24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhiều nút thắt lớn

Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc…

Bài toán khó tăng vốn điều lệ của “Big4”

Thông tin từ Ngân hàng hà nước (NHNN) cho biết, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm.

Tính đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 592,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2018 và tăng 15,8% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu đạt 857,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cuối năm 2018, tăng 30% so với cuối năm 2017.

Quy mô hệ thống TCTD tiếp tục tăng, đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản toàn hệ thống đạt 11,81 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018; cho vay thị trường 1 đạt 7,61 triệu tỷ đồng, tăng 8,4%; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,96 triệu tỷ đồng, tăng 8,2%.

“Cùng với đó, năng lực quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Trong quá trình chỉ đạo các TCTD xây dựng phương án cơ cấu lại, NHNN đã định hướng các TCTD còn lại sớm thực hiện niêm yết cổ phiếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và tăng cường trách nhiệm giải trình.

Sau những tồn tại, yếu kém, tổn thất phát sinh từ nguyên nhân quản trị, điều hành, nhiều TCTD đã ý thức và chú trọng hơn trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản trị, điều hành phù hợp với thông lệ quốc tế và tuân thủ quy định của NHNN”, ông Nguyễn Văn Du, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra - Giám sát NHNN cho biết.

Tuy nhiên, thực tế, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II, trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.

Minh chứng cụ thể tại Agribank, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc cho biết, Agribank hiện là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, trong 5 năm qua, quy mô về tổng tài sản là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015, nhưng chưa được ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ.

Hiện nay, vốn điều lệ Agribank là 30.518 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước, dẫn đến tỷ lệ an toàn vốn tiệm cận mức tối thiểu theo quy định.

“Tuy đã chủ động phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp II, nhưng theo quy định thì chỉ được tính tối đa 50% vốn tự có. Do vậy, nếu không được cấp vốn bổ sung, Agribank chỉ có thể tăng trưởng tín dụng đến hết quý I/2020, cho dù có nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế và khả năng nguồn của Agribank hoàn toàn có thể đáp ứng”, ông Vượng nói.

Chờ đợi các “đại cổ đông”

Liên quan đến tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy vẫn còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của các đơn vị này.

Trong khi đó, việc cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ, ngành chủ quản. Đồng thời, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng.

Chẳng hạn, tại Bộ Xây dựng, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) sở hữu 15% vốn điều lệ của Công ty Tài chính cổ phần xi măng (CFC) có vốn điều lệ gần 605 tỷ đồng. Được biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận chủ trương thoái vốn tại CFC, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Hay như Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO) chiếm tỷ lệ sở hữu 0,018% vốn điều lệ của HDBank có vốn điều lệ là 9.810 tỷ đồng. FICO đã xây dựng phương án thoái toàn bộ vốn với kế hoạch thực hiện trong quý III/2018, nhưng hiện vẫn chưa xong.

Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà ở và đô thị (HUD) sở hữu 5,33% vốn điều lệ Quỹ Đầu tư Việt Nam VIF có vốn điều lệ khoảng 540 tỷ đồng.

HUD đã nhận phân phối quỹ của năm 2016 và 2017 xấp xỉ 24 tỷ đồng, hiện còn gần 5,1 tỷ đồng, tương đương 0,33% vốn điều lệ. Kế hoạch đặt ra là thoái hết vốn trong năm 2018, nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Tại Bộ Công thương có 2 tập đoàn trực thuộc có vốn đầu tư tại các định chế tài chính, trong đó, Tập đoàn Dầu khí (PVN) hiện đang giữ 51% vốn tại PvcomBank và Tập đoàn Điện lực (EVN) từng sở hữu 7,5% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance).

Được biết, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tái cơ cấu PVN giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc chuyển giao quyền sở hữu phần vốn của PVN tại PvcomBank về NHNN.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục cổ phần hóa doanh nghiệp ngành dầu khí, trong đó giao Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu, chuyển giao vốn PVN tại PvcomBank và hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chỉ đạo PVN hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 23/8 vừa qua, 16,25 triệu cổ phần trong tổng số 18,75 triệu cổ phần của EVN Finance do EVN sở hữu được đấu giá thành công. Như vậy, hiện EVN vẫn còn nắm giữ 2,5 triệu cổ phần tại EVN Finance, tương đương 1% vốn điều lệ.

Việc thoái vốn của EVN tại EVN Finance nằm trong lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp của Tập đoàn, thực hiện Đề án Tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ; công văn số 266/UBQLV/NL ngày 15/3/2019 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Khó xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém

Thông tin từ NHNN cho biết, việc triển khai xử lý, cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc và các TCTD yếu kém còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, quá trình xử lý phụ thuộc vào quá trình đàm phán với nhà đầu tư và phải lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Khó xử lý nhanh các khoản nợ xấu, nhất là trong việc áp dụng các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội...

Một lãnh đạo cao cấp ngành ngân hàng cho biết, nguyên do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính.

Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản đảm bảo của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn tài sản đảm bảo cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Ngoài ra, do phương án cơ cấu lại đối với các ngân hàng mua bắt buộc chưa được phê duyệt nên việc thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu đối với các ngân hàng này (phê duyệt kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính và kế hoạch mua sắm tài sản) rất khó khăn.

“Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả