc Kinh đang được yêu cầu đeo vòng tay điện tử có chức năng giám sát trạng thái tinh thần lẫn thể chất của họ.
Động thái trên được khởi xướng bởi Tập đoàn Vận tải Công cộng Bắc Kinh do nhà nước điều hành, nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho các chuyến xe chở khách.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý bày tỏ lo ngại thiết bị này có thể xâm phạm quyền riêng tư của tài xế và khiến họ bị áp lực một cách quá mức.
Khoảng 1.800 vòng đeo tay đã được phân phát cho các tài xế xe buýt trên những tuyến đường liên tỉnh và đường cao tốc từ hôm 21/9, báo Beijing Daily đưa tin. Tờ báo cho hay thiết bị sẽ được sử dụng để theo dõi các dấu hiệu thể chất quan trọng và trạng thái cảm xúc của người lái xe theo thời gian thực nhằm nâng cao độ an toàn.
Yêu cầu mới được ban hành sau vụ tai nạn xe buýt ở thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, miền nam Trung Quốc, khiến 27 người thiệt mạng và 20 người bị thương hồi tuần trước, khi họ đang trên đường đến một trung tâm cách ly.
Vòng đeo tay có chức năng theo dõi nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp hô hấp, nồng độ oxy trong máu, mức độ tập luyện, huyết áp và giấc ngủ. Chúng cũng theo dõi cả các trạng thái cảm xúc như lo âu và công ty vận tải công cộng có thể truy cập dữ liệu mà thiết bị lưu trữ.
Các tài xế xe buýt làm việc tại quận Thông Châu của Bắc Kinh và một số tuyến đường trung tâm đã tham gia thử nghiệm thiết bị này từ đầu tháng 6. "Việc cung cấp vòng đeo tay theo dõi là cách ứng dụng công nghệ để tăng cường quản lý sức khỏe thể chất và tinh thần cho các tài xế", Tập đoàn Vận tải Công cộng Bắc Kinh cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào thời điểm đó.
Wang Congwei, giám đốc phụ trách các vấn đề pháp lý về an ninh mạng tại Công ty Luật Jingsh ở Bắc Kinh, cho hay quyết định này dường như xuất phát từ "mối quan tâm ngày càng lớn đến an toàn công cộng, vì những vụ tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên hơn trong năm nay".
"Nhưng chúng ta phải xem xét liệu có thực sự cần thiết phải thu thập nhiều thông tin cá nhân của các tài xế xe buýt đến vậy hay không", bà nói .
Wang cũng đặt câu hỏi liệu nhà chức trách có đủ thời gian để can thiệp nếu thiết bị đeo tay phát hiện ra những bất thường hay không, ngay cả khi dữ liệu được thu thập theo thời gian thực. "Dữ liệu có lẽ chỉ thực sự được sử dụng sau đó để phân tích tai nạn", Wang cho biết thêm.
Calvin Ho Wai-loon, phó giáo sư tại Khoa Luật, Đại học Hong Kong, lưu ý độ chính xác cũng là một vấn đề.
"Cần xem xét mức độ đáng tin cậy và chính xác của các thiết bị như vậy khi báo cáo về tình trạng sức khỏe, cảm xúc của người đeo vì nếu không chính xác, chúng có thể dẫn đến những bất tiện không đáng có, thậm chí là hành vi phân biệt đối xử với các tài xế", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận