Tại sao tăng vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mỗi năm trung bình trượt giá 3%, tăng vốn đầu tư công cho dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng là phù hợp.
Thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn về nguyên nhân, căn cứ của đề xuất nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia gấp 3 lần (từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng); quy mô dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C gấp 2 lần.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: QH)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu về vấn đề này.
Bộ trưởng chia sẻ, tôi đến Trung Quốc, thấy một tỉnh của Trung Quốc 3 năm làm được 2.000 km đường cao tốc. Để làm nhanh được như vậy, họ dám vay vốn, phân cấp mạnh cho địa phương, đồng thời thành lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công, sau khi hoàn thành đầu tư, các dự án sẽ được chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân. Nhà nước thu hồi vốn đó về, như vậy tranh thủ được vốn của tư nhân còn vốn của Nhà nước đi làm việc khác. Họ cứ quay vòng như thế và làm rất nhanh.
“Điều này chúng ta phải học tập, tại sao người ta làm được diện tích đường cao tốc lớn nhất thế giới, đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, người ta có 49.000 km đường sắt cao tốc, có 200.000 km đường sắt tốc độ cao. Chúng ta chưa có km nào, nếu chúng ta làm theo quy định như thế sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, phải phân cấp mạnh hơn. Như vậy Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, giảm quyền anh, quyền tôi, giảm đùn đẩy, né tránh”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề tăng quy mô dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng cho biết: Tiêu chí dự án quan trọng quốc gia đã xây dựng từ năm 1997 là 10.000 tỷ, đến nay đã mất 27 năm chưa sửa đổi. Trong khi quy mô nền kinh tế của chúng ta đã tăng gấp 10 lần so với năm 2000, tăng 2,5 lần so với năm 2013. Tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng lên 3 lần. Trượt giá bình quân từ năm 2000 đến nay là 3%/ năm. Dự kiến đời sống của luật ít nhất phải giữ được 5-10 năm. Do vậy, việc nâng quy mô các nhóm dự án là phù hợp với thực tiễn và diễn biến vận động của nền kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng (gấp 3 lần) để phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công.
Đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tăng quy mô vốn đầu tư công lên 2 lần là phù hợp với khả năng hoàn thành dự án theo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án (dự án nhóm A 6 năm, nhóm B 4 năm, nhóm C 3 năm).
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị chủ trương đầu tư 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 9 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng. Trong số 9 dự án này, có 5 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2026-2030, tổng hợp sơ bộ các dự án cần triển khai theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, có khoảng 40 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 30 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên mức trên 30.000 tỷ đồng thì số lượng dự án cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vẫn còn rất nhiều, chưa kể các dự án khác phát sinh trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Về phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc phân cấp này sẽ giúp giảm được 5 bước, từ 11 bước xuống 6 bước (trong đó giảm 3 bước trong nội bộ Chính phủ, giảm 2 bước tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và giảm thời gian 3-4 tháng so với việc thực hiện quy trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn so với quy định hiện hành.
Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn có thể được thực hiện rất linh hoạt, triển khai ngay khi phát sinh nhu cầu của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, không phải đợi để tổng hợp thành đợt mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc điều chỉnh trên sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động cho Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch phù hợp với yêu cầu thực tế.
Mặt khác, việc phân cấp này cũng đồng bộ với quy định về việc "không bó cứng" danh mục kế hoạch trung hạn.
Những quy định trên của dự án luật sẽ tiếp tục cụ thể hóa việc chuyển đổi phương thức quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", đồng thời bảo đảm vai trò giám sát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận