Tài sản các tỉ phú Việt tăng mạnh giữa vòng xoáy Covid-19
Số lượng người giàu của Việt Nam được nhiều tổ chức nước ngoài dự báo tiếp tục gia tăng mạnh, bất chấp dịch Covid-19 diễn ra đã làm hao hụt tài sản của nhiều người.
Người siêu giàu Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực
Báo cáo Thịnh vượng 2020 “The Wealth Report” mới cập nhật của Công ty tư vấn Knight Frank nhận xét, lượng người siêu giàu (người có tài sản trên 30 triệu USD) của Việt Nam có thể tăng tới 430% trong giai đoạn 2014 - 2024, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Con số tăng trưởng này cũng cao hơn hẳn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (100%), Indonesia (114%), Malaysia (67%)... Theo thống kê của đơn vị này, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới về số lượng người siêu giàu. Trong khi đó, giới siêu giàu ở Hàn Quốc và Ý đã tăng trên 20% mỗi nước kể từ năm 2018.
Knight Frank thống kê, 27% tài sản của người siêu giàu nằm trong các khoản đầu tư bất động sản. Với các loại tài sản có tính thanh khoản cao hơn, trung bình mỗi người siêu giàu nắm giữ 23% tài sản của họ dưới dạng cổ phiếu, 17% trái phiếu, 11% tiền mặt, 3% bằng vàng và các loại kim loại quý khác. Trước đó, tính đến hết năm 2019, Knight Frank cho biết Việt Nam có 458 người siêu giàu sở hữu giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên (tương đương khoảng 700 tỉ đồng), tăng 7% so với một năm trước.
Báo cáo này đưa ra dự báo cho giai đoạn 5 năm tới, châu Á sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng về lượng người siêu giàu cao nhất với 44%. Còn nếu xét về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới thì Việt Nam đứng thứ 3 sau Ấn Độ và Ai Cập (mức tăng 66%). Báo cáo này cũng tiết lộ Việt Nam đã có 5 tỉ phú USD vào cuối năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 6 vào năm 2024.
Còn trong danh sách các tỉ phú thế giới 2020 do Forbes công bố, Việt Nam hiện có 4 tỉ phú USD. Dẫn đầu vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, với tài sản 5,6 tỉ USD, xếp vị trí 286 trong số những người giàu nhất hành tinh. Đây là năm thứ 8 liên tiếp ông Vượng có tên trong top người giàu của Forbes.
Tỉ phú thứ hai là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet, với tài sản trị giá 2,1 tỉ USD, giảm 200 triệu USD so với đầu năm 2019. Đây là lần thứ 4 bà Thảo được Forbes ghi nhận trong danh sách các tỉ phú thế giới.
Tỉ phú USD thứ ba là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải, với tài sản 1,5 tỉ USD, giảm 200 triệu USD so với đầu năm 2019. Ông Trần Bá Dương có mặt trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới năm thứ 3 liên tiếp.
Tỉ phú USD cuối cùng của Việt Nam trong danh sách này là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), với tài sản 1 tỉ USD, giảm 700 triệu USD so với bảng xếp hạng năm 2019.
Như vậy, danh sách tỉ phú USD năm nay của Việt Nam đã bị giảm mất 1 người là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, so với năm 2019.
Nhiều tỉ phú văng khỏi danh sách người giàu
Theo danh sách tỉ phú thế giới năm 2020 của Forbes, có 2.095 người được ghi nhận, giảm bớt 58 người so với năm ngoái. Tổng tài sản của các tỉ phú năm nay là 8.000 tỉ USD, giảm 700 tỉ USD so với năm 2019. Nhìn chung, tình hình tỉ phú của năm 2020 có nhiều biến động so với một năm trước. Có 267 tỉ phú từng xuất hiện trong danh sách 2019 đã không còn đủ điều kiện để tiếp tục có mặt trong danh sách của năm nay, trong đó có sự ra đi của Giám đốc điều hành We Work, Adam Neumann. Bên cạnh đó là sự gia nhập của 178 tỉ phú mới từ 20 quốc gia, như CEO Eric Yuan của ứng dụng họp trực tuyến Zoom, ứng dụng trở nên phổ biến giữa đại dịch Covid-19 khi mọi người buộc phải cách ly.
10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt sở hữu hơn 337.000 tỉ đồng
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16.9, chỉ số VN-Index đạt 897,47 điểm, giảm 6,6% so với cuối năm 2019. Hàng loạt cổ phiếu cũng đi xuống khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra tại Việt Nam, đẩy giá trị tài sản của nhiều ông chủ doanh nghiệp tuột dốc. Dù vậy, tính chung tài sản của 10 người dẫn đầu trên sàn chứng khoán vẫn tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ông Trịnh Văn Quyết đã rớt khỏi danh sách Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam do đã bán gần hết số lượng cổ phiếu sở hữu tại Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (ROS). Đồng thời, giá cổ phiếu của ROS và FLC tiếp tục giảm mạnh trong thời gian qua đẩy tài sản của doanh nhân này lao dốc không phanh. Lấp vào chỗ trống thay ông Quyết là bà Vũ Thị Hiền, vợ của tỉ phú Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát. Đây không phải là gương mặt mới mà cũng đã nhiều năm được ghi nhận trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam...
Hai vị trí dẫn đầu trong danh sách người giàu nhất hành tinh theo Forbes ghi nhận của năm 2020 không thay đổi. Đó là Jeff Bezos, nhà sáng lập và Tổng giám đốc Hãng bán lẻ trực tuyến Amazon, tiếp tục dẫn đầu với tài sản trị giá 113 tỉ USD, bất chấp cuộc ly hôn đình đám với người vợ cũ MacKenzie đã khiến ông mất đi 36 tỉ USD. Vị trí thứ 2 vẫn thuộc về tỉ phú Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, với 98 tỉ USD. Thế nhưng, một loạt thứ hạng sau đã có nhiều thay đổi.
Người giàu thứ 3 trên thế giới theo Forbes ghi nhận năm 2020 là Bernard Arnault, ông chủ hãng thời trang xa xỉ LVMH, với 76 tỉ USD thay vì tỉ phú Warren Buffett. Điều này đẩy thứ hạng của ông Warren Buffett xuống thứ 4 với 67,5 tỉ USD. Ngược lại, nhà đồng sáng lập Công ty phần mềm Oracle, ông Larry Ellison, vươn từ vị trí thứ 7 của năm 2019 lên đứng hạng 5 với tài sản 59 tỉ USD, giảm so với 62,5 tỉ USD của năm trước. Hay ông chủ của mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg, cũng tăng một bậc lên vị trí thứ 7, với tài sản 54,7 tỉ USD. Riêng ông chủ Hãng thời trang Zara, tỉ phú Amancio Ortega, vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 dù tài sản cũng bị bay hơi gần 7 tỉ USD, còn 55,1 tỉ USD.
Bên cạnh đó, có 3 tỉ phú bị rớt ra khỏi Top 10 người giàu nhất hành tinh năm nay là tỉ phú Carlos Slim Helu, người vận hành công ty điện thoại lớn nhất châu Mỹ Latin America Movil; ông chủ của Hãng truyền thông Bloomberg, tỉ phú Michael Bloomberg; tỉ phú Larry Page, đồng sáng lập Google. Thay vào đó là cả 3 gương mặt của anh em nhà Walton, sở hữu Tập đoàn Walmart, gồm Jim Walton đứng thứ 8 có tài sản 54,6 tỉ USD, bà Alice Walton đứng thứ 9 có tài sản 54,4 tỉ USD và Rob Walton đứng thứ 10 với tài sản trị giá 54,1 tỉ USD. Trong đó, bà Alice Walton đã vươn lên trở lại là người phụ nữ giàu nhất thế giới sau khi tài sản tăng thêm 10 tỉ USD so với năm 2019…
Điều thú vị nữa trong năm nay là tỉ phú thịt heo Qin Yinglin của Trung Quốc, đứng thứ 43 trong danh sách với 18,5 tỉ USD. Tài sản của tỉ phú này đã cộng thêm 14,2 tỉ USD so với năm 2019 khi cổ phiếu Công ty thực phẩm Muyuan Foods của ông đã tăng gần 3 lần kể từ khi dịch tả lợn châu Phi làm giảm nguồn cung và đẩy giá thịt lợn lên cao. Hay Jack Ma, cha đẻ của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, vươn lên thứ 17 trong bảng những người giàu nhất thế giới, với tài sản 38,8 tỉ USD.
Một nhân vật đặc biệt: Tổng thống Mỹ Donald Trump bị tụt từ vị trí 715 của năm trước xuống thứ hạng 1.001 của năm nay, do khối tài sản bốc hơi 1 tỉ USD so với đầu năm 2019, còn trị giá 2,1 tỉ USD…
Tài sản vẫn tăng bất chấp vi rút SARS-CoV-2
Chỉ sau hơn nửa năm kể từ khi Forbes công bố danh sách người giàu nhất thế giới 2020, tài sản của các tỉ phú liên tục thay đổi theo sự biến động của dịch bệnh do vi rút SARS-CoV-2 trên toàn cầu. Trong khi nhiều ngành bị tác động tiêu cực như hàng không, du lịch, sản xuất thì một số ngành như công nghệ, bán lẻ, thương mại điện tử lại tăng tốc.
Cụ thể, 4 tỉ phú USD của Việt Nam trong tháng 3 có tổng trị giá tài sản đạt 10,2 tỉ USD thì đến đầu tháng 5, số tài sản này vọt lên khoảng 11 tỉ USD. Tuy nhiên đến hết tháng 7, khối tài sản nói trên giảm khoảng 500 triệu USD. Nhưng đến hết ngày 16.9, theo Forbes ghi nhận, tài sản của các tỉ phú này đã cộng thêm hàng trăm triệu USD. Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng có tài sản đạt 6 tỉ USD, tăng thêm 400 triệu USD so với tháng 3.2020; bà Nguyễn Thị Phương Thảo cộng thêm 100 triệu USD, đưa tài sản lên 2,2 tỉ USD; ông Hồ Hùng Anh cũng tăng thêm 200 triệu USD, lên 1,2 tỉ USD; riêng ông Trần Bá Dương chưa có sự thay đổi do Tập đoàn ô tô Trường Hải chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Tài sản các tỉ phú USD gia tăng chủ yếu do cổ phiếu đi lên như cổ phiếu VIC của Vingroup đã hồi phục từ mức thấp 71.500 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3 lên 95.500 đồng/cổ phiếu; VJC của Vietjet cũng tăng trở lại từ giá 96.000 đồng/cổ phiếu lên 106.900 đồng/cổ phiếu; HDB của Ngân hàng HDBank tăng từ 19.000 đồng/cổ phiếu lên 29.900 đồng/cổ phiếu; TCB của Ngân hàng Techcombank phục hồi từ 16.100 đồng/cổ phiếu lên 21.400 đồng/cổ phiếu…
Còn trên thế giới, tính đến ngày 16.9, người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos đã bỏ túi thêm 73 tỉ USD, lên 186 tỉ USD so với tháng 3.2020. Thậm chí vào ngày 26.8, tài sản của ông chủ Amazon chạm mức 202 tỉ USD, cao nhất lịch sử thế giới hiện đại, sau khi cổ phiếu tập đoàn thương mại điện tử này lập kỷ lục. Hay CEO Tập đoàn xe điện Tesla, Elon Musk, cũng nhảy vọt vào Top 10 người giàu nhất thế giới khi tài sản lên 93,8 tỉ USD nhờ cổ phiếu tăng gần gấp 5 lần so với đầu năm. Tương tự, tài sản của ông chủ mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg, cũng tăng gần gấp đôi lên 100,1 tỉ USD. Còn tỉ phú Jack Ma của Trung Quốc cũng có thêm hơn 20 tỉ USD lên 50,9 tỉ USD…
TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn - Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận định ở các nước đang phát triển, những người siêu giàu đã có nhiều lợi thế và khai thác tốt điều đó để làm giàu nhanh chóng hơn ở những quốc gia đã phát triển. Ở những nước này, tài sản nhiều tỉ phú xuất phát từ hoạt động thương mại hoặc công nghệ thì ở các quốc gia mới nổi, người giàu đa số xuất phát từ bất động sản. Năm nay, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phát triển mới từ khi dịch Covid-19 bùng nổ với mô hình kinh doanh thay đổi, từ thanh toán đến thương mại, hoạt động của nhà nước… đều chuyển nhanh sang kinh tế số. Công nghệ hiện đóng vai trò quan trọng giải quyết được những vấn đề mới nảy sinh trong dịch bệnh như ứng dụng họp trực tuyến, thương mại điện tử phát triển nhanh, giao hàng không tiếp xúc, thanh toán điện tử…
“Công nghệ đang trở thành một công cụ có nhiều tiềm năng để thúc đẩy các doanh nghiệp nói riêng và một nền kinh tế nói chung đi lên cũng như có những bứt phá mạnh. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm những doanh nghiệp thành công với nhiều tỉ phú mới của Việt Nam xuất phát từ các ngành nghề khác nhau, trong đó có công nghệ, thương mại điện tử”, TS Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận