Tại sao Việt Nam không có lợi thế về giá xăng dầu?
Dự báo kém và thiếu sự chủ động, thị trường xăng dầu trong nước dù có nhiều lợi thế nhưng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào biến động giá thế giới. Thậm chí có lúc nguồn cung bị ảnh hưởng.
Dự báo kém
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, thuộc Viện Thương mại và kinh tế (Đại học Kinh tế quốc dân), phân tích: “Ngành xăng dầu nói chung có chủ động nhưng chưa đủ, hay nói chính xác hơn là còn yếu khâu dự báo biến động để phản ứng từ sớm, từ xa và từ trước. Chúng ta không có chiến lược dự trữ quy mô lớn. Thậm chí, năm ngoái khi giá dầu rơi tự do, chúng ta càng tăng tính chủ quan trong dự trữ. Thế nên, khi có cơn bão ập đến, đã không kịp trở tay”.
Theo dõi ngành xăng dầu hơn một thập kỷ qua, một chuyên gia trong ngành này cho rằng phải chấp nhận giá xăng dầu VN phần lớn phải theo giá thế giới. “Giá thế giới lên tới đâu, giá trong nước vẫn phải lên tới đó, không thể tránh được. Dù có giảm thuế cũng không kéo giảm thấp hơn nhiều. Quan trọng là công tác dự báo, điều hành để chủ động ứng phó và thực tế đã cho thấy các công tác này đang có lỗ hổng rất lớn”, vị này phân tích và cho biết dầu thô của VN là loại tốt, ít lưu huỳnh, đặc biệt là dầu tại mỏ Bạch Hổ. Có chất lượng cao, nên dầu thô của VN giá bán còn đắt hơn dầu Brent chuẩn toàn cầu. Thế nên, khi giá dầu thô tăng thì VN bán dầu thô cho các đối tác nước ngoài cũng hưởng lợi. Trường hợp giữ dầu thô lại, bán cho các nhà máy trong nước thì khó có doanh nghiệp (DN) nội nào chịu nổi mức giá đó.
“Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, ở đâu được giá thì bán, ở đâu rẻ thì mua, không thể cưỡng ép cung - cầu. Chưa kể, từng nhà máy lọc dầu lại sử dụng từng loại dầu khác nhau. Cụ thể, nhà máy Nghi Sơn thường lọc dầu vùng vịnh, chủ yếu khai thác từ sa mạc và đá phiến. Nhà máy Dung Quất thì lại dùng loại dầu khác có giá rẻ hơn loại từ mỏ Bạch Hổ. Nếu lấy dầu thô từ Bạch Hổ đưa về cho Nghi Sơn thì cũng không thể sản xuất được”, vị này nói.
Có lợi thế là vậy nhưng theo vị này, sở dĩ VN không hưởng lợi về giá, không chủ động được do tính dự báo còn yếu. Cụ thể, ông phân tích: Về công tác dự báo, cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ Công thương cần đưa ra dự báo trong giai đoạn 1 - 3 tháng tới, xu hướng giá xăng dầu thế giới sẽ thế nào. Đến nay, hầu như không có. Nếu có, từ số liệu đó, chúng ta mới xây dựng các kịch bản cụ thể, dự phòng các giải pháp kết hợp hài hòa với quỹ bình ổn và thuế để ổn định thị trường trong nước.
Đơn cử, xu hướng 3 tháng tới giá dầu thế giới sẽ tăng thì hôm nay trong nước đã phải dự báo được khả năng sẽ lên bao nhiêu % để lập tức có công văn gửi Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước đề xuất giảm thuế ở giai đoạn đó. Không phải chờ cháy nhà mới huy động nước tới dập lửa thì đã cháy gần hết rồi. Thứ hai, về quỹ bình ổn, do không có sự chủ động từ trước, nên quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua sử dụng không có kế hoạch, không phát huy được vai trò trong những trường hợp “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay.
“Tóm lại, câu chuyện xăng dầu mấu chốt vẫn là khả năng dự báo và điều hành của cơ quan quản lý. Xăng dầu tăng, người dân kêu than 1 thì DN khổ 10 bởi chủ yếu dầu phục vụ cho máy móc, vận tải, công nghiệp… Nếu không kiên quyết điều chỉnh cơ chế điều hành, những hệ lụy tiêu cực từ giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp tới sức khỏe của nền kinh tế”, vị này nhấn mạnh.
Điều hành khó linh hoạt
Ngoài ra, hiện một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu cũng đang khiến việc điều hành khó linh hoạt, dẫn tới nguồn hàng khan hiếm khi có trục trặc từ nguồn cung trong nước.
Cụ thể, Nghị định 95 vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022 quy định mức dự trữ lưu thông với xăng dầu thành phẩm được rút ngắn xuống 20 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay hay 60 ngày theo quy hoạch trước đó. Việc này dẫn tới rủi ro khi nguồn cung trong nước từ nhà máy lọc dầu thiếu hụt. Đơn cử, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có thể thông báo đến ngày 1.3 ngưng sản xuất, nhưng do vẫn còn lưu trữ 30 ngày dầu thô nên sẽ phải sản xuất đủ cho 30 ngày sau đó, nghĩa là đến ngày 1.4 mới chính thức đóng cửa. Khi đó, đến hết tháng 4 hoặc ít nhất tới ngày 15.4, Nghi Sơn mới bán hết số dầu dự trữ. Như vậy vẫn còn tới 45 - 60 ngày để các DN chủ động nhập khẩu xăng dầu về đáp ứng nguồn cung trong nước, không bị đứt gãy như hiện nay.
Thế nên, theo ông Lạng, có rất nhiều việc thay đổi quyết liệt hơn để phát triển năng lượng tái tạo, sửa lại chiến lược chuyển đổi năng lượng theo hướng tăng nhanh tỷ trọng năng lượng tái tạo, tận dụng lợi thế là khí hậu miền nhiệt đới; tham vấn chính sách sử dụng năng lượng đối với xe điện, xe máy điện, tàu điện cao tốc thế nào. Bên cạnh đó, tăng dự trữ, loại bỏ các loại thiết bị sử dụng tiêu tốn và lãng phí năng lượng hóa thạch, chú trọng khai thác năng lượng xanh, kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm đi lại tiết kiệm năng lượng.PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng ngành xăng dầu điều hành trong thời gian trước và trong đại dịch đều có dấu hiệu loay hoay rất khó chịu. Giá thế giới có khi về 0, về âm, trong nước kiến nghị giảm công suất. Trong thời gian giãn cách, xã hội hầu như không có nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, nguồn trong nước thừa lại có kiến nghị cho ngưng nhập khẩu… Chính trong giai đoạn đó, chúng ta nảy sinh tâm lý chủ quan và sau đó còn có yếu tố găm hàng đầu cơ.
Đáng ra, khi giá xăng ở mức thấp và có xu hướng giảm, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần có kế hoạch gây quỹ, hạn chế sử dụng quỹ để những lúc giá thế giới tăng cao, “nhả ra” để hỗ trợ cho người dân và phục hồi nền kinh tế. Quỹ bình ổn cần được điều tiết nhịp nhàng, hợp lý theo từng giai đoạn diễn biến của thị trường để luôn đảm bảo ở thế chủ động. Một chuyên gia về xăng dầu
Bộ Công thương kiến nghị giảm thuế môi trường 2.000 đồng/lít xăng
Bộ Công thương vừa có văn bản trả lời Bộ Tài chính theo đề nghị cho ý kiến với dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì xây dựng. Với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11.3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng từ 27 - 44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022 làm ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung của cả nước năm 2022. Để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước, trong bối cảnh công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều (hiện còn khoảng 620 tỉ đồng song nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm quỹ), Bộ Công thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại dự thảo nghị quyết. Cụ thể, giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít, đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít, đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít, đối với dầu mazút là 1.000 đồng/kg, đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận