24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tại sao Mỹ-Trung Quốc cần ‘đình chiến’ ?

Trong 5-10 năm tới, nếu Mỹ-Trung Quốc không đối thoại, đàm phán và tìm kiếm nhận thức chung, nền kinh tế toàn cầu sẽ không vận hành suôn sẻ.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm các phần mềm TikTok và WeChat của Trung Quốc, cũng như những động “thái ăn miếng trả miếng’ của hai bên đã làm trầm trọng thêm những vấn đề tồn tại hiện nay của kinh tế thế giới, mà những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu có sự hợp tác của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Trong khi các nguyên tắc thương mại toàn cầu hầu như không thay đổi từ những năm 1990, bị đánh giá là đã lạc hậu và không đủ khả năng để bao hàm, cũng như vận hành nền kinh tế toàn cầu phức tạp và hiện đại của thế kỷ 21, kinh tế số đã nổi lên, trở thành động lực tăng trưởng thương mại quan trọng và đóng góp tích cực vào các chuỗi giá trị toàn cầu, với các công nghệ mới nổi như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật (IoT).

Tuy nhiên, thế giới hiện đang thiếu các nguyên tắc chung về quản trị dữ liệu số. Thực tế cho thấy các quốc gia đang tự phát triển những phương thức riêng để điều tiết dữ liệu số, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm quyền riêng tư của công dân. Các kiểu “hàng rào bảo hộ số” đua nhau phát triển rầm rộ, EU triển khai các Nguyên tắc Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) vào năm 2018. Trung Quốc thông qua luật an ninh mạng. Ấn Độ xây dựng luật bảo vệ dữ liệu số...

Thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, số lượng các nguyên tắc về quản lý mạng của các nước tăng từ 50 vào những năm 2000 lên khoảng 250 vào năm 2019 và nhân đôi trong thập kỷ vừa qua (theo dữ liệu của Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế của châu Âu), qua đó gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp công nghệ số, tạo cọ xát về lợi ích giữa các quốc gia, gây khó khăn cho sự liên kết của hệ thống mạng toàn cầu và cản trở đầu tư và sáng tạo.

Trên thực tế, từ đầu tháng 7, Mỹ cấm Tiktok và WeChat; Ấn Độ cấm 59 phần mềm của Trung Quốc; Tòa án EU kích hoạt chế độ Bảo vệ Quyền riêng tư đối với Facebook hay Twitter; Mỹ cũng đang trong một số tranh chấp pháp lý liên quan đến thuế của dữ liệu số với một số nước châu Âu…

Do đó, việc thiết lập những quy chuẩn chung trong quản trị số là rất cần thiết. Gần đây, một số thỏa thuận song phương và khu vực đã bắt đầu nêu những nguyên tắc chung, nổi bật có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là một hiệp định thương mại thế hệ mới, với riêng một Chương giao kết về Thương mại điện tử, trong đó cho phép các nước thành viên điều tiết các luồng dữ liệu theo nguyên tắc chung là hạn chế tối đa các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, xét trên bình diện thế giới, giới chuyên gia đánh giá việc thiết lập một cơ chế quản trị dữ liệu số đa phương với sự tham gia của cả Trung Quốc và Mỹ còn cần thiết hơn nữa. Hai nền kinh tế dẫn đầu và có sức ảnh hưởng lớn cần hợp tác, đạt đồng thuận để hướng tới thiết lập những tiêu chuẩn toàn cầu chung về công nghệ số, thay vì coi các công ty của nước kia là mối đe dọa cho an ninh quốc gia của nước này.

Để đạt được mục tiêu đó, thứ nhất, việc các nước này cần làm là hoàn tất đàm phán về thương mại điện tử trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đặt ra những nguyên tắc và ngoại lệ cơ bản mang tính toàn cầu cho dữ liệu số, đồng thời bảo đảm phát huy vai trò trung tâm của hệ thống WTO.

Thứ hai, chương trình nghị sự của hội nghị G20 tới đây cần phát triển trên cơ sở Thông cáo Osaka về Kinh tế số đưa ra năm 2019 tại Hội nghị G20 tại Nhật Bản, trong đó khẳng định cần thiết đề cao lợi ích của số hóa trong các thảo luận chính sách quốc tế.
Thứ ba, nhóm D-20 (viết tắt của Digital 20), bao gồm 20 công ty công nghệ số lớn nhất thế giới, mà hầu hết là các công ty có trụ sở tại Mỹ và Trung Quốc, cần tập hợp số liệu của chính phủ, các ngành công nghiệp, các viện hàn lâm và các tổ chức phi chính phủ để một mặt, giúp chính phủ có những chính sách khả thi và thực tế phục vụ cho an ninh quốc gia và mặt khác, cung cấp những dịch vụ tin cậy, bảo đảm quyền riêng tư, minh bạch và dễ sử dụng cho doanh nghiệp và người dùng. Bên cạnh đó, các nước cũng cần thống nhất sử dụng những tiêu chuẩn chung về quản trị an ninh dữ liệu số như bộ ISO 27000 về an ninh thông tin.

Tự do thương mại đã giúp kinh tế thế giới hồi phục sau Chiến tranh Thế giới lần 2 và thế giới hiện đang đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ đó. Thế giới kỳ vọng, đây chính là thời điểm cần thiết để phát huy những nguyên tắc thương mại đa phương trong thế kỷ XXI và “tự do số” sẽ ngăn cản những làn sóng bảo hộ thương mại số, góp phần giúp nền kinh tế số trở thành động lực cho tăng trưởng và tạo các cơ hội phát triển, thay vì xung đột như hiện nay.

Cả thế giới đều nhận thức được rằng, việc Bắc Kinh và Washington có thể ngồi lại và tìm kiếm những phương án giải quyết các bất đồng không chỉ rất quan trọng đối với hai nền kinh tế có khả năng dẫn dắt, mà còn cả đối với phần còn lại của thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả