Tại VAMC còn tồn hơn 91.000 tỷ đồng nợ xấu
Theo báo cáo sơ bộ về hoạt động mua bán nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hiện vẫn còn 91.700 tỷ đồng nợ xấu từ trái phiếu đặc biệt của 18 tổ chức tín dụng.
VAMC cho biết, thực hiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới năm 2022, các tổ chức tín dụng và VAMC đã phối hợp chặt chẽ và tích cực triển khai hoạt động mua bán nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Đồng thời cũng triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý những khoản nợ này, góp phần lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Cũng theo VAMC, đơn vị này đã đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với mức trên 374.000 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng tính tới 31/12/2020. Giá mua nợ là 342.000 tỷ đồng. Phần lớn số nợ xấu này được VAMC mua trong những năm đầu đơn vị thành lập.Còn số nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt có xu hướng giảm dần những năm gần đây.
Theo đó, VAMC chỉ thực hiện được 14.700 tỷ đồng nợ xấu bằng hình thức này trong năm 2020, trong khi chỉ tiêu kế hoạch mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tối đa là 15.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC cũng đẩy mạnh việc xử lý các khoản nợ đã mua thông qua các biện pháp phối hợp với tổ chức tín dụng cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng đối với các khách hàng có triển vọng vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh;phối hợp với tổ chức tín dụng triển khai hoạt động thu giữ, nhận bàn giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để xử lý, bán tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ; hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý của tài sản bảo đảm và khoản nợ, tìm kiếm nhà đầu tư để bán tài sản bảo đảm.
Đồng thời, phối hợp với tổ chức tín dụng thực hiện khởi kiện, thi hành án; trực tiếp đôn đốc, thu hồi nợ đối với các khách hàng. Hiện tại, VAMC cũng đã thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại các khoản nợ để lựa chọn được các khách hàng, khoản nợ có khả năng xử lý với các biện pháp phù hợp.
Kết quả, có trên 290.000 tỷ đồng đồng nợ xấu đã được VAMC và các tổ chức tín dụng phối hợp xử lý tính đến 31/12/2020. Còn giá trị thu hồi nợ của đơn vị này đạt gần 167.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị nợ được VAMC thu hồi sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực chiếm tỷ trọng tới 63% tính trên tổng giá trị nợ.
VAMC cho biết, đã có 21 tổ chức tín dụng thanh toán hết trái phiếu đặc biệt tại đơn vị này. Đáng chú ý là có 8 tổ chức tín dụng đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt trong năm 2020, gồm: Vietinbank, BIDV, MSB, HDBank, BanVietBank, VietABank, VietBank và LienVietPostBank. Hiện tại, VMAC còn đang quản lý nợ xấu của 18 tổ chức tín dụng với trên 91.700 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt.
Việc sớm xử lý được toàn bộ nợ xấu tại VAMC cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhà băng trong bối cảnh đại dịch COVID -19 đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng.
Bởi nếu nợ xấu vẫn “treo” tại VAMC, định kỳ hàng năm, các ngân hàng sẽ buộc phải trích lập chi phí dự phòng20% giá trị trái phiếu đặc biệt đối với kỳ hạn 5 năm và trích lập chi phí dự phòng10% đối với kỳ hạn 10 năm. Điều này chắc chắn sẽ gây ra áp lực không nhỏ đối với những ngân hàng đang có lợi nhuận khiêm tốn.
Đại diện VietinBank cho rằng, việc tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trước hạn có ý nghĩa rất quan trọng với nhà băng này trong công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là trong năm cuối thực hiện phương án cơ cấu lại VietinBank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Việc chủ động tất toán trước hạn trái phiếu đặc biệt VAMC, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh trong những năm tới, đồng thời tăng thêm tính chủ động cho VietinBank trong việc xây dựng, điều chỉnh các phương án xử lý nợ để đạt hiệu quả tối ưu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận