Tại sao Huawei 'bành trướng' sang mảng nuôi heo?
Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) gần đây cho biết đang khởi động dự án nuôi heo bằng trí thông minh nhân tạo.
Theo Bloomberg, Huawei xem đây như một trong những hướng đi mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng bên cạnh các mảng kinh doanh điện thoại thông minh hoặc hạ tầng viễn thông.
Trên thực tế, thị trường Trung Quốc có những đặc điểm rất khác so với thị trường ở các nước phương Tây. Điều đó thể hiện rõ nhất qua các công ty giá trị cao trên thị trường chứng khoán.
Nếu như ở Mỹ, 5 tập đoàn công nghệ khổng lồ chiếm tới 20% giá trị của nhóm S&P 500 trên thị trường chứng khoán, thì tại Trung Quốc, những vị trí đó dành cho các công ty lương thực và rượu - bia nước giải khát.
Đơn cử như Công ty sản xuất thực phẩm Muyyan, nằm trong tay của 1 trong 10 tỉ phú giàu nhất Trung Quốc, đã đạt mức tăng trưởng 88% trong năm qua. Hay Công ty sản xuất nước tương Foshan Haitian Flavoring & Food đạt giá trị thị trường cao hơn cả công ty sản xuất dầu khí quốc doanh Trung Quốc là CNOOC.
Theo dữ liệu từ Công ty vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), đến cuối năm 2020, mức đầu tư từ các quỹ tài chính tương hỗ của Trung Quốc dành nhiều nhất cho 3 công ty rượu trắng, rồi mới đến Tencent và Meituan thuộc lĩnh vực công nghệ. Đó là minh chứng cho việc tại Trung Quốc, ngành thực phẩm được cho là “béo bở” hơn công nghệ.
Một trại nuôi heo tại Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình BBC
Không chỉ có Huawei, nhiều công ty công nghệ khác tại Trung Quốc gần đây đã bắt đầu có những bước chuyển sang mảng thực phẩm. Giá trị vốn hóa của ứng dụng giao hàng Meituan từ đầu năm đến giờ đã chạm mốc 300 tỉ USD, bởi các nhà đầu tư cảm thấy hào hứng với dịch vụ của công ty này là Meituan Select cho phép người dùng cùng nhau mua hàng tạp hóa để tiết kiệm tiền hơn. Dự báo từ Công ty tư vấn iResearch cho thấy doanh thu của mảng bán thực phẩm trực tuyến tại Trung Quốc sẽ đạt mức 127 tỉ USD trong năm nay.
Lý giải cho tình hình trên, có ý kiến cho rằng là do hành vi tiêu dùng và cả ngân sách của người Trung Quốc. Mặt khác, số liệu 2 năm vừa qua đã cho thấy bất kể lạm phát tại đây có được kiểm soát hay không, giá cả các loại thực phẩm như thịt cá, rau, đồ tươi sống... vẫn tăng đều đặn qua từng năm.
Mặt khác, số liệu từ Công ty chứng khoán Hua Chuang (Trung Quốc) cho thấy rằng lượng hàng tươi sống bị hư hỏng trong quá trình cung ứng ở nước này chiếm tỷ lệ 15%, cao gần gấp 3 lần so với các nước phát triển điển hình là Mỹ. Do đó, các công ty công nghệ với những giải pháp mới của họ cho thấy tiềm năng trong lĩnh vực thực phẩm. Đồng thời, các mảng kinh doanh nhu yếu phẩm, đồ tươi sống, thực phẩm... đã tăng trưởng mạnh hơn trong thời dịch bùng phát.
Theo Bloomberg dẫn phân tích từ giới chuyên gia thì các yếu tố trên có vai trò quan trọng khiến Huawei quyết định dùng công nghệ cao để chăn nuôi heo, đặc biệt là trong tình trạng vẫn bị nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận