Tại sao doanh nghiệp Việt tụt hậu trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn chi phí hợp lý bởi các điều kiện tín dụng cho vay và thế chấp của ngân hàng còn quá khắt khe và rắc rối.
Năm 2017, hơn nửa triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp gần nửa GDP, thế nhưng họ gần như không có sự hiện diện trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chất lượng hàng hóa dịch vụ không đồng đều của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ là cản trở chính trong hành trình gia nhập của họ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Những thông tin trên được ADB đưa ra trong báo cáo kinh tế công bố vào tháng 4/2019. Theo ADB, từ khi quá trình cải tổ kinh tế được khởi động từ năm 1986, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Giá trị của thương mại giữa Việt Nam và thế giới giờ cao gấp đôi so với tổng GDP, FDI năm 2018 tương đương 8% GDP.
Việt Nam đã ký kết 12 thỏa thuận thương mại tự do, nhóm thỏa thuận này giúp nền kinh tế hội nhập hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, sự tham gia vào chuỗi cung ứng này chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhóm các công ty Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa.
Vấn đề chất lượng của sản phẩm và dịch vụ không đồng đều của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt đáng lưu tâm khi mà các thị trường nước ngoài thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm, môi trường và y tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có rất ít điều kiện tiếp cận với công nghệ mới, những công nghệ giúp họ vượt qua rào cản nói đến kể trên.
Kết quả cuộc khảo sát do Ngân hàng Thế giới thực hiện mới đây cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam muốn tiếp cận đổi mới công nghệ sản phẩm như một cách để giảm chi phí chứ không phải để cải tiến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ít doanh nghiệp vừa và nhỏ mua hoặc phát triển công nghệ mới.
Trên thực tế, các doanh nghiêp vừa và nhỏ tại Việt Nam đối diện với nhiều hạn chế. Khả năng mua và áp dụng công nghệ mới của họ chịu nhiều hạn chế tài chính cũng như thiếu nhân lực có kỹ năng cần thiết.
Doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn chi phí hợp lý bởi các điều kiện tín dụng cho vay và thế chấp của ngân hàng còn quá khắt khe và rắc rối, thực tế trên vẫn diễn ra bất chấp việc quỹ phát triển dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tồn tại từ lâu, ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều các ngân hàng thương mại, quỹ bảo đảm tín dụng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của ManPower, chỉ khoảng 11% doanh nghiệp tại Việt Nam có thể có được kỹ năng lao động cần đến để giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kỷ nguyên chi phí thấp, kỹ năng thấp trong sự phát triển của Việt Nam đã qua đi, Việt Nam cần phải trở thành nước có kỹ năng cao hơn. Để giải quyết vấn đề chất lượng sản phẩm không đồng đều, chính sách cần phải khuyến khích và hỗ trợ cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ mới, và cuối cùng, khuyến khích sự đổi mới. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tín dụng để mua hoặc thuê công nghệ.
Việc phát triển các kỹ năng cần thiết sẽ cần đến giải pháp toàn diện và tổng thể, để chính phủ, cơ sở giáo dục và lĩnh vực tư nhân để cung cấp đào tạo về kỹ thuật cũng như định hướng để đáp ứng được nhu cầu. Nếu không thể tiếp cận được tốt hơn với tài chính và kỹ năng, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tiếp tục tụt hậu trong sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận