Tài chính tuần qua: NHNN tăng trần lãi suất huy động, tỷ giá USD/VND đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết quyết định tăng lãi suất của NHNN nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất huy động
Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh loạt lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi. Các quyết định này có hiệu lực từ 23/9. Cụ thể, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm. Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2% lên 0,5% một năm.
Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.
Thông tin tại họp báo ngày 23/9, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, quyết định tăng lãi suất của NHNN nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đây cũng là ưu tiên số một của NHNN trong thời gian tới. Dù tăng lãi suất điều hành, nhưng NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, NHNN không điều hành lãi vay, vì đây là thoả thuận giữa ngân hàng và người vay.
Ông Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết: "Việc cung ứng tiền ở Việt Nam chủ yếu qua tín dụng nên việc nới room là kịp thời. Cần tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm rút tiền thông qua buôn bán ngoại tệ cũng như các công cụ của thị trường mở để tạo mặt bằng lãi suất ổn định".
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhận định, áp lực tăng lãi suất trong thời gian tới là rất lớn, nhưng mức độ tăng không quá nhiều. Bởi hiện NHNN vẫn đang điều tiết thanh khoản của hệ thống một cách chủ động, linh hoạt. Bên cạnh đó, việc nới room vẫn trong hạn mức tổng thể là 14% đã được định sẵn từ đầu năm, nên không gây hiệu ứng tăng lãi suất mạnh.
Tỷ giá USD/VND trước hành động của Fed
Tỷ giá trung tâm VND/USD sáng 22/9 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.316, tăng 15 đồng so với hôm qua. Ngày 19/9, tỷ giá trung tâm cũng tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Sau 5 phiên thay đổi, tỷ giá trung tâm tăng 57 đồng. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 171 đồng, tương đương 0,73%.
Trên thị trường ngoại hối, từ đầu năm đến nay, đồng VND đã mất giá hơn 3,8% so với đồng USD, tỷ giá USD/VND ở mức 23.690 đồng/USD lên cao nhất từ trước tới nay.
Diễn biến tỷ giá USD/VND. Nguồn: Trading View. |
Về cuối năm, SSI Research kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu, và kiều hối. Trong năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn, nhưng tình hình có thể sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể đi vào giai đoạn cuối, và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.
Ngân hàng rao bán nợ
Thời gian qua, các ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, liên tục có thông báo phát mại, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên trên thực tế việc chào bán, phát mại bất động sản, chuyển nhượng các khoản nợ, đặc biệt là những khoản nợ của các doanh nghiệp lại vô cùng chật vật, vất vả đối với các ngân hàng. (Xem thêm)
SHB thông báo bán nợ của CTCP Đầu tư tài chính Thành Việt (Công ty Tài chính Thành Việt). Tính đến ngày 16/9 tổng dư nợ của doanh nghiệp nêu trên là hơn 1.406 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 384,9 tỷ đồng, còn lại là dư nợ lãi và lãi phạt. Ngân hàng cho biết khoản nợ được thế chấp bằng ba tài sản, một dự án bất động sản có quy mô 10 ha tại Hà Nội, 4 bất động sản tại TP HCM và 3,93 triệu cổ phiếu PSI (HNX: PSI).
BIDV chi nhánh Hà Nội có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của CTCP Licogi với giá 11 tỷ đồng. Lô tài sản bao gồm 6 máy công trình, một dây chuyền nghiền sàng đá và hai ô tô. Trong đó hai ô tô gồm Ford biển số 29C-797.81 sản xuất năm 2017 và ô tô tải HOWO biển số 29C-701.55 sản xuất năm 2015.
Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Đầu tư xây dựng Thăng Long, với giá khởi điểm là 172 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Cúc Phương thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
VietinBank chi nhánh Nam Thăng Long thông báo về việc có nhu cầu bán toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) của Công ty TNHH Trường Minh để xử lý thu hồi nợ vay. Giá chuyển nhượng dự kiến VietinBank đưa ra là 55 tỷ đồng, tương đương với 45% tổng dư nợ hiện tại của Công ty TNHH Trường Minh và ít hơn 30 tỷ đồng so với nợ gốc của doanh nghiệp.
Một số tin tức đáng chú ý khác
SCB bổ nhiệm hai nhân sự cấp cao là ông Hoàng Minh Hoàn và ông Bùi Nhân vào vị trí Phó Tổng giám đốc. Trong đó, ông Hoàng Minh Hoàn giữ vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 19/9. Hai nhân sự cấp cao mới của SCB đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại đơn vị. Họ cũng là đại diện cho thế hệ nhân sự gắn bó lâu năm với ngân hàng.
PGBank thông báo thay đổi nhân sự cấp cao. Cụ thể, ngân hàng đã chấp thuận nguyện vọng thôi đảm nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc của ông Nguyễn Mạnh Hải kể từ ngày 16/9/2022. Bên cạnh đó, HĐQT PGBank cũng miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc của bà Đỗ Thị Đức Minh kể từ ngày 19/9. Bà Minh cũng sẽ không còn đảm nhiệm chức danh Người phụ trách Quản trị Ngân hàng; Thư ký HĐQT; Chánh Văn phòng HĐQT, Thành viên Uỷ ban quản lý rủi ro. Lý do miễn nhiệm là bà đã có đơn xin nghỉ việc.
Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhóm phân tích cho rằng với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm là khá hạn chế.
Mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng tại Hội nghị về công tác điều hành tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá việc điều hành tín dụng của NHNN trong thời gian qua là phù hợp. Các ý kiến đều cho rằng chưa thể bỏ công cụ hạn mức tín dụng (room tín dụng).
Trong thời gian gần đây, các ngân hàng đẩy mạnh tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu, có ngân hàng nâng tỷ lệ này lên tới 300-400%, thậm chí cao hơn. Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu là cách để ngân hàng chủ động đối phó những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận