Tài chính tuần qua: Dự kiến có thêm đợt nới room tín dụng quý IV, ngân hàng khó bán BĐS để thu hồi nợ
Theo ước tính của các đơn vị phân tích, lượng room tín dụng được phân bổ trong đợt vừa qua mới chỉ đạt 175.000 – 200.000 tỷ đồng.
Sẽ có đợt nới room tín dụng tiếp theo vào cuối quý IV
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhóm phân tích cho rằng vẫn còn có thêm một đợt nới room nữa trong nửa sau của quý IV, điều này cũng đồng nghĩa cung tín dụng hạn hẹp trong khi nhu cầu vay về cuối năm thường cao, kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 26/8 đạt 9,91%, tương đương mức tăng 1.035.008 tỷ đồng so với đầu năm. Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,09%, tương đương quy mô khoảng 427.163 tỷ đồng. Theo ước tính của các đơn vị phân tích, lượng room tín dụng được phân bổ trong đợt vừa qua mới chỉ đạt 175.000 – 200.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, vẫn còn khoảng hơn 200.000 tỷ room tín dụng chưa được NHNN phân bổ.
Theo các chuyên gia tài chính, dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm của các nhà băng rất hạn chế, bởi room được tín dụng được nới thêm không nhiều và phần lớn do các ngân hàng đã sử dụng hết số được cấp ngay từ 6 tháng đầu năm dẫn đến tình trạng dư vốn nhưng không thể cho vay mới.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng việc nới room tín dụng chắc chắn sẽ bổ sung thêm "oxy" cho nền kinh tế. Tuy vậy, ông cho rằng về lâu dài vẫn cần sớm sửa Nghị định 153, quy định rõ hơn về điều kiện phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào kênh ngân hàng, mà có thể huy động vốn thông qua trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh.
Các chuyên gia tại các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị NHNN nên thận trọng trong điều chỉnh chính sách. Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện IMF tại Việt Nam cũng cảnh báo, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP của Việt Nam tăng cao, trong khi các vấn đề như tăng vốn lại chưa theo tiêu chuẩn khu vực, tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy NHNN cần tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng đối với vấn đề này. Nếu tăng trần tín dụng sẽ làm giảm hiệu lực các chính sách nêu trên trong kiềm chế lạm phát.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay, vốn tín dụng trên GDP đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ này cao nhất thế giới. Chính vì tỷ lệ cao như vậy, khi có biến động trên thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng. Do đó, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết bởi nếu như ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả sẽ gây hệ lụy tới nền kinh tế.
Ngân hàng vẫn khó bán bất động sản để thu hồi nợ
Nhận thức rõ áp lực nợ xấu dưới tác động của đại dịch Covid-19, thời gian qua các TCTD đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó các TCTD cũng tích cực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên, do tài sản bảo đảm nợ tại các ngân hàng đa phần là bất động sản, trong khi thanh khoản của thị trường yếu đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Không ít tài sản bảo đảm trải qua nhiều lần đấu giá mà vẫn không thành công.
Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng MB (MBAMC), công ty trực thuộc MB thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với lô đất rộng 77,3 m2 tại quận Tân Bình, TP HCM, với giá khởi điểm 23 tỷ đồng. Ngoài ra MBAMC còn sắp chào bán một lô đất tại tỉnh Bình Dường và một lô tại tỉnh Cà Mau với giá khởi điểm lần lượt là 7 tỷ đồng và 750 triệu đồng.
Từ đầu tuần đến nay, Vietcombank đã có nhiều thông báo bán đấu giá tài sản là các bất động sản tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng để thu hồi nợ. Trong đó, Vietcombank bán đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc thửa có diện tích gần 1.000 m2 tại phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 36,4 tỷ đồng, giảm gần 14 tỷ đồng so với mức giá rao bán hồi cuối tháng 7.
Từ đầu tuần, Vietcombank đã có 5 thông báo phát mại bất động sản tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, tổng giá trị gần 60 tỷ đồng. |
VietinBank chi nhánh Tuyên Quang thông báo về việc thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản gắn liền với đất là toàn bộ các hạng mục công trình của Dự án nhà máy gạch Tuynel Tân Bắc, tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Ngoài ra tài sản còn là tất cả các quyền, quyền sở hữu và lợi ích của Công ty Vĩnh Hóa đối với toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị thuộc Dự án Nhà máy gạch Tuynel Tân Bắc. Giá khởi điểm đấu giá ngân hàng đưa ra là 70,6 tỷ đồng, người tham gia đấu giá cần đặt cọc trước 10 tỷ đồng.
BIDV chi nhánh TP HCM thông báo bán đấu giá (lần thứ hai) quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ Khu công nghiệp Chơn Thành, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tài sản bao gồm quyền sử dụng 1 ha đất khu công nghiệp, có thời hạn sử dụng đến ngày 1/1/2054. Mức giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên là 31,85 tỷ đồng, giá khởi điểm không thay đổi so với lần thông báo đầu tiên vào cuối tháng 7.
Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo gồm ba lô đất có địa chỉ tại TP Thủ Đức (quận 9 cũ) và một lô tại huyện Bình Chánh, với tổng giá khởi điểm gần 100 tỷ đồng.
Tỷ giá USD/VND lên mức kỷ lục
Sáng ngày 17/9, Ngân hàng Nhà nước yết tỷ giá trung tâm ở 23.283 đồng, đi ngang so với hôm qua nhưng đã tăng 50 đồng so với đầu tuần. Với biên độ 3%, các nhà băng được yết giá USD 23.584 đồng - 23.981 đồng. Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cảnh báo Việt Nam phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái khi khả năng tiền đồng có thể tiếp tục mất giá. Câu chuyện đặt ra là thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên hay không tăng lãi suất. Nếu không tăng lãi suất, nhà điều hành sẽ phải tiếp tục bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.
Về cuối năm, SSI Research kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu và kiều hối. Năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn và có thời điểm VND có thể mất 2,5-3% so với USD, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.
Theo ước tính của ACBS, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, sự ổn định tỷ giá đã ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định tỷ giá trước các đợt tăng lãi suất của Fed.
Một số tin tức đáng chú ý khác
Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Eximbank tăng vốn điều lệ thêm 2.458,8 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thông qua và HĐQT Eximbank thống nhất.
HĐQT Eximbank thông báo từ ngày 14/9, ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên HĐQT Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank. Ngân hàng cho biết lý do miễn nhiệm là do ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9.
VNDirect ước tính LienVietPostBank đạt khoảng 11% tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước trong đợt điều chỉnh tín dụng vừa qua và khoảng 12 - 13% trong năm 2023. Nguyên nhân là do ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) thấp ở mức 9% và tỷ lệ dư nợ tín dụng (LDR) cao (84%) vào cuối quý II. Vì vậy đơn vị phân tích hạ dự báo tăng trưởng cho vay của ngân hàng từ 18%/17% xuống 11,5%/12,5% giai đoạn này.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research có báo cáo cập nhật về OCB, nhóm phân tích cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm cho OCB hạn mức tăng trưởng tín dụng là 3%, nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng đến hiện tại lên 13%. Tuy nhiên, SSI Research vẫn kỳ vọng sẽ có môt đợt nâng hạn mức tín dụng nữa được Ngân hàng Nhà nước thực hiện đến cuối năm nay.
HDBank sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/9. Ngân hàng sẽ phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 25% tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 25 cổ phiếu phát hành thêm. Nguồn vốn để phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2021.
DongABank vừa thông báo về việc bổ sung nhân sự HĐQT, theo đó kể từ ngày 14/9, được sự chỉ định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Ngọc Tâm, sinh ngày 25/6/1965 giữ chức danh Thành viên HĐQT.
Sau OceanBank và CBBank được MB và Vietcombank đón nhận để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo, GPBank dường như cũng đã có một bến đỗ... Có dự đoán đưa ra là khả năng VietinBank sẽ chính thức tham gia tái cơ cấu GPBank, nhiều chuyên gia lại cho rằng, phương án VPBank chính thức tham gia tái cơ cấu GPBank sẽ hợp lý hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận