Tại sao các ngân hàng lại miễn phí chuyển tiền?
Trong khi một loạt các ngân hàng khác đã miễn phí chuyển khoản từ nhiều năm trước, điển hình như Techcombank với chính sách zero fee hay mới đây là VPBank, MB và TPBank thì mới đây Vietcombank cũng thông báo sẽ miễn phí tiền chuyển khoản trên ngân hàng số. Vậy mục tiêu sau động thái này của các ngân hàng là gì?
Tăng quy mô khách hàng và lượng tiền gửi không kỳ hạn
Việc miễn phí chuyển khoản của các ngân hàng là nhằm thực hiện mục tiêu tăng quy mô khách hàng và tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) - loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ 0,1%/năm. Tỷ lệ CASA lớn cho thấy ngân hàng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ và gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng. Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn là tiền gửi tiết kiệm mà người gửi tiền có thể rút tiền theo yêu cầu mà không cần báo trước vào bất kỳ ngày làm việc nào của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm. Điều đó khiến bạn chủ động hơn với tài chính của mình, bất cứ khi nào bạn cần, đều hoàn toàn có thể rút tiền của mình về mà không phải chịu bất kỳ ràng buộc nào.
Đẩy mạnh ngân hàng số để bắt kịp xu thế chuyển đổi số
Cuộc đua trên nền tảng số càng ngày càng thú vị với sự gia nhập của Vietcombank và mới đây là BIDV, khiến người dùng càng có thêm nhiều lợi ích và lựa chọn.
Lãnh đạo Vietcombank từng cho biết việc ngừng thu phí chuyển tiền online là một trong những chính sách nhằm đẩy mạnh kênh ngân hàng số và lượng tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng, nhằm giúp hạ chi phí vốn. Việc người dân sử dụng ngân hàng số ngày càng gia tăng cho thấy đang dần có xu hướng chuyển đổi hành vi giao dịch tiền mặt sang tiền số. Vì vậy, các ngân hàng số miễn phí tiền chuyển khoản có thể giúp kích thích hành vi giao dịch của ngân hàng và thu hút người dân sử dụng ngân hàng mình. Có thể nói, việc miễn phí tiền chuyển khoản sớm sẽ giúp công cuộc chuyển đổi số càng nhanh chóng và lấy được nhiều lòng tin từ khách hàng đa số là người dân “làm công ăn lương”.
Sự đánh đổi lợi nhuận khổng lồ từ phí chuyển khoản nhằm mục đích gì?
Thống kê BCTC của các ngân hàng thương trong những năm gần đây cho thấy, hoạt động tín dụng vẫn đang đóng vai trò là “nồi cơm chính” khi đóng góp tới khoảng 80% tổng lợi nhuận thuần của các nhà băng.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu chậm lại. Dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 sẽ chỉ dừng lại ở mức 14%, tương đương năm ngoái và thấp hơn khá nhiều so với mức quanh 17-19% trong 3 năm trước đó.
Việc tín dụng tăng trưởng chậm lại trong khi áp lực duy trì tăng trưởng lợi nhuận tới 20-30% mỗi năm buộc các ngân hàng phải thúc đẩy cơ cấu tài sản để tăng khả năng sinh lời trong những năm tới.
Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm..., thì giảm thiểu chi phí hoạt động cũng là một trọng tâm. Và một trong những cấu phần có ảnh hưởng lớn là chi phí huy động vốn từ khách hàng.
Để giảm chi phí huy động vốn, các ngân hàng sẽ tìm kiếm các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA), bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm.
Tỷ lệ CASA của ngân hàng càng lớn có nghĩa ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận