24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Macro Radio Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tại sao đồng USD lại có giá trị đến vậy

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao đồng Dollar lại là đồng tiền dự trữ quốc tế? Tại sao đồng USD lại có giá trị đến vậy khi mà có tận 180 đơn vị tiền tệ chính thức trên toàn thế giới? Sau đây thì mình sẽ đưa ra lý do mà theo mình là quan trọng nhất để giải thích cho giá trị của đồng tiền xanh.

Tại sao đồng USD lại có giá trị đến vậy

Để bắt đầu, trước hết chúng ta cần phải hiểu rằng đồng Dollar chính là xương sống của nền kinh tế toàn cầu. Theo một báo cáo mới đây của the Bank of International Settlement (BIS), đồng Dollar chiếm gần 90% khối lượng giao dịch tiền tệ toàn cầu (FX transaction), gần 50% khối lượng cho vay xuyên biên giới (cross-border loans), gần 50% khối lượng ghi nợ quốc tế (international debt securities), 60% khối lượng dự trữ ngoại hối (FX reserves), khoảng 40% khối lượng hóa đơn giao dịch (trade invoicing), và khoảng 50% khối lượng thanh toán qua SWIFT (một hệ thống thanh toán tiền quốc tế). Với những con số trên, có thể dễ dàng thấy rằng đồng Dollar đóng vai trò là dầu bôi trơn cho toàn bộ hệ thống tài chính trên cả thế giới.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thúc đẩy toàn cầu hóa là việc có một phương thức thanh toán toàn cầu nhanh chóng và tiện lợi để có thể giảm bớt những trở ngại trong việc giao dịch và trao đổi xuyên biên giới. Từ những năm 1940-1950, các ngân hàng lớn trên thế giới đã bắt đầu sử dụng USD là phương tiện chính để thanh toán với nhau. Chính vì thế, để có thể mở rộng và tham gia vào hoạt động trao đổi, mua bán, và thanh toán hàng hóa quốc tế, nhu cầu sử dụng Dollar từ các doanh nghiệp trên thế giới ngày càng tăng. Các doanh nghiệp này cần có dòng tiền USD liên tục trao đổi trong hệ thống để có thể đáp ứng được đủ nhu cầu về mở rộng sản xuất hoặc kinh doanh. Cầu là vậy, nhưng cung tiền Dollar này xuất phát từ đâu?

Theo thống kê của BIS, phần lớn dòng tiền Dollar này là tới từ sự tăng trưởng về tín dụng USD của mạng lưới ngân hàng offshore, có nghĩa là mạng lưới ngân hàng ngoài biên giới nước Mỹ, cho các doanh nghiệp quốc tế. Các ngân hàng offshore này phát hành nợ, nhưng không phải nợ từ đơn vị tiền tệ của nước bản xứ mà là nợ USD, để cho các doanh nghiệp có thể mở rộng và tham gia vào hoạt động giao dịch/thanh toán quốc tế. Lý do phần lớn sự tăng trưởng tín dụng USD quốc tế này tới từ mạng lưới ngân hàng offshore là bởi những ngân hàng này ít nhiều không chịu sự ảnh hưởng từ luật lệ của các ngân hàng trung ương, do đó có thể mở rộng tín dụng hoàn toàn dựa theo điều kiện về rủi ro – sinh lời. Điều này đã làm cho khối lượng nợ Dollar (và cả ràng buộc trả nợ Dollar) trên toàn cầu thực sự bùng nổ, thậm chí là ngoài quyền kiểm soát của bất kì ngân hàng trung ương nào. Dòng tiền USD sẽ đi đến nơi mà có nhiều khả năng sinh lời và ít rủi ro nhất. Việc tăng trưởng về tín dụng đã đem lại rất nhiều giá trị về kinh tế và tạo tiền đề cho sự phát triền của thế giới xuyên suốt thời kì toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, hệ thống Dollar này không phải là không có điểm yếu. Để có một dòng tiền Dollar liên tục trao đổi trong hệ thống thì một mắt xích quan trọng là mạng lưới ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng offshore, phải chấp nhận rủi ro để có thể thể mở rộng tín dụng. Khi mà hệ thống ngân hàng cảm thấy có quá nhiều rủi ro trước mắt, tín dụng sẽ bắt đầu siết chặt, và nguồn cung Dollar sẽ chậm lại. Khi mà nguồn cung Dollar ít đi, các doanh nghiệp cần Dollar để tiếp tục mở rộng hoặc trả nợ, sẽ phải bid Dollar lên cao hơn, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền xanh và các đồng tiền chính thức của nước bản xứ. Việc này còn gây áp lực lên các doanh nghiệp khác cần trả nợ Dollar khi mà giờ đây giá trị của đồng Dollar tăng cao, trong khi nguồn cung thì khan hiếm, đồng nghĩa với việc nợ USD sẽ khó trả hơn. Các doanh nghiệp này sẽ càng phải bid Dollar lên cao hơn nữa. Không những thế, khi mà đồng Dollar tăng mạnh so với các đồng tiền ngoại tệ khác, nhu cầu giữ Dollar từ các nhà đầu tư và đầu cơ cũng sẽ tăng theo, và vòng lặp này đưa giá trị của đồng Dollar lên mặt trăng. Có một giả thuyết về đồng Dollar gọi là Dollar Milkshake Theory (cốc sữa lắc đồng Dollar) so sánh việc dòng tiền USD bị rút ra khỏi các nền kinh tế toàn cầu giống như việc cốc sữa lắc bị hút cạn. Khi mà dòng tiền rút khỏi nền kinh tế thì giá trị tài sản toàn cầu sẽ xì hơi.

Việc FED nâng lãi suất trong năm 2022 đã khiến đồng Dollar trở nên mạnh hơn so với các đồng ngoại tệ khác về mặt lãi suất. Không những vậy, thanh khoản USD trong hệ thống đã cứng lại, dẫn tới nguồn cung Dollar càng ít. Để có thể bảo vệ tỉ giá hối đoái, và đặc biệt là để cung cấp số lượng USD cần thiết cho nền kinh tế đang nợ rất nhiều USD, thì các ngân hàng trung ương toàn cầu phải chấp nhận bán đi một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Năm 2022 là năm mà lượng dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới "không cánh mà bay" nhiều nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Theo báo cáo từ VinaCapital và ACBS, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã buộc phải bán gần 21 tỷ USD, khoảng 20% khối lượng dự trữ ngoại hối, để có thể cung cấp USD cho hệ thống. Tuy vậy thì từ khoảng tháng 10, dòng tiền USD có vẻ đã quay trở lại, thậm chí là quá tốt. DXY là một chỉ số cho thấy giá trị tương đối của đồng Dollar so với các đồng tiền khác, và chỉ số này đã giảm khoảng 11% từ đỉnh vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10 năm 2022. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tranh thủ tích trữ được thêm USD để có thể sử dụng khi cần thiết.

Mọi chuyện đã có vẻ ổn định trở lại, tuy vậy thì năm 2022 đã cho thấy một điểm yếu của hệ thống Dollar hiện tại. Lịch sử đã cho thấy là trong suy thoái, dòng tiền thường sẽ quay vào đồng Dollar để trú ẩn, chính vì thế mà năm 2023 trước mắt vẫn tồn tại nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu. Chính vì nhu cầu sử dụng Dollar toàn cầu là quá lớn, mình tin rằng mặc dù nước Mỹ có phát hành bao nhiêu nợ/trái phiếu (US Government Bonds) đi nữa thì đồng Dollar vẫn sẽ là đồng tiền dự trữ của thế giới trong tương lai gần, và cùng với đó là những vấn đề của đồng Dollar…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả