Tài chính thông minh: 13 cách tiết kiệm triệt để, thách thức mọi mức lương
Tỉ phú Warren Buffett từng nói: "Đừng tiết kiệm thứ gì còn lại sau khi chi tiêu, mà hãy chi tiêu thứ gì còn lại sau khi tiết kiệm". Để quản lý tài chính thông minh, mỗi người cần học cách tiết kiệm dù ở bất kỳ mức thu nhập nào.
1. Linh hoạt cắt giảm chi phí mua sắm
Mỗi khi đi siêu thị, chìa khóa thành công là hãy đảm bảo bạn có một cái bụng no và danh sách cần mua đã lên rõ ràng. Nhờ cách này, một người sẽ ít có khả năng đi vung tiền quá chán vào những món đồ không cần thiết.
Bên cạnh đó, cùng một loại hàng hoá nhưng các thương hiệu và siêu thị sẽ niêm yết giá khác nhau. Bạn nên cân nhắc cụ thể để mua với chi phí tốt nhất.
2. Đổi gói cước di động
Thay vì chọn gói 200.000 đồng/tháng gồm cả gọi điện và mạng di động, một cá nhân có thể đổi sang gói ít tiền hơn, phù hợp với thời gian liên lạc và dung lượng mạng thực sự dùng của mình.
Gói dịch vụ khác như nhạc chờ, ứng dụng xem phim, nghe nhạc... cũng cần cân nhắc xem có thực sự cần thiết không. Nếu không, bạn hãy mạnh tay huỷ đăng ký.
3. Giảm phí ngân hàng mỗi tháng
Sử dụng ngân hàng có mức phí hàng tháng rẻ hơn cũng là một cách quản lý tài chính thông minh. Dù số tiền không quá lớn nhưng áp dụng tổng thể nhiều cách giảm chi tiêu cùng nhau sẽ khiến bạn bất ngờ với số tiền mình tiết kiệm được.
4. Bán bớt những món đồ không còn sử dụng
Hãy nhìn quanh nhà, mở tủ quần áo ra xem đã quá lâu rồi bạn không dùng đồ đạc nào. Sự thật bất ngờ là chúng ta chỉ mặc chưa đến một nửa số quần áo đã mua. Vì thế thanh lý bớt trên các hội nhóm vừa giúp rộng tủ, vừa sống tối giản và tiết kiệm được thêm đáng kể.
5. Ăn ở nhà thường xuyên hơn
Một trong những cách đơn giản nhất để tiết kiệm khi ngân sách eo hẹp là hạn chế ăn hàng và nấu ăn ở nhà nhiều hơn. Dù là chủ một doanh nghiệp lớn, áp lực nhiều nhưng ông Trần Đình Long - Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát - vẫn tự hào vì ngoài các trường hợp rất đặc biệt, còn lại ông không tiếp khách, không nhậu và ăn đủ 365 bữa cơm tối ở nhà.
6. Tự làm tóc và móng tay
Thay vì đến tiệm làm tóc hay chăm sóc móng hàng tháng, các chị em có thể tiết kiệm hơn bằng cách giảm số lần ra hàng và tự làm tại nhà.
7. Hạn chế sử dụng thẻ tín dụng
Các chuyên gia tài chính cá nhân khuyên một người nên sống dưới mức thu nhập của mình và hạn chế chi tiêu trên thẻ tín dụng. Dùng thẻ tín dụng là tiêu tiền một cách vô hình, lấy thu nhập tương lai để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Tấm thẻ này cũng âm thầm thu tiền lãi, bòn rút túi tiền nếu bạn thanh toán trễ lịch.
8. Tập thể dục tại nhà
Thay vì mất vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu tập gym, yoga hay boxing tại trung tâm, bạn có thể chuyển sang rèn luyện ở nhà nếu túi tiền eo hẹp. Hiện nay trên mạng xã hội có những kênh cung cấp các bài tập bổ ích và hoàn toàn miễn phí để bạn tham khảo.
9. Tiết kiệm ngay sau khi nhận lương
Quản lý tài chính thông minh khuyên mỗi người nên tiết kiệm ngay sau khi nhận tiền lương. Mỗi người cần bỏ ít nhất 10% thu nhập hàng tháng vào quỹ tiết kiệm của mình. Làm việc này sớm sẽ giúp bạn tránh xa việc đổ tiền vào những khoản không cần thiết.
10. Cân nhắc kỹ trước khi mua hàng
Nếu bạn sắp mua một món hàng giá trị lớn, chẳng hạn như laptop hay máy ảnh, hãy cân nhắc tìm hiểu những nhãn hàng và cửa hàng khác nhau. Dành từ 2 đến 3 ngày để nghĩ xem mình có thực sự cần món đồ đó hay không. Việc nhầm lẫn giữa muốn và cần là một vấn đề phổ biến trong nỗ lực tiết kiệm.
11. Kiểm tra ngân sách thường xuyên
Mỗi người cần lập ngân sách để quản lý tài chính thông minh. Kiểm tra nó thường xuyên, ít nhất 1 hoặc 2 lần/tháng để chắc rằng mình đang đi đúng hướng và thấy động lực để cố gắng.
Nhờ lập ngân sách rõ ràng, bạn sẽ biết tiền của mình đang đi đâu về đâu. Nếu phát hiện đã dùng quá mức quy định, bạn có thể dễ dàng tìm cách bỏ bớt những khoản chi không cần thiết.
12. Tạo mục tiêu và đặt thử thách
Một trong những cách tốt nhất để thúc đẩy bản thân tiến lên là có mục tiêu rõ ràng. Chuyên gia tài chính cá nhân khuyên mỗi người nên cố gắng đặt đích đến tiết kiệm là một số tiền cụ thể. Từ đó bạn sẽ có cái nhìn rõ nhất về mục đích dành tiền và cần thêm bao nhiêu mới đủ.
Nếu thấy tiết kiệm đơn thuần quá nhàm chán, bạn có thể đặt ra thử thách cho bản thân hoặc cùng nhóm bạn. Điều này sẽ nâng cao tính trách nghiệm và củng cố số dư tài khoản một cách nhanh chóng.
13. Tự động hóa tài chính
Cụ thể, cá nhân có thể đặt lệnh tự động chuyển số tiền nhất định sang tài khoản tiết kiệm vào mỗi đầu tháng. Các ngân hàng hiện nay hầu như đều có tính năng này trên ứng dụng Internet Banking của mình. Cách quản lý tài chính thông minh trên sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc tiết kiệm ngay sau khi nhận lương.
ĐỨC MẠNH
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận