Tài chính tiêu dùng gặp khó vì khách hàng “rủ nhau” bùng nợ
Gần đây, hiện tượng “rủ nhau” bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ “khủng bố”, đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công
Theo ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), trong thời gian qua, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, đến hết quý I/2023, tốc độ tăng trưởng dư nợ tài chính tiêu dùng so với tháng 12/2022 bị giảm (-3,8%), nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng.
Trao đổi tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 25/4, ông Lê Quốc Ninh nêu nhận định, với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng.
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) phát biểu tại Tọa đàm.
Trong thời gian qua, các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đã không ngừng nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… nhằm đáp ứng vốn cho người yếu thế kịp thời đảm bảo nhu cầu thiết yếu.
Kết quả, đến ngày 31/12/2022 tổng dư nợ của 16 công ty tài chính do NHNN cấp phép đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ song đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người. Có thể thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống nói riêng đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện.
Bên cạnh các kết quả đạt được, theo ông Lê Quốc Ninh, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, về hoạt động cho vay, các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép được quản lý chặt chẽ vì được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật chung như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đồng thời cũng phải tuân thủ Luật Các TCTD, các giới hạn đảm bảo an toàn hoạt động và các quy định khác của NHNN.
Toàn cảnh Tọa đàm
Tuy nhiên, nhiều công ty không phải do NHNN cấp phép đã lợi dụng tên công ty tài chính được cấp phép để mở rộng mạng lưới vào các địa bàn khó khăn, tiếp cận người dân, cho vay vốn lãi suất rất cao dưới nhiều hình thức như: Cho vay nhanh, cho vay tiền mặt vào bất cứ thời điểm nào, chào lãi suất vay rất hấp dẫn nhưng cài cắm các chi phí khác rất cao… Không những thế, khi đòi nợ họ đã dùng mọi hành vi, thủ đoạn manh động để ép người dân trả tiền. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính, dẫn đến hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn.
Về hoạt động huy động vốn, so với ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế rất nhiều nghiệp vụ (nhận tiền gửi cá nhân, làm dịch vụ thanh toán…). Công ty tài chính chỉ được phép huy động từ tiền gửi trên 12 tháng của doanh nghiệp trong khi các doanh nghiệp thường có xu hướng gửi tiền ở các ngân hàng để hưởng thêm các dịch vụ tài chính đi kèm. Vì vậy, để thu hút được tiền gửi của doanh nghiệp, các công ty tài chính phải huy động với lãi suất cao, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất cho vay mà người vay phải chịu.
Về hoạt động thu nợ, việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Vừa qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất tích cực, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ thuê. Tuy nhiên, cùng với việc gần đây xảy ra tình trạng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra một số trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính do NHNN cấp phép đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao, một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.
Tỷ lệ khách vay “không trả nợ” ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng “rủ nhau” bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ “khủng bố”, đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính. Đến 31/12/2022, nợ xấu của các công ty tài chính được NHNN cấp phép tăng 23,09% so với thời điểm 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhân viên thu hồi nợ của công ty bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều (bắt bớ, điều tra,… từ kiểm tra của cơ quan chức năng ). Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao, tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn trước, do nhiều nguyên nhân như định kiến xã hội về công việc, rủi ro tính mạng khi tác nghiệp, tác động của gia đình...
Việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ, bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, tác động trực tiếp đến người đi vay.
Ông Ninh cho biết, do ảnh hưởng về hình ảnh và uy tín khi các công ty tài chính được NHNN cấp phép đang bị đánh đồng và đối xử như các công ty thuộc nhóm 2 nêu trên dẫn tới nhiều doanh nghiệp đang gửi tiền tại công ty tài chính rút tiền đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn vốn cho vay của các công ty tài chính.
Với các khó khăn, vướng mắc nêu trên, đến hết quý I/2023, tốc độ tăng trưởng dư nợ so với tháng 12/2022 bị giảm (-3,8%), nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận