Tại sao cúng Rằm tháng Chạp lại quan trọng?
Trong nghi thức tiễn năm cũ, các gia đình đều không quên lễ cúng ông Táo 23 tháng Chạp và cúng Giao thừa, tuy nhiên còn có một nghi thức không kém phần quan trọng đó là cúng Rằm tháng Chạp.
Từ xưa, lễ cúng Rằm tháng Chạp được coi là một trong ba lễ cúng quan trọng tiễn năm cũ gồm cúng Rằm tháng Chạp (tức 15 tháng 12 âm lịch), cúng ông Công ông Táo (ngày 23 tháng 12 âm lịch) và cúng Giao thừa vào thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới (vào nửa đêm cuối cùng trong năm). Nhưng thông thường, mọi người thường trú trọng đến lễ cúng 23 tháng Chạp và cúng Giao thừa là chính, mà ít chú trọng đến lễ cúng Rằm tháng Chạp.
Điều này có lẽ xuất phát từ thực tiễn, cuối năm công việc bận rộn nhiều nên mọi nhà thường chú trọng những nghi thức liên quan mật thiết đến ngày Tết, mà ít quan tâm đến lễ cúng Rằm tháng Chạp vì cho rằng đó cũng như những ngày rằm trong các tháng bình thường. Tuy nhiên, Rằm tháng Chạp là ngày đặc biệt quan trọng, vì nó nằm trong nghi thức cúng những ngày sóc vọng, hơn nữa lại là ngày sóc vọng cuối cùng trong năm. Nhưng thế nào là ngày sóc vọng?
Ngày sóc vọng và nguồn gốc của nghi thức cúng rằm
Tục cúng ngày sóc vọng bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa. Theo đó, ngày sóc là ngày đầu tháng và ngày vọng là ngày giữa tháng. Âm lịch tính thời gian theo tuần tiết. Trong đó, tiết là 24 tiết khí trong năm, tính theo những vị trí đặc biệt của trái đất trên quỹ đạo quay quanh mặt trời, mỗi tiết khí cách nhau 15 độ. Có người lại phân biệt giữa tiết và khí, tiết là tiết lệnh mở đầu một tháng và ngày khí gọi là trung khí, tức là ngày giữa hai tiết; tuy nhiên, thông thường người ta gộp chung gọi là tiết khí cho đơn giản (ví dụ như tiết Lập xuân, Thanh minh, Lập hạ, hay ngày trung khí như Xuân phân, Cốc vũ… đều gọi là tiết khí). Còn tuần tính theo chu kỳ của mặt trăng quay quanh trái đất, trong đó một tháng âm lịch chia làm hai tuần là thượng tuần và hạ tuần, thượng tuần bắt đầu từ ngày mùng 1 và hạ tuần bắt đầu từ ngày 15 hằng tháng.
Ngày tháng âm lịch tính theo lịch mặt trăng nên hai ngày mùng 1 và 15 (tức ngày rằm) hằng tháng cũng là ngày đặc biệt. Đó là hai ngày mà trái đất, mặt trăng và mặt trời gần như nằm trên cùng đường thẳng, do đó lực hút của chúng, nhất là mặt trăng, công hưởng với lực hút trái đất nên có sự tác động đặc biệt đối với con người. Đây cũng chính là ngày nước đầy tính theo thủy triều và gần với ngày con nước theo cách gọi dân gian. Ngày mùng 1 là ngày mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời, còn ngày rằm là ngày mà trái đất ở giữa, hai bên là mặt rời và mặt trăng đối xứng nhau.
Người xưa cho rằng, ở ngày này, nhờ sự thông suốt của mặt trời, mặt trăng mà thần linh, ông bà, tổ tiên sẽ thông thương với con người, sự cầu nguyện sẽ đạt tới sự cảm ứng với các cõi khác và sự thông cảm tha thứ cũng như cầu nguyện sẽ được đáp ứng.
Còn theo truyền thống của Nho giáo, Lão giáo, ngày mùng 1 và ngày rằm là ngày “Thiên địa mở thông”, là sự thông thương của tất cả mọi chướng ngại giữa ba cõi (Thiên, Địa, Nhân). Trời sẽ chứng giám cho hành vi của con người, ông bà tổ tiên sẽ về cảm nhận lòng thành của con cháu, và quỉ thần ám chướng sẽ lui khỏi những ngày này không nhiễu hại ai. Đồng thời, đây còn là ngày lành tốt nhất trong tháng. Vì tính chất và vị trí đặc biệt đó mà người xưa rất coi trọng ngày mồng một và 15 hằng tháng, gọi ngày mồng một là ngày sóc và ngày 15 là ngày vọng.
Sóc nghĩa là trước, mới, là bắt đầu, khởi đầu, do đó dùng để gọi ngày bắt đầu của một tháng. Còn vọng có nghĩa là trông xa, trông ngóng, trông mong… được đặt cho ngày giữa tháng. Đây cũng là ngày mặt trăng mặt trời đối xứng nhau qua trái đất ở hai cực. Người xưa cho rằng vì thế mặt trời mặt trăng nhìn rõ nhau, thấu suốt ánh sáng nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn con người trở nên sáng suốt, trong sạch, đẩy lùi được mọi đen tối vẩn đục, cái tâm vốn sáng suốt, trong sạch từ trong bản thể.
Như vậy, ngày sóc vọng là ngày mở đầu cho mỗi tuần theo âm lịch nên được người xưa ghép lại, lấy làm ngày cầu nguyện và theo văn hóa phương Đông, người ta thường cúng lễ vào ngày này.
Chi tiết hơn, có người còn cho rằng, ngày sóc là ngày mở đầu một tháng nên con người cầu mong thần linh ban cho một tháng mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt và con người mạnh khỏe, may mắn, an lành; vì vậy, ý nghĩa chính của ngày sóc là cúng tế trời đất, thần linh. Còn ngày vọng với nghĩa là nhìn, ngóng, trông mong nên mang ý nghĩa tưởng nhớ, vì vậy được coi là ngày cúng lễ để tưởng nhớ nguồn cội, tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Chính vì vậy, ngày rằm còn trở thành ngày lễ quan trọng của nhiều tháng trong năm như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Tám…
Tại sao cúng Rằm tháng Chạp lại quan trọng?
Như vậy, tục lệ cúng lễ ngày sóc vọng, tức ngày mùng 1 đầu tháng và ngày rằm giữa tháng đã có từ lâu đời, với mục đích cầu mong thần linh, gia tiên phù hộ cho gia đình cả tháng, cả tuần mạnh khỏe, may mắn, an lành. Đặc biệt, ngày vọng giữa tháng (ngày rằm) được coi là ngày tưởng nhớ về cội nguồn, tổ tiên theo đạo lý uống nước nhớ nguồn và là sợi dây kết nối giữa các thế hệ để duy trì gia đạo, truyền thống gia đình.
Ngày rằm các tháng trong năm đã quan trọng như vậy, ngày Rằm tháng Chạp (tức ngày 15 tháng 12 âm lịch) lại càng đặc biệt hơn, bởi đây là ngày rằm cuối cùng của năm, có thể coi như nghi thức cúng ngày sóc vọng cuối cùng của một năm. Sau Rằm tháng Chạp là người người, nhà nhà tất bật bước vào chuẩn bị cho cái Tết năm mới đủ đầy và tươi mới.
Vì vậy, có thể coi như đây là lễ tạ ơn cuối cùng của một năm, vì sau lễ cúng Rằm tháng Chạp là đến lễ cũng ông Táo (23/12), nhưng đây là lễ đặc biệt cúng riêng Thần Bếp, tiễn Thần lên đường về Thiên đình báo cáo việc gia sự trong một năm, chứ không phải lễ cúng Thần linh nói chung hay lễ cúng gia tiên nữa. Còn bữa cơm Tất niên thường mang ý nghĩa xum họp gia đình nhiều hơn, còn ý nghĩa tâm linh nếu có thì cũng là lễ dâng đăng trà quả thực mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu là chính. Đến lễ cúng Giao thừa thì đây lại là lễ mừng đón sự chuyển giao của đất trời từ năm cũ sang năm mới, vì vậy thực chất là lễ tế Trời Đất chứ không liên quan đến cúng Thần linh hay gia tiên.
Như vậy, trong ba lễ tiễn năm cũ, thì có thể coi lễ cúng ngày 23 tháng Chạp là lễ cúng ông Táo - Thần Bếp, lễ cúng Giao thừa là lễ tế Trời Đất và lễ Rằm tháng Chạp là lễ tạ ơn Thần linh và tổ tiên. Chính vì vậy, lễ cúng Rằm tháng Chạp mang ý nghĩa đặc biệt, là lễ cúng Thần linh và đặc biệt là lễ cúng gia tiên cuối cùng trong năm, là ngày lễ sóc vọng cuối cùng của một năm. Và như trên đã nói, có thể coi đây là ngày lễ tạ ơn cuối cùng của một năm, nên người xưa rất coi trọng ngày lễ này. Do đó, nếu như những ngày sóc vọng, tức ngày rằm và mồng một hằng tháng trong năm, người ta thường chỉ cúng hoa quả, thì riêng lễ Rằm tháng Chạp, nhiều nhà sắm lễ mặn để cúng.
Nghi thức cúng rằm tháng Chạp
Về thời gian làm lễ, thông thường nhiều người làm lễ cúng vào tối ngày 14 hoặc ngày 15 tháng Chạp âm lịch, tuy nhiên nên cúng đúng ngày Rằm, 15 tháng Chạp âm lịch là tốt nhất.
Theo trang Thờ cúng Việt, mỗi gia đình sẽ có một cách thức tiến hành lễ cúng khác nhau, có thể là lễ cúng chay, có thể là lễ cúng mặn, nhưng không cần phải quá xa hoa cầu kỳ, chỉ cần gia chủ thành tâm, thành ý là được. Bởi vì cúng rằm là nghi lễ tâm linh mang ý nghĩa tưởng nhớ, tạ ơn, nên gia chủ chỉ cần tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, khấn nguyện tới Thần linh, cầu mong sức khỏe bình an cho gia đình là được.
Tuy nhiên, nếu cẩn thận thì nên chuẩn bị mâm cúng với các lễ vật thông thường như sau:
- Hoa tươi;
- Mâm hoặc đĩa trái cây;
- Bánh kẹo;
- Đèn (nến), hương;
- Trà, rượu, nước;
- Trầu cau;
- Xôi chè;
- Gà luộc (hoặc cỗ mặn;
- Đĩa gạo, đĩa muối hạt;
- Tiền, vàng.
Việc cúng lễ cốt ở tâm thành, nên gia chủ có thể khấn nôm cũng được hoặc cẩn thận hơn có thể tham khảo bài văn khấn sau đây:
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần 3 lạy)
Con kính lạy chín phương trời, con lạy mười phương chư Phật.
Con kính lạy các thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ con là: … Ở tại: …
Hôm nay nhằm ngày … tháng … năm …, đúng tiết Rằm tháng Chạp. Tín chủ con thành tâm sắm lễ hương hoa, trà quả, giấy tiền vàng bạc, thắp nén hương thơm, dâng lên trước án, thành tâm kính mời: các vị Thổ địa, Long mạch tôn thần, các vị thần cai quản trong khu vực này, cùng gia tiên nội ngoại.
Con kính xin các vị giáng lâm, chứng cho lòng thành, thụ hưởng lễ vật. Độ cho tín chủ chúng con được cả nhà yên vui, công việc thuận lợi, tài lộc tăng tiến. Cầu xin tâm đạo được sáng suốt, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lạy trước án, xin được các Ngài phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần 3 lạy).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận