Tài sản Top 10 tỷ phú thế giới cộng thêm 1,3 tỉ USD/ngày
Trong khi tài sản Top 10 tỷ phú thế giới cộng thêm 1,3 tỉ USD/ngày giữa đại dịch, thì 160 triệu người lại bị đẩy xuống đói nghèo.
Tài sản của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi từ con số 700 tỉ USD lên thành 1,5 ngàn tỉ USD, trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, đây là số liệu được tổ chức Oxfam, nhóm các tổ chức từ thiện hoạt động với mục đích xoá đói giảm nghèo công bố trước thời điểm diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cấp cao trong tuần này.
Theo nghiên cứu mang tên “Inequality Kills” của Oxfam được công bố hôm 17/1, tài sản của các tỷ phú thế giới không ngừng biến động theo chiều hướng gia tăng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Trong đó, 10 tỷ phú đứng đầu thế giới ghi nhận tài sản tăng thêm 15.000 USD/giây tương đương 1,3 tỉ USD/ngày.Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng những ông chủ tập đoàn lớn và nhiều nhân vật nổi tiếng tham dự hội nghị Davos 2022 theo hình thức trực tuyến trong tuần này để thảo luận về các vấn đề cấp bách nhất đối với thế giới như biến đổi khí hậu và sự bất bình đẳng trong hoạt động phân phối vắc xin Covid-19.
“Nếu như 10 vị tỷ phú này mất 99,999% tài sản vào ngày mai, họ vẫn giàu hơn 99% dân số sống trên hành tinh. Tài sản của họ đang gấp 6 lần so với 3,1 tỉ người nghèo nhất”, bà Gabriela Bucher, Giám đốc điều hành của Oxfam International nói.
Còn theo Forbes, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch và CEO của tập đoàn Amazon Jeff Bezos là người giàu nhất hành tinh suốt 4 năm liên tiếp tới năm 2021 với tổng giá trị tài sản là 177 tỉ USD. Theo sau là các tỷ phú Elon Musk, Bernard Arnault, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Warren Buffett, Sergey Brin và Mukesh Ambani.
Nghiên cứu của Oxfam cho thấy kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, cứ 26 tiếng đồng hồ, thế giới lại có thêm 1 tỷ phú. Trái lại, hơn 160 triệu người đã bị đẩy vào cảnh đói nghèo kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu xuất hiện.
Oxfam kêu gọi cải cách mức thuế đối với người giàu để dồn kinh phí cho việc sản xuất vắc xin trên toàn cầu, cũng như đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ, chống biến đổi khí hậu và giảm bạo lực giới.
Báo cáo của Oxfam nhận định sự bất bình đẳng và đói nghèo là nguyên nhân dẫn tới cái chết của ít nhất 21.300 người/ngày tương đương 1 người/4 giây. Cũng theo Oxfam, ước tính 5,6 triệu người ở các nước nghèo tử vong mỗi năm do không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Trong khi đó, nạn đói khiến hơn 2,1 triệu người chết mỗi năm.
Tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 tại các nước đang phát triển cũng cao gấp đôi so với những nước giàu có.
Điển hình, chỉ 7% người dân ở các nước có mức thu nhập thấp được tiêm 1 mũi vắc xin so với con số hơn 75% tại các nước thu nhập cao.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), vào năm 2023, các nước giàu trên thế giới dường như sẽ trở lại với xu hướng phát triển như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, các nước đang phát triển sẽ chứng kiến năng suất sản xuất giảm trung bình 4%. Vào năm 2023, mức thu nhập bình quân đầu người tại 40 nước đang phát triển trên thế giới sẽ ở mức dưới năm 2019.
Chưa hết, đại dịch Covid-19 còn đẩy lùi những nỗ lực lấp đầy khoảng cách bình đẳng giới của cộng đồng quốc tế. Theo đó, phụ nữ cần tới gần 136 năm mới có thể đuổi kịp nam giới về lĩnh vực tài chính. Trong khi trước thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, con số này được ước tính là 99 năm.
Oxfam cho biết thêm, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu triển khai các chính sách nhằm giảm thiểu bất bình đẳng như đánh thuế cao hơn đối với người giàu, cũng như ngăn chặn tình trạng độc quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận