Tài sản "bốc hơi" nghìn tỷ, đại gia Việt đua nhau bán ra hàng triệu cổ phiếu
Chứng khiến khối tài sản của mình “bốc hơi“ cả nghìn tỷ đồng, các đại gia này lần lượt thông báo muốn bán bớt hàng triệu cổ phiếu mình đang nắm giữ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh khi thị trường chung ghi nhận mức giảm khoảng 15%. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm sâu từ 50 đến 70%, thậm chí có những mã cổ phiếu lao dốc tới hơn 80% giá trị.
Đà lao dốc của thị trường không chỉ khiến hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn hóa doanh nghiệp bị "thổi bay", khối tài sản của nhiều đại gia trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh.
Chứng kiến khối tài sản của mình "bốc hơi" cả nghìn tỷ đồng trong thời gian qua, nhiều đại gia Việt đã quyết định rao bán bớt hàng triệu cổ phiếu mình đang nắm giữ.
Cụ thể, nới đây, ông Nguyễn Đức Thụy (tức bầu Thụy) thông báo đăng ký bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu Thaiholdings (THD), tương đương gần 25% vốn doanh nghiệp trong tháng 6/2022.
Quyết định thoái vốn của bầu Thụy khiến giới đầu tư bất ngờ khi cổ phiếu THD vừa rải qua đợt lao dốc mất tới hơn 80% giá trị kể từ đầu năm về mốc 53.000 đồng. Đây là một trong những mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh nhất trên HoSE và HNX.
Đà lao dốc của THD thời gian qua không chỉ khiến các cổ đông của doanh nghiệp này choáng váng, ngay cả tài sản của bầu Thụy cũng chứng kiến đợt suy giảm nghiêm trọng. Vị đại gia người Ninh Bình đang nắm giữ 87,4 triệu cổ phiếu THD và cả 41,6 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank, ở lúc đỉnh cao, giá trị cổ phần mà ông Thụy nắm giữ đạt mức kỷ lục hơn 25.000 tỷ đồng và được dự đoán có khả năng trở thành tỷ phú USD mới của Việt Nam.
Tuy nhiên tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 27/5 vừa qua giá trị cổ phần của đại gia Ninh Bình hiện chỉ còn hơn 5.200 tỷ đồng, tức tài sản vị đại gia này đã “bốc hơi” gần 20.000 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Cùng với bầu Thụy, một đại gia khác cũng chứng kiến tài sản lao dốc không phanh gây chú ý thời gian qua là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - nhà sáng lập kiêm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1 (YEG).
Ông chủ Yeah1 cũng vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu YEG, tương ứng 13% vốn điều lệ theo phương thức giao dịch thỏa thuận/khớp lệnh. Thời gian thực hiện từ ngày 1/6 đến 10/6.
"Nỗi đau" nhìn tài sản bay hơi của ông Tống cũng không kém cạnh bầu Thụy khi cổ phiếu YEG vẫn đang trong chuỗi ngày lao dốc về vùng đáy lịch sử quanh 16.250 đồng.
Thị giá này đã giảm 35% kể từ đầu năm và nếu so với đỉnh lịch sử hồi tháng 6/2018 thì đã bốc hơi 95% giá trị.
Trong quá khứ, nhà sáng lập Yeah1 từng gây sốt cho giới tài chính khi đưa doanh nghiệp lên sàn năm 2018 với mức giá chào sàn 250.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu tiếp đó tăng lên đỉnh lịch sử 343.000 đồng để trở thành mã có thị giá cao nhất lúc bấy giờ.
Ở thời kỳ đỉnh cao, ông Tống từng sở hữu khối tài sản có giá trị hơn 2.500 tỷ đồng và lọt Top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, vị đại gia này dự kiến chỉ thu được 65 tỷ đồng nếu bán được toàn bộ số cổ phần đang trực tiếp sở hữu.
Trong một diễn biến liên quan đến cổ phiếu YEG, mới đây bà Trần Uyên Phương – ái nữ của ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát thông báo đã bán hơn 4,1 triệu cổ phiếu đang sở hữu trong ngày 26/5, chính thức không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp.
Trước giao dịch, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát sở hữu gần 4,4 triệu cổ phiếu YEG với tỷ lệ nắm giữ tương ứng là 13,98%. Khối lượng còn sở hữu sau giao dịch thoái vốn trên chỉ là 262.624 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,845%.
Trong phiên 26/5, cổ phiếu YEG chứng kiến giao dịch thỏa thuận đúng bằng khối lượng nữ lãnh đạo Tân Hiệp Phát đã bán ra với tổng giá trị 64,5 tỷ đồng, tương đương tại mức giá 15.700 đồng/cổ phiếu.
Quyết định “bán tháo” cổ phiếu YEG khiến bà Trần Uyên Phương chịu khoản lỗ lớn sau những quyết định đầu vào “sân chơi nóng” của mình.
Trước đó, hồi đầu năm 2020, con gái ông chủ Tân Hiệp Phát đã chi gần 299 tỷ đồng để mua lại thỏa thuận hơn 6 triệu cổ phiếu YEG từ chủ tịch và tổng giám đốc Yeah1 và lần đầu trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu YEG sau đó liên tục lao dốc đã khiến bà Uyên Phương phải nhiều lần bán ra cổ phiếu với mức cắt lỗ 65-70% giá gốc đầu tư trong năm 2021.
Đến đầu năm 2022, nữ lãnh đạo này lại bất ngờ mua gần 3,7 triệu cổ phiếu YEG trong ngày 10/1 từ giao dịch thỏa thuận với Chủ tịch HĐQT Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống để nắm giữ mức gần 14% vốn.
Trong phiên giao dịch ngày 10/1, YEG có giá thấp nhất 22.000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá này, khoản đầu tư của ái nữ nhà Tân Hiệp Phát ghi nhận mức lỗ thêm gần 29%.
Trong khi đó, nhận định về thị trường chứng khoán trong nước, các chuyên gia của CTCK MB (MBS) cho rằng các chỉ báo kỹ thuật đang trở nên tích cực giúp nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường quay lại vùng 1.297-1.315 điểm trong tuần tới.
Các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá áp lực chốt lời hiện tại chưa tác động quá lớn đến xu thế tăng điểm của thị trường nhưng có thể sẽ tiềm ẩn và gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Dư địa tăng điểm của thị trường vẫn còn nhưng cần lưu ý vùng cản 1.300 điểm của VN-Index, có thể thị trường sẽ chịu áp lực cản lớn tại vùng này.
Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu khi thị trường chung đang tiến tới vùng cản, đồng thời, tận dụng nhịp tăng này để chốt lời và cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận