24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tài chính tiêu dùng: Sức hút thị trường 100 triệu dân

Sắp tới, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được dự báo sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt.

Triển vọng của ngành tài chính - tiêu dùng Việt Nam còn nhiều dư địa là lý do các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhắm tới.

Luôn hút nhà đầu tư ngoại

Trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhóm các công ty tài chính đang dẫn đầu về khả năng sinh lời, dù có sự chững lại trong năm qua. Chỉ số ROA và ROE của các công ty tài chính đạt 3,02%, cao hơn nhiều so với các ngân hàng. Nguyên nhân do biên lãi ròng (NIM) trong cho vay luôn cao hơn khi lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn nhiều so với các ngân hàng.

Với kết quả kinh doanh trên, việc các công ty tài chính hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài không có gì là lạ, thậm chí ngay cả những công ty thua lỗ nặng vẫn được nhà đầu tư ngoại nhòm ngó. Trên thực tế, xu hướng thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính đã diễn ra trong 5 năm trở lại đây.

Chẳng hạn, Shinhan Card đã bỏ ra khoảng 151 triệu USD (tương đương 3.400 tỷ đồng) để mua lại Công ty Tài chính Prudential ở Việt Nam đầu năm 2019. Shinhan Card cho biết, luôn coi Việt Nam là thị trường nước ngoài trọng điểm để đầu tư và sẽ tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng có nhiều tiềm năng.

Trước đó, cuối năm 2018, Lotte đã chi 1.700 tỷ đồng để mua lại Techcom Finance từ Techcombank, hay Shinsei Bank (Nhật Bản) hồi tháng 9/2017 mua lại 49% vốn của MB Shinsei (Mcredit) từ Ngân hàng Quân đội (MB).

Thậm chí, Tập đoàn AEON (Nhật Bản), vốn chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ cũng không giấu giếm tham vọng nhảy vào thị trường tài chính Việt Nam. Ông Masaki Suzuki, Chủ tịch Công ty Dịch vụ tài chính AEON cho biết, AEON sẽ mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính của nước ngoài, hoặc các công ty tài chính có cổ phần nhà nước, lấn sân vào thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam.

Mùa ĐHCĐ năm nay, một loạt ngân hàng đã tuyên bố kế hoạch bán công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác ngoại như VPBank (thoái vốn tại FE Credit), SHB (thoái vốn tại SHB Finance), MSB (thoái vốn tại FCCOM)…

Hiện trên thị trường có gần 20 công ty tài chính đang hoạt động. Trong đó, có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm: FCCOM của MSB, FE Credit của VPBank, HD Saison của HDBank, SHB Finance của SHB, Mcredit của MB, PTF của SeABank. Trong số này, có đến 4 công ty đã có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại, chỉ có FE Credit và PTF là chưa có sự xuất hiện của vốn ngoại.

Tại mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay, một loạt ngân hàng đã tuyên bố kế hoạch bán công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác ngoại như VPBank (thoái vốn tại FE Credit), SHB (thoái vốn tại SHB Finance), MSB (thoái vốn tại FCCOM). Tất cả các công ty tài chính này đều được nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư ngoại, nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên các thương vụ chưa thể xúc tiến.

Ông Katsumi Mizuno, Giám đốc Khối thị trường quốc tế Credit Saison Nhật Bản cho rằng, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng đối với tín dụng tiêu dùng, dịch vụ thẻ. Bởi Việt Nam có dân số trẻ và số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng vẫn chưa nhiều. Đáng chú ý, tín dụng tiêu dùng cá nhân vẫn khá mới mẻ, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn. Đó chính là lý do Credit Saison mua lại 49% cổ phần của HD Saison.

Lý giải việc nhà đầu tư nước ngoài thường chọn mua lại tối đa 49% hay 20% vốn tại các công ty tài chính trong nước thay vì lập một công ty hoàn toàn mới, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, việc thành lập công ty tài chính mới hoàn toàn ở Việt Nam còn nhiều khó khăn về pháp lý và thủ tục đối với nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, mức giá để mua các công ty tài chính thời gian qua cũng khá phù hợp. Do đó, thay vì phải bỏ nhiều tiền, mất nhiều thời gian để thành lập công ty mới, mua lại các công ty tài chính đang hoạt động có nhiều ưu điểm hơn.

Hiện nay, thị trường cho vay tiêu dùng đang do các công ty tài chính nội địa chiếm lĩnh, trong đó dẫn đầu là FE Credit, HD Saison... Tuy nhiên, là những nhà bán lẻ với các trung tâm thương mại lớn, Lotte hay AEON đang có nhiều lợi thế để cạnh tranh ở thị trường ngách khi sở hữu một công ty tài chính riêng. Giới quan sát cũng dự báo, những nhà bán lẻ lớn trong nước như Vinmart, Thế giới Di động... cũng sẽ có những bước đi tương tự. Do đó, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam thời gian tới được dự báo sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt.

Thêm nhiều công ty tài chính bán vốn

Thông tin được thị trường chú ý là việc VPBank chuyển hình thức công ty của FE Credit từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và lên kế hoạch IPO, tìm kiếm đối tác để bán vốn tại FC Credit. Các năm trước, FE Credit đều đóng góp khoảng 44% vào lợi nhuận của VPBank, song năm 2020, đóng góp chỉ còn 34%, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh, một phần cũng do sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Trước việc “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit đang tăng trưởng chậm lại, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được coi là nước đi hợp lý của VPBank.

Theo SSI Research, Ban lãnh đạo VPBank dự kiến IPO FE Credit trong năm 2021. Gần đây, ngân hàng này đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hy vọng có thể đạt kết quả trong 5 - 6 tháng tới. Nhờ đó, thương vụ IPO và bán vốn có thể hoàn thành trong quý III/2021. Ban lãnh đạo VPBank kỳ vọng, định giá FE Credit ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 diễn ra vào cuối tháng 5/2020, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, nếu Ngân hàng bán 49% vốn tại FE Credit thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi, nhưng đối tác sẽ đem lại công nghệ mới cùng nguồn vốn hùng hậu cho công ty. Phần vốn bán được sẽ có nhiều phương án sử dụng, chẳng hạn giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay cá nhân, SME...

Theo SSI Research, việc bán 49% vốn tại FE Credit sẽ mang về khoản lãi sau thuế 21.000 tỷ đồng cho VPBank. Số tiền này không được ghi nhận như một khoản thu nhập trong kết quả kinh doanh, nhưng sẽ làm gia tăng nguồn vốn tự có và giảm chi phí vốn bình quân của VPBank.

Theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam, nếu như khả năng kiểm soát của VPBank đối với FE Credit vẫn được duy trì (nắm giữ từ 51% cổ phần), lãi từ việc bán vốn nêu trên sẽ không được ghi nhận như một khoản thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh, mà sẽ được ghi nhận trực tiếp vào khoản mục lợi nhuận giữ lại trên bảng cân đối kế toán. Với 21.000 tỷ đồng bổ sung cho nguồn vốn, VPBank sẽ giảm bớt sự phụ thuộc nguồn huy động, qua đó giảm chi phí vốn bình quân.

Sau khi thương vụ hoàn tất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank ước tính tăng 800 tỷ đồng so với kịch bản không có thương vụ bán vốn tại FE Credit. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 1.130 tỷ đồng, nhưng hệ số an toàn vốn (CAR) cải thiện lên khoảng 16% và ROE giảm về 18,6% do ảnh hưởng của nguồn vốn tăng thêm. Mặc dù ROE giảm 2,25%, quy mô vốn lớn hơn đáng kể giúp VPBank đảm bảo mức tăng trưởng khả quan trong 2 - 3 năm tới.

Công ty Chứng khoán VPS từng nhận định, nhiều khả năng thương vụ IPO FE Credit sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài “mua nhanh bán gọn”.

Không chỉ VPBank, SHB cũng lên kế hoạch bán vốn tại SHB Finance (SHBFC) cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chưa công bố tỷ lệ cụ thể. SHBFC tiền thân là công ty tài chính Vinaconex Vietel, hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% cổ phần. Sau gần 2 về với SHB, tổng tài sản của SHBFC đến cuối năm 2019 đạt gần 3.300 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận 107 tỷ đồng.

Không chỉ nhắm tới FC Credit hay SHBFC, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhắm tới hàng loạt công ty tài chính trong nước khác để tiếp cận thị trường tài chính tiêu dùng màu mỡ của Việt Nam.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính giúp thị trường cho vay tiêu dùng phát triển mạnh và giúp lãi suất cho vay trở nên cạnh tranh hơn, có lợi hơn cho người vay. Bên cạnh đó, tài chính tiêu dùng còn thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, chi tiêu không tiền mặt, đồng thời giúp xây dựng và dần minh bạch hóa thông tin tài chính cá nhân.

Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã chạm mốc 1 triệu tỷ đồng và dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh nhờ quy mô dân số lớn, gần 100 triệu người, với dân số trẻ khá cao, trong khi hơn một nửa dân số hiện chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng. Đó là lý do thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả