menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
My Lăng

Tài chính xanh vẫn đang chờ... cơ chế

Nhu cầu phát triển các dự án xanh của Việt Nam được cho là rất lớn nhưng hiện vẫn chưa có một cơ chế chính thức hoàn thiện để tập trung phát triển thị trường tài chính xanh.

Vướng ở đâu?

Cách đây ba năm, một đề án được xây dựng bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho phép phát hành thí điểm trái phiếu xanh (TPX) đầu tiên ở TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đợt phát hành TPX đầu tiên ở TPHCM đã diễn ra vào cuối năm 2016 huy động được 3.000 tỉ đồng cho một danh mục gồm 11 dự án bảo vệ môi trường. Đợt 2 diễn ra vào năm 2017, huy động được 2.000 tỉ đồng cho bảy dự án xanh được chọn lọc.

Tuy nhiên, từ đó tới nay chưa có thêm một đợt huy động TPX nào.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia kinh tế cao cấp của chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của GIZ, đợt phát hành thí điểm TPX tại TPHCM là để rút kinh nghiệm cho các đợt phát hành sau này, vì trên thực tế nó chưa đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn của TPX theo thông lệ quốc tế hiện nay của ICMA (Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế).

Trong khi đó, nhu cầu về tài chính xanh của Việt Nam, theo ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng ban Chương trình quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, là rất lớn trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Nhu cầu vay của doanh nghiệp để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp sạch, đô thị xanh hay đô thị thông minh cũng rất lớn.

“Thế nhưng cơ chế để thực hiện tài chính xanh là rất khó”, ông Cường nói. Theo ông, trước khi nói về trái phiếu thì có rất nhiều nguồn vốn có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển tài chính xanh, nhưng trần nợ công của Việt Nam không cho phép. Đồng thời Luật Quản lý nợ công và một số luật hiện tại cũng không cho phép những nguồn vốn này rót vào qua các định chế tài chính của mình.

Ông Cường nhìn nhận hầu như chưa có ngân hàng thương mại nào làm về tài chính xanh và Việt Nam cũng chưa có chương trình quốc gia về định hướng chung phát triển tài chính xanh. Ông lấy ví dụ nhu cầu vốn vay cho các dự án xanh qua các ngân hàng như BIDV được ADB ước tính hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhưng do vướng rào cản về mặt pháp lý nên nhiều quỹ quốc tế như Green Climate Fund - quỹ chuyên hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với các vấn đề biến đổi khí hậu, khó có thể giải ngân vốn cho các dự án xanh tại Việt Nam thông qua các ngân hàng thương mại.

Việt Nam cũng đang thiếu cơ chế để phát triển và huy động vốn xanh cả trong và ngoài nước, ADB bởi vậy đang nghiên cứu với một số cơ quan như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính để rà soát lại các yêu cầu cần thiết để phát triển các cơ chế hỗ trợ.

Ánh sáng cuối đường hầm

Trên thực tế, vào năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2183/QĐ-BTC phê duyệt kế hoạch hành động của ngành tài chính để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Quyết định nêu rõ việc cần phải xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính để triển khai phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.

Theo ông Hải, sau hai năm hỗ trợ của GIZ và một số tổ chức khác thì hiện nay Bộ Tài chính đã ra được một khung chính sách cho TPX, đã lồng ghép vào các quy định hiện hành, cụ thể là ba nghị định.

Thứ nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 ngày 30-6-2018 về trái phiếu chính quyền địa phương. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ phát hành thí điểm TPX tại TPHCM và Vũng Tàu, nghị định mới đã lồng ghép thêm điều khoản quy định về việc chính quyền địa phương phát hành TPX.

Thứ hai là lồng ghép được quy định phát hành TPX chính phủ trong Nghị định số 95 của Chính phủ ban hành ngày 30-6-2018 về trái phiếu chính phủ, trong đó có quy định Bộ Tài chính chuẩn bị đề án “phát hành TPX chính phủ”, sau đó trao đổi với bộ ngành liên quan, cụ thể là trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên - Môi trường để đảm bảo thống nhất tiêu chí về dự án xanh, và sau đó trình Thủ tướng cho phép thực hiện đề án đó.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu và dự kiến xây dựng xong đề án này trong năm 2019. Bộ đã tổ chức thảo luận với các bộ ngành vào tháng 8-2019 và dự kiến trình Thủ tướng cuối năm 2019.

“Quan trọng nhất là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được khung TPX chính phủ, phê duyệt được các tiêu chí lựa chọn các dự án sử dụng nguồn kinh phí của TPX chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương liên quan lựa chọn danh mục dự án môi trường, dự án xanh và dự án chống biến đổi khí hậu thích hợp”, ông Hải chia sẻ với TBKTSG.

Đây cũng có thể coi là khó khăn lớn nhất khi phát hành TPX chính phủ. Chủ đầu tư, các bộ, ngành địa phương còn nhiều nghi ngại về thủ tục, về chi phí phát sinh đối với các dự án xanh được sử dụng nguồn TPX chính phủ, vì phải có xác nhận và báo cáo đánh giá về tác động môi trường của dự án.

“Còn một hướng rất quan trọng nữa là TPX đối với các định chế tài chính và doanh nghiệp. Rất mừng là ngày 4-12-2018, Thủ tướng chính phủ đã ký, phê duyệt Nghị định 163, trong đó có sáu điều khoản quy định về TPX tương đối chi tiết. Tôi đánh giá khung chính sách về trái TPX như thế là tương đối tốt, phù hợp với các điều kiện hiện nay của Việt Nam”, ông Hải chia sẻ.

Để TPX doanh nghiệp có thể có thị trường riêng, sẽ cần sự hướng dẫn cụ thể cho việc phát hành TPX trên thị trường phù hợp với các nguyên tắc về TPX của ICMA và các nguyên tắc của ASEAN, đặc biệt các quy định về quản lý theo tài khoản riêng, về ý kiến và xác nhận của bên thứ ba, báo cáo đánh giá tác động, hiệu quả môi trường.

Hành trình xanh

Trong năm 2019, theo quy định, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn phải giảm, điều này sẽ gây sức ép lên các tổ chức tài chính. Nhưng đồng thời đây cũng là điều kiện thúc đẩy các ngân hàng và doanh nghiệp tính đến phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xanh có thể tính đến việc phát hành TPX, cũng như huy động các nguồn vốn quốc tế từ những quỹ tài chính tín dụng xanh.

Theo ông Hải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Quyết định 1085 ngày 17-7-2018, nhưng chỉ là hướng dẫn phân loại đầu tư công cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Vì vậy, vẫn cần một hướng dẫn thống nhất chung và chi tiết về tiêu chí và danh mục các dự án xanh để có thể áp dụng cho cả các dự án đầu tư xanh cho khu vực doanh nghiệp tư nhân và khu vực tài chính ngân hàng.

Đối với các dự án tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng, mới chỉ có danh mục dự án xanh do ban quản lý các dự án tín dụng quốc tế và danh mục thống kê báo cáo về tín dụng xanh do Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN ban hành.

“GIZ cũng đang trao đổi, cùng một vài tổ chức nữa hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn đầu như xây dựng khung TPX, xây dựng tiêu chí lựa chọn danh mục dự án xanh và đặc biệt là cũng hỗ trợ kỹ thuật cho việc các nhà phát hành TPX có phần báo cáo đánh giá của bên thứ ba đối với TPX để nâng uy tín của nhà phát hành lên, từ đó giảm chi phí phát hành TPX trong điều kiện thuê các công ty đánh giá thứ ba từ quốc tế khá đắt. Các tổ chức quốc tế thì có thể hỗ trợ kỹ thuật khi phát hành TPX chính phủ và địa phương, hỗ trợ cho các ngân hàng, các doanh nghiệp đi tiên phong, đặc biệt là doanh nghiệp lớn trong VN100, phát hành TPX”, ông Hải trao đổi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại