Tài chính tuần qua: NHNN giữ chỉ tiêu tín dụng tăng 14%, tỷ giá USD/VND đi lên, ngân hàng phát mại loạt bất động sản
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020.
Thống đốc: 'Vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%'
Phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng chủ trì chiều 14/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020.
Tính đến 30/6/2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch Covid-19. Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: NHNN |
Theo báo cáo, nhận định của các công ty chứng khoán, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm của các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào việc cấp room tín dụng từ phía NHNN. Ngoài room tín dụng, lãi suất cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm.
Theo Chứng khoán Vietcombank, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR - hệ số an toàn vốn), năng lực quản trị rủi ro thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9… cũng mức độ hỗ trợ NHNN của các TCTD trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội như miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng...
Nhóm phân tích của công ty chứng khoán VNDirect nhận định tín dụng tăng trưởng 14% trong năm nay. Nguồn: VNDirect |
Theo báo cáo chiến lược vĩ mô nửa cuối năm 2022 của CTCP Chứng khoán Tiên Phong nhóm chuyên gia ước tính năm 2022, tín dụng toàn ngành sẽ tăng cao là 15% (so với mục tiêu chung của NHNN là 14%) trong điều kiện nhu cầu cao hồi phục sau đại dịch và thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội.
Lãi suất vay mua nhà tăng cao
Vietcombank - một trong các nhà băng có gói lãi suất tốt và thủ tục giải ngân nhanh - đưa ra gói vay lãi suất ưu đãi 9,2% cố định cho 3 năm đầu. Nhưng chỉ sang ngày hôm sau, nhân viên tín dụng thông báo lãi suất tăng lên 9,8% một năm.
Không chỉ tại Vietcombank, ít nhất ba ngân hàng khác gần đây cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà. Shinhan Bank - ngân hàng nước ngoài có mức lãi suất hấp dẫn trên thị trường - mới đây đã nâng lãi suất cho vay mua nhà bình quân lên tối thiểu 8% một năm. Cụ thể, lãi suất ưu đãi 8,2% cho năm đầu, 8,9% ưu đãi cho 3 năm. Trong khi đó, cuối năm ngoái, mức lãi suất ưu đãi tại Shinhan Bank chỉ gần 5,5% một năm cho năm đầu tiên và 7,8% cho năm thứ 2 đến năm thứ 5.
Theo dự báo của các chuyên gia VCSC, lãi suất cho vay thế chấp mua nhà nửa cuối năm nay sẽ cao hơn so với nửa đầu năm. Trong năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà sẽ đi ngang, ở mức 11,2%/năm, cao hơn so với dự báo 10,8% ở năm 2022. Trước những khó khăn hiện hữu, các chuyên gia khuyên người dân nên thận trọng với các khoản vay.
Tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra ngày 15/7, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết đối với hoạt động cấp tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản; chứng khoán; trái phiếu doanh nghiệp; BOT, BT giao thông… định hướng của NHNN là tăng cường quản lý rủi ro. Trong đó, cơ quan quản lý tiền tệ không chủ trương hạn chế tín dụng đối với bất động sản và các lĩnh vực này nhưng cần kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống.
Ngân hàng phát mại loạt bất động sản để thu hồi nợ
VietinBank thông báo xử lý khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Năng lượng Quốc tế Dolla tại VietinBank Hoàn Kiếm để thu hồi nợ vay. Tính đến ngày 29/6, tổng dư nợ của CTCP năng lượng Quốc tế Dolla là hơn 28,6 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 12 tỷ đồng, nợ lãi và lãi quá hạn là hơn 16,6 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với hai bất động sản tại quận Hoàng Mai và một bất động sản tại quận Ba Đình, Hà Nội.
BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản khoản nợ hơn 56 tỷ đồng của một khách hàng tại BIDV. Ngân hàng cho biết tài sản bảo đảm của khoản nợ là tài sản gắn liền với đất tại phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, cùng với đó là hệ thống máy móc thiết bị tại nhà xưởng Bắc Ninh. Bên cạnh đó, tài sản thế chấp còn là hai quyền sử dụng đất tại Hà Nội, gồm quyền sử dụng đất tại Phương Liên, quận Đống Đa và quyền sử dụng đất tại Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng. Ngoài ra, tài sản còn là một xe ô tô tải Hyundai.
Từ đầu tháng 7, NCB có nhiều thông báo đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá, thu giữ tài sản đảm bảo tại các quận, huyện trên địa bàn TP HCM và một số tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Thuận để thu hồi nợ. Theo đó, ngân hàng thông báo bán đấu giá hai lô đất gần 600 m2 tại phường Long Phước, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) với giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng.
Vietcombank chi nhánh Đông Sài Gòn thông báo phát mại tài sản đảm bảo tại số 117 đường Đông Tĩnh, phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với giá khởi điểm 50 tỷ đồng. Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa số 2166 có diện tích 995,26 m2, trong đó diện tích xây dựng là 165,80 m2, diện tích sàn là 450,52 m2.
Từ đầu tháng 7, Agribank có nhiều thông báo bán đấu giá, xử lý tài sản tại TP HCM để thu hồi nợ, các tài sản thế chấp có địa chỉ tại quận 3, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn. Agribank thông báo đấu giá khoản nợ của CTCP Đầu tư và Sản xuất Kiên An và hai khách hàng cá nhân là ông Lê Văn Nam và ông Lại Hữu Phong, tổng dư nợ tính đến ngày 9/8/2021 là hơn 61,7 tỷ đồng.
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh nhất 4 năm
Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research tuần 4/7 - 8/7, SSI Research cho biết tỷ giá USD/VND tăng sau động thái của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 90 đồng, giao dịch ở 24.030/24.060 và chênh lệch giữa hai thị trường vẫn đang ở mức cao. Nếu so với cuối năm 2021, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết tăng khoảng 2,5% - mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Tính đến sáng 15/7, tỷ giá USD/VND tại ngân hàng đang ở vùng cao nhất hai năm. Lần gần nhất, tỷ giá biến động mạnh là vào tháng 4/2020 khi giá USD ngân hàng lên mức 23.800 đồng. Nhưng đợt biến động lần đó không kéo dài lâu, sau động thái Ngân hàng Nhà nước hạ giá bán USD, tỷ giá lại hạ nhiệt.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá và dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên khoảng 2% trong năm 2022, khi nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được kỳ vọng tương đương mức đạt được trong năm 2021, nhờ hoạt động xuất khẩu tích cực và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.
Một số tin tức đáng chú ý khác
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái quyết định giao bổ sung 19.302 tỷ đồng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2022 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để bổ sung cho các địa phương hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, bổ sung cho Bộ Công an kinh phí thực hiện sản xuất 30 triệu thẻ căn cước công dân... Ngoài ra, việc bổ sung dự toán chi ngân sách 2022 còn để thưởng vượt thu cho 12 địa phương có số thu phân chia ngân sách vượt chỉ tiêu.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Cùng với việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ giảm từ 20% xuống còn 10% thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với mặt hàng xăng dầu thay vì mức 12% như đề xuất trước đó.
Ngân hàng Nhà nước cập nhật số liệu tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến hết tháng 4. Tính từ đầu năm, tiền gửi của cư dân đã có 4 tháng tăng liên tiếp, đạt 5,532 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 4, cao hơn 4,37% so với cuối năm 2021.
Nguồn: NHNN, Biểu đồ: Quang Anh |
Nghị định 31 năm 2022 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là một trong những chính sách được mong đợi nhất năm nay và được ví như chiếc “phao vàng” giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn lưu động, giúp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, muốn được tiếp cận “phao vàng” doanh nghiệp phải khỏe mạnh.
Tại tọa đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm” sáng 13/7 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia dự báo tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2%, tỷ lệ nợ xấu gộp ở mức 6%. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức 1,4%. Tuy nhiên sau 6 tháng vừa qua, Thông tư 14 hết hiệu lực và nếu không được gia hạn thì một số khoản nợ sẽ phải chuyển nhóm và làm gia tăng nợ xấu.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, nhóm phân tích dự báo các yếu tố chính dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của HDBank trong quý II là tăng trưởng thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ thuần cùng với việc giảm chi phí dự phòng. Trong đó, thu nhập phí thuần được kỳ vọng sẽ là động lực khác của lợi nhuận nhờ thu nhập từ bancassurance đang trên đà tăng của HDBank.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận