24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Sơn Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tài chính tuần qua: Tỷ trọng CASA giảm, 'room' tín dụng sẽ sớm được nới, ngân hàng bán nợ

Tỷ lệ CASA trung bình của 27 ngân hàng niêm yết tính đến hết 30/6 ở mức 21,86%, giảm 68 điểm cơ bản so tỷ lệ cuối năm trước.

Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn giảm, Techcombank, MB, MSB vững top 3

Theo dữ liệu thống kê tổng hợp 27 ngân hàng niêm yết của FiinGroup, tổng lượng tiền gửi khách hàng tính đến hết 30/6 là 7,84 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm, trong đó lượng tiền gửi không kỳ hạn của 27 nhà băng ở mức 1,71 triệu tỷ đồng, tăng 1,5%. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trung bình ở mức 21,86%, giảm 68 điểm cơ bản so tỷ lệ hồi đầu năm.

Hiện quán quân CASA vẫn đang là Techcombank với tỷ lệ 43,4%, mặc dù giảm hơn 3,6 điểm phần trăm so với đầu năm. Công ty chứng khoán ACB (ACBS) nhận định CASA của Techcombank sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng giao dịch qua kênh ngân hàng số và khả năng thu hút khách hàng mới của ngân hàng. Nhóm chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ CASA của Techcombank sẽ đạt mức 52,7% vào cuối năm nay.

Hiện VietCapital Bank đang là ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp nhất toàn hệ thống ở mức 5,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng giảm 11,4%, xuống 2.548 tỷ đồng. (Xem thêm)

casa255-1661591686-9920-1661593498.png data-natural-width639

Tỷ lệ CASA của 27 ngân hàng niêm yết tính đến hết ngày 30/6. Nguồn: Tổng hợp số liệu của FinnGroup. Đơn vị tính: tỷ đồng. Biểu đồ: Quang Anh

Thống đốc: Room tín dụng sẽ được thông báo vào đầu tuần sau

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm diễn ra vào sáng ngày 26/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cũng tại hội nghị liên quan đến hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh một số tỉnh, thành phố đã chia sẻ về các khó khăn khi đưa chính sách hỗ trợ lãi suất vào thực tế. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý, khó khăn mà các ngân hàng thương mại nêu ra không bao gồm việc hạn chế tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

photo1661520351590-16615203516-9016-3814 data-natural-width640

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Tại diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới" ngày 24/8, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng việc nới room tín dụng không nên chờ đến quý IV hay cuối năm khi lạm phát được kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định… Ông Lực cho rằng khi đó mới nới room là quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

Trong một hội thảo do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức này 24/8, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP HCM cho biết trong gần 8 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 9,3%, dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450.000 tỷ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP HCM, room tín dụng còn trên dưới 150.000 tỷ đồng.

Tại cuộc tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” sáng 24/8, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn – Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho biết lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu và dịch chuyển dần vào giá cả hàng tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan quản lý có thể dùng công cụ thuế để hạn chế lạm phát nhập khẩu, qua đó gia tăng dư địa để nới “room” tín dụng.

Ngân hàng rao bán nợ

Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH TH Bonbon (Công ty Bonbon) với giá khởi điểm 83,8 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với lần thông báo hồi tháng 8/2021. Tài sản đấu giá mà Agribank AMC công bố là nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc gắn liền với quyền sử dụng đất thuê thuộc sở hữu của Công ty Bonbon và toàn bộ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thức ăn gia súc thuộc sở hữu của công ty tại xã Hợp Châu (nay là Thị trấn Hợp Châu), huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng MB (MBAMC), công ty trực thuộc MB thông báo chào bán cạnh tranh toàn bộ khoản nợ của CTCP Tân Tân và CTCP Sing Sing tại MB chi nhánh Bắc Sài Gòn. MBAMC cho biết giá khởi điểm cho hai khoản nợ trên là 2 tỷ đồng, tương đương với mức giá chỉ bằng khoảng 3% tổng dư nợ của cả hai doanh nghiệp.

Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Thép Sài Gòn. Vietcombank cho biết đây là lần thứ hai khoản nợ này được rao bán, ở lần rao bán thứ hai giá khởi điểm giảm 10% so với lần đầu xuống còn 32,4 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo liên quan đến khoản nợ là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ 148 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM. Khu đất có diện tích 72,1 m2, là đất ở đô thị lâu dài. Nhà ở trên đất là nhà cấp 3 có diện tích sàn 110,4 m2 (gồm 1 tầng và gác gỗ).

VietinBank chi nhánh Quảng Nam thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Giải pháp công nghệ Tái tạo để xử lý nợ, tài sản gắn liền với khoản nợ gồm nhiều bất động sản tại Hà Nội, TP HCM và loạt tài sản khác trong KCN Tam Thăng. Giá khởi điểm đấu giá cho khoản nợ của CTCP Giải pháp công nghệ Tái Tạo là 85 tỷ đồng.

BIDV thông báo lựa chọn đợn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ của hai doanh nghiệp là CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi. Tổng dư nợ của cả hai doanh nghiệp đến hết 17/8 là hơn 1.002 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho hai khoản nợ là nhà máy thủy điện Đắk Psi tỉnh Kon Tum, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Gia Lai, 66 động sản và 13 bất động sản... cùng nhiều tài sản khác.

Áp lực từ lãi suất tăng

Việc mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng đang gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ ngày càng rõ. Đơn cử như tác động “vòng hai” của lạm phát đã hiện hữu qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7, tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, theo Thống đốc NHNN, ngành Ngân hàng đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên” khi mà người dân gửi tiền thì mong lãi suất cao để bù đắp lạm phát, trong khi doanh nghiệp đi vay lại muốn lãi suất giảm. Hay như doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng, còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh…

Mặc dù có tín hiệu giảm sức ép lên lãi suất nhưng VCBS dự báo từ nay đến cuối năm, xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1-1,5 điểm % cho cả năm nay. Chung quan điểm, VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì đà tăng trong những tháng tới. Nguyên do là nhu cầu tín dụng cao trong bối cảnh kinh tế phục hồi. Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi còn chậm trong 7 tháng đầu năm (chỉ tăng 4,2% so với đầu năm và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái).

Một số tin tức đáng chú ý khác

Nửa đầu năm 2022, ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận những điểm sáng trong kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, trong nửa còn lại của năm, một số động lực tăng trưởng dần trở nên bất định. Tỷ lệ nợ hình thành xấu thấp, thu nhập ngoài lãi phục hồi và việc kiểm soát tốt chi phí rủi ro tín dụng sẽ các các động lực cho sự phát triển ổn định của ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022.

Bộ Giao thông vận tải mới đây đã có hướng dẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) nâng cấp tài khoản giao thông thành ví điện tử. Theo ông Nguyễn Danh Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty Thu phí tự động VETC - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã hướng dẫn VETC trình tự và thủ tục cần thiết để nâng cấp tài khoản ETC thành ví điện tử cũng như bổ sung tính năng trung gian thanh toán. Dự kiến quá trình thay đổi và hoàn thành 6-9 tháng.

Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho biết doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ khách hàng là hơn 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng, một con số quá thấp so với mức 40.000 tỷ đồng của tổng gói hỗ trợ. Xoay quanh vấn đề triển khai gói hỗ trợ, làm sao để kịp thời, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhưng vẫn đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, tránh trục lợi chính sách, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của VPBank thêm tối đa 22.377 tỷ đồng đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được ĐHCĐ VPBank thông qua tại Nghị quyết số 10 ngày 29/4 và HĐQT thông qua tại Nghị quyết số 208 ngày 1/7.

HĐQT OCB công bố nghị quyết về việc sẽ triển khai việc tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.127 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%. Nguồn vốn thực hiện chia thưởng được trích từ các nguồn thuộc vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2021.

Trong tuần qua, Bộ Tài chính có công văn trả lời Vietnam Airlines liên quan đến các kiến nghị miễn thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này. Bộ Tài chính cho biết việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường về 0 sẽ không đảm bảo đúng bản chất của thuế bảo vệ môi trường.

Tưởng chừng việc tái cơ cấu nhóm ngân hàng yếu kém đã rơi vào bế tắc, nhưng bất ngờ nửa năm gần đây, các ngân hàng này lại trở nên hấp dẫn, không phải với nhà đầu tư ngoại mà với chính nhóm ngân hàng thương mại trong nước. Bên cạnh những lợi ích chung như không hợp nhất báo cáo tài chính; không cộng khoản góp vốn, khoản vay với ngân hàng mục tiêu khi tính hệ số an toàn vốn (CAR); không trích lập dự phòng… SSI cho rằng việc được bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm là một trong những ưu đãi quan trọng các ngân hàng tham gia tái cơ cấu nhận được.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả