menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phụng Sang Pro

Tại sao chúng ta phải quan sát giá dầu?

Đối với một nhà đầu tư chứng khoán, cập nhật tình hình giá dầu sẽ là điều không thể nào bỏ qua để quan sát và nhận định xu hướng của cả nền kinh tế, vậy thì giá dầu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và vì sao lại có sự ảnh hưởng đó?

Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại bức tranh lịch sử tất cả những cột mốc biến động đáng kể của giá dầu trên thế giới cùng với những xu hướng có thể xảy ra trong tương lai. Qua đó có một góc nhìn khái quát hơn 2 mặt chính của vấn đề: Giá dầu ảnh hưởng như thế nào đến thị trường toàn cầu và điều gì ảnh hưởng đến giá dầu trên thế giới?

1. Mức độ ảnh hưởng qua lại của dầu và nền kinh tế

Là một sản phẩm đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm và là nguồn cung năng lượng quan trọng nhất trên thế giới.

Sản phẩm của dầu: Tất cả những sản phẩm từ dầu đều là kết quả của quá trình chưng cất dầu thô tách Hidro Cacbon. Mỗi tầng chưng cất ở những nhiệt độ khác nhau sẽ tạo ra một sản phẩm khác nhau. Bao gồm khí đốt, xăng, nguyên liệu cho nhựa, nylon, dệt may, dầu hoả, dầu diezel, nhiên liệu tàu thuỷ, nhựa đường,…

Không chỉ ảnh hưởng đến những ngành trực tiếp khai thác và cung ứng sản phẩm từ dầu, biến động giá dầu còn ảnh hưởng gián tiếp đến tất cả những lĩnh vực đầu tàu liên quan đến chuỗi cung ứng (hàng hoá, nhiên liệu, sản xuất, vận tải, dịch vụ,…)

Cụ thể, dầu là một trong ba sản phẩm cơ bản mà người ta dùng để đo lường và đoán định tình trạng của nền kinh tế bên cạnh Vàng và USD.

a. Tương quan của dầu với vàng và USD

Dầu là đầu vào quan trọng trong sản xuất. Khi giá dầu thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của các quốc gia (về cả kinh tế lẫn chính trị).

Khi kinh tế rơi vào trạng thái phát triển không ổn định, nhà đầu tư đầu cơ vào vàng và dầu như là những loại hàng hoá dự trữ. Lúc này, dầu và vàng là 2 loại hàng hoá bổ sung cho nhau, giá của 2 loại hàng hoá này có xu hướng biến động cùng chiều với nhau.

Tuy nhiên, vai trò của dầu với tư cách là hàng hoá sản xuất lớn hơn cả vai trò là hàng hoá đầu cơ. Cho nên khi nền kinh tế trở nên suy thoái (nhất là bối cảnh dịch bệnh như hiện nay), nhu cầu dầu giảm sút mạnh mẽ khiến giá dầu và vàng thoát ly khỏi sự đồng thuận vốn có.

Đối với đồng USD, giá dầu có tương quan nghịch. Điều này đơn giản là dễ hiểu vì giá dầu được tính bằng USD. Bất kỳ chính sách hoặc bối cảnh nào tác động vào USD cũng tác động trực tiếp tới giá dầu. Một lý do nữa là dầu ảnh hưởng lớn tới cán cân thương mại của Hoa Kỳ, một quốc gia dẫn đầu thế giới cả về lượng cung và tiêu thụ dầu.

b. Tác động 2 chiều của dầu và nền kinh tế

Để quan sát cụ thể biến động và ảnh hưởng của dầu đối với nền kinh tế toàn cầu, chúng ta cùng điểm qua 6 giai đoạn biến động lớn kể từ khi dầu thay thế kim loại trở thành mặt hàng giá trị cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, qua đó quan sát những yếu tố nào tác động đến thay đổi giá dầu, đồng thời so sánh tương quan tăng trưởng của dầu, vàng cùng thị trường chứng khoán qua các giai đoạn lịch sử dưới đây:

Trước thế kỷ 20, dầu mỏ hầu hết được dùng để thắp đèn thay cho mỡ cá voi đắt đỏ. Từ đầu thế kỷ 20 trở đi, dầu mỏ bùng nổ nhờ vào các cuộc cải cách về vận tải với sự phát triển của oto cùng nhu cầu về động cơ tàu thuỷ và vận tải hàng không trong thế chiến thứ nhất.

Giai đoạn 1940-1960: Kể từ khi dầu thay thế than đá trở thành nguồn năng lượng chính trên thế giới.

Thị trường dầu mỏ bị các công ty phương Tây chiếm lĩnh và chỉ chia lại nguồn lợi nhuận nhỏ cho các nước sở tại thông qua thuế tài nguyên.

1960 - Opec được thành lập bởi 5 nước sản xuất dầu chính trên thế giới (Iran, Iraq, Venezuela, Kuwait, Arab Saudi) nhằm liên minh giảm bớt sự thống trị của các quốc gia phương Tây trong việc kiểm soát năng lượng và tăng giá dầu.

Giai đoạn 1971-1980: Khủng hoảng giá dầu và lạm phát cao lịch sử. (Giai đoạn này giá dầu và vàng tăng trưởng vượt trội so với cổ phiếu).

1971 - Việc huỷ bỏ bảng vị vàng khiến tiền fiat mất giá nhanh chóng.

1972 - Lượng tiêu thụ dầu của Mỹ lên tới đỉnh điểm buộc quốc gia này phải nhập khẩu dầu mỏ.

1973 - Chiến tranh Arab – Israel: Mỹ ủng hộ Israel dẫn đến việc xuất khẩu dầu thô từ các nước Arab bị gián đoạn.

- Giá dầu tăng từ 3,01 USD lên gần 12 USD vào giữa 1974.

- Cuộc khủng hoảng dẫn đến sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn bốc hơi 73% giá trị, thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi 97 tỷ USD, GDP giảm 3,2%. Suy thoái và lạm phát lan rộng gây ảnh hưởng kinh tế toàn cầu tới tận thập niên 80s.

1979 - Cách mạng hồi giáo Iran khiến ngành công nghiệp vàng đen của quốc gia này bị tàn phá.

- Giá dầu giai đoạn này nhảy vọt từ 15,85 USD lên 39,5 USD

- Đây chính là tiền đề cho cuộc khủng hoảng kéo dài 30 tháng tại Mỹ. Giá năng lượng đi lên kéo theo lạm phát giá tăng, đạt đỉnh 13,5% trong năm 1980, buộc FED phải thực hiện hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ.

- Ở giai đoạn này, sự thiếu hụt nguồn cung dẫn đến giá dầu tăng bốc đầu khiến cho 1 thập kỷ lạm phát tăng cao ngất ngưỡng.

Giai đoạn 1980-2000: Internet ra đời, kinh tế ổn định cùng những bất ổn cũng như chạy đua về sản lượng dầu thô toàn cầu khiến cho giá cổ phiếu trở nên vượt trội so với giá dầu.

Bất ổn tại trung Đông liên tục diễn ra khiến sản lượng ngoài OPEC tăng vọt so với các nước trong tổ chức. OPEC mất đi quyền kiểm soát giá dầu. Giá dầu lúc này phụ thuộc chủ đạo bởi quy luật cung cầu.

8/1985 – Arab Saudi (quốc gia cơ động nhất có khả năng cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu) quay ngoắt chiến lược bình ổn giá dầu của OPEC khi đột ngột tăng sản lượng dầu từ 2 triệu thùng lên 5 triệu thùng/ngày.

- Giá dầu giảm xuống dưới 15USD/thùng.

Cũng trong giai đoạn này: Fed đang tập trung chống lạm phát cùng với việc Mỹ đạt thoả thuận với Arab Saudi khiến USD được tin tưởng và trở thành nơi trú ẩn an toàn của thế giới.

- Tuy nhiên trong giai đoạn này, việc trở lại mạnh mẽ của các tập đoàn dầu khí của Nga và liên minh Arab Saudi (cuối thập niên 90s) khiến khối này trở thành đầu tàu về sản lượng dầu toàn thế giới. Điều này làm cơ cấu năng lượng toàn cầu bị mất cân bằng. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá dầu đột ngột tăng lên gần 40USD vào năm 1990.

Giai đoạn 2000-2010: Sự nổi lên của các quốc gia BRICS, cơn sốt giá dầu quay lại. (Giai đoạn dầu và vàng bùng nổ trở lại và vượt mặt cổ phiếu khi thị trường tài chính đang trong thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử).

Nhu cầu hàng hoá bùng nổ ở các quốc gia thuộc BRICS khiến cho hàng hoá trở thành sự đặt cược an toàn trong giai đoạn này.

- Dầu từ 40USD/thùng (đầu 2000s) tăng đến mức 140 USD/thùng (giữa 2008).

- Nhu cầu sản xuất hàng hoá, điện tử và tâm lý đầu cơ toàn cầu khiến cho cơn sốt dầu một lần nữa quay trở lại trước khi giảm 70% sau cú sụp đổ của thị trường bất động sản Hoa kỳ cuối 2008.

Giai đoạn 2011-2015: Sự ra đời của công nghệ dầu đá phiến và chính sách tiền tệ thắt chặt hậu khủng hoảng.(Sự ổn định của nền kinh tế khiến cho thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định và tốt hơn cả dầu và vàng đang rơi vào chu kỳ suy thoái ở giai đoạn này).

Công nghệ khai thác dầu đá phiến đã khiến sản lượng dầu bùng nổ trên toàn nước Mỹ, Mỹ chính thức lấy lại vị thế trước Nga và OPEC khi đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu sản lượng dầu thô toàn cầu.

- Giá dầu từ 100$ xuống còn 40$/thùng.

Giai đoạn 2016 – hiện tại: Xu hướng go Green, sự dịch chuyển cơ cấu nguồn cung sản lượng dầu thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ Trung, dịch bệnh và dấu chấm hỏi lớn về những chính sách của những nhà hoạch định trên toàn thế giới.

- Giá dầu trong giai đoạn từ năm 2016 là sự phản ánh rất rõ ràng giữa 3 yếu tố tác động đến giá dầu:

Nguồn cung: biến động nguồn cung phụ thuộc vào cuộc chạy đua sản lượng của 3 cường quốc dầu thô là Nga, Mỹ và Arab.

Nhu cầu: biến động nguồn cầu nổi bật nhất là câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khi Donald Trump bắt đầu áp thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc vào 2018, khiến thị trường dầu tạo đỉnh vào cuối năm 2018.

Thị trường tài chính: Giai đoạn 2016 đến 2018 là giai đoạn hiếm hoi mà chúng ta quan sát được thị trường chứng khoán mỹ và giá dầu có sự đồng thuận rất lớn. Điều này phản ánh giá dầu giai đoạn này giữ vai trò là hàng hoá sản xuất toàn cầu thay vì một sản phẩm dự trữ như dầu trong những giai đoạn trước đó.

Nhìn qua bức tranh lịch sử giá dầu từ giai đoạn dầu mỏ bắt đầu vượt mặt kim loại trở thành mặc hàng giá trị toàn cầu, ta có thể thấy được một đặc điểm đặc thù của dầu. Do nguồn cung có thể kiểm soát và là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất thế giới, dầu mang cả 2 vai trò: là hàng hoá dự trữ đồng thời cũng là hàng hoá sản xuất.

Chính điều này khiến cho dầu luôn trở thành một mục tiêu theo dõi của hầu hết các nhà kinh tế và tài chính trên thế giới.

Đồng thời biến động của giá dầu phụ thuộc phần lớn vào sự chuyển dịch năng lượng của lần lượt các khu vực trên thế giới (nói cách khác là tất cả những yếu tố tác động trực tiếp tới cung cầu). Và khi một xu hướng năng lượng mới được nổi lên thay thế cho dầu ở bất kỳ lĩnh vực nào, sự giảm sút về tầm ảnh hưởng của dầu lên thị trường hàng hoá toàn cầu sẽ là điều tất yếu.

2. Xu hướng giá dầu trong tương lai và ảnh hưởng của nó đến thị trường hàng hoá toàn cầu:a. Xu hướng dài hạn: Thị trường ngành dầu trong 10 năm qua đang nằm trong xu hướng giảm.

a. Nguyên nhân

Dầu đá phiến, một loại dầu cung ứng thay thế cho dầu khí do Mỹ phát triển với chi phí rẻ hơn khai thác dầu. = Tăng cung

Bắt đầu tư năm 2019, bản đồ năng lượng đã có sự chuyển dịch. Khi trước đó Nga và Saudi Arabia chỉ cần bắt tay nhau là có thể phù phép giá dầu theo ý muốn.

Sự tăng cường nguồn cung dầu mạnh mẽ của Mỹ từ thời gian đầu những năm 2010 đã khiến cho bản đồ sản lượng dầu thô đa dạng hơn (chiếm 18,6% sản lượng cung cấp toàn thế giới – thống kê năm 2021).

Cấu trúc năng lượng dịch chuyển – go green thành xu hướng toàn cầu. = Cầu bị đe doạ

Nhu cầu kinh doanh tử tế với xã hội và môi trường trở thành một xu hướng bắt buộc cho mọi doanh nghiệp và mọi chính phủ toàn cầu.

Than, dầu, khí, nguyên tử dịch chuyển sang Gió, mặt trời, thuỷ điện, năng lượng sạch tái tạo khác,..

b. Đối với xu hướng ngắn hạn, giá dầu sẽ phụ thuộc vào 3 vấn đề nóng hổi bên dưới đây:

Sự thay đổi mang tính chất tái cấu trúc trong xu hướng sử dụng năng lượng:

Thế giới đồng thuận cắt giảm năng lượng hoá thạch để chuyển sang năng lượng sạch.

Những ngành bị cắt giảm như dầu khí và than đá bị ảnh hưởng kép (chuyển dịch năng lượng và dịch bệnh)

Việc tái mở cửa mỏ than hay giếng dầu gặp khó khăn về huy động vốn vận hành (dòng tiền gặp rào cản khi thế giới dịch chuyển sang NL sạch và Dịch bệnh)

- Nguồn cung bị thu hẹp trong khi thế giới vẫn cần dầu khiến giá dầu tăng cao trong giai đoạn vừa qua.

Giá dầu sẽ tác động 2 chiều đến các chính sách kinh tế.

- Tạo áp lực giải quyết sự cân bằng giữa phục hồi nền kinh tế hoặc đối phó với lạm phát.

- Thách thức tới từ việc tăng giá của hàng hoá

- Nguyên nhân đến từ tình trạng chung của thế giới:

Nhu cầu kim loại công nghiệp, nhiên liệu, vật liệu tăng đột biến ở khắp nơi trên thế giới do chính phủ các nước liên tục tung các gói hỗ trợ, chi tiêu mạnh vào hạ tầng để khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Nhu cầu tồn tại nhưng nguồn cung ngắt quãng do các nhà sản xuất và khai thác mỏ đã giảm quy mô.

Sự thiếu hụt giữa cung so với cầu.

Bản chất đầu cơ của thị trường hàng hoá trong tình hình kinh tế biến động.

Việc tăng tồn kho dự trữ để đảm bảo sự an toàn của các DN đối phó với biến động giá bất thường của nguyên vật liệu đầu vào là điều hiển nhiên. Tuy nhiên thông thường thì sự dự trữ thường đi xa hơn là mục đích dự phòng rủi ro, nó tạo thành làn sóng tích trữ đầu cơ chờ tăng giá.

Vấn đề sẽ xảy ra nếu như xu hướng tăng giá hàng hoá vượt xa tăng trưởng thực của sự phục hồi nền kinh tế.

Trong chu kỳ phục hồi kinh tế theo kỳ vọng toàn cầu, những ngành đầu tàu trong chuỗi giá trị sẽ là ngành được kỳ vọng tăng trưởng cao nhất.

Trong chuỗi giá trị các ngành sản xuất, năng lượng (dầu khí) là ngành len lỏi khắp các huyết mạch của nền kinh tế.

Khi nền kinh tế mở cửa, dầu sẽ tăng giá.

Có thể thấy giá dầu là một trong những chỉ tiêu kinh tế khó đoán định nhất trên thế giới, khi nó bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố có thể tác động đến cung cầu (Xu hướng năng lượng, công nghệ, xung đột chính trị – thương mại các quốc gia, suy thoái kinh tế,…).

Với những ảnh hưởng và tác động 2 chiều của giá dầu và phần còn lại của nền kinh tế, là một người quan tâm đến tài chính và kinh tế, quan sát giá dầu thường xuyên bắt buộc phải trở thành thói quen của bạn. Hy vọng nội dung này giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về cách giá dầu và kinh tế toàn cầu tác động lẫn nhau. Qua đó phần nào giúp bạn đỡ bối rối hơn khi đối mặt với chỉ tiêu kinh tế quan trọng này trong tương lai. Hẹn gặp bạn ở nội dung tiếp theo!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Nguyễn Phụng Sang Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

4 Yêu thích
3 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại