24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Coach Đức Nguyễn Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tài chính sau giông bão

Tôi ngồi đó, thẫn thờ sau cuộc gọi với một khách hàng cần hỗ trợ định hướng sau cơn bão Yagi.

Cảm giác bất lực của chị choán hết tâm trí tôi. Cơn bão đã cướp đi mọi thứ chị từng có - toàn bộ vốn liếng, sinh kế và cả những nguồn thu nhập dự phòng. Chị hoàn toàn trắng tay.

Tâm trí tôi hướng về những con người đang cố gắng gom nhặt từng mảnh vụn cuộc đời sau một trong những cú sốc tài chính lớn nhất của họ. Một số may mắn có bảo hiểm và các nguồn lực dự phòng để hồi phục, nhưng nhiều người khác - sống dựa vào từng đồng lương, thu nhập hàng tháng, không có bất kỳ phạm vi an toàn nào cho những sai sót, lại bị cơn bão như "chiếc áo làm oằn lưng chú lừa" - đã rơi vào cảnh khốn cùng. Nếu không có sự giúp đỡ từ chính quyền và các mạnh thường quân, họ sẽ rất khó đứng dậy.

Việt Nam là một trong những quốc gia nằm ở vị trí hứng chịu nhiều thiên tai. Hoàn cảnh tự nhiên trui rèn cho con người kinh nghiệm chống chọi và đối phó. Nhưng mặt trái của nó là tâm lý chủ quan, do đã quen với bão lụt; là suy nghĩ rằng, cơn bão này rồi cũng sẽ như mọi trận cuồng phong khác, đến rồi đi. Nhưng có những cơn bão, như Yagi, có thể lấy đi mọi thứ, khiến bạn thậm chí không còn cơ hội để hối hận.

Bão tan, điều đầu tiên cần làm là vực dậy tinh thần, mua cho mình sự chủ động, thay vì tiếp tục trở thành nạn nhân. Nếu hôm nay bạn vẫn còn thấy ánh sáng mặt trời, bạn đã may mắn hơn rất nhiều người. Trong khi xử lý hậu quả của cơn bão, nếu có thể, hãy giúp đỡ những người khác kém may mắn hơn bằng bất kỳ hình thức nào, dù là tiền bạc, công sức, hay một lời an ủi, động viên. Điều đó không chỉ giúp họ, mà còn mang lại sức mạnh tinh thần cho chính chúng ta.

Bên cạnh đó, hãy thực hiện mọi biện pháp để ngăn ngừa thiệt hại thứ cấp tiếp theo sau bão. Đây là lúc cần đánh giá toàn diện tình hình tài chính cá nhân, bằng cách liệt kê tất cả tổn thất, liên hệ với các đối tác, chủ nợ, ngân hàng để thông báo về tình hình của bạn và thương lượng cho những chậm trễ có thể xảy ra. Điều này giúp bạn bảo vệ uy tín và tránh thêm những tổn thất không đáng có. Hãy tìm đến chính quyền địa phương, tận dụng các gói hỗ trợ dành cho nạn nhân thiên tai.

Nếu có bảo hiểm, hãy liên hệ ngay để yêu cầu bồi thường. Đừng ngại tìm một chuyên gia tài chính để đảm bảo quy trình yêu cầu bồi thường diễn ra thuận lợi, giảm thiểu mức khấu trừ hay những điều khoản loại trừ không đáng có.

Từ cơn bão Yagi, tôi cũng nhìn thấy sự mong manh trong cấu trúc tài chính của các cá nhân, nếu họ sống hôm nay không biết tới ngày mai. Thiên tai chỉ là một trong nhiều thách thức có thể phá hủy tài chính và thay đổi cuộc đời mỗi người. Những "cơn bão" khác như thất nghiệp, dịch bệnh, tai nạn, ly hôn, kiện tụng, hay thậm chí tử vong có thể ập đến bất cứ lúc nào và tàn phá tất cả những gì chúng ta đã xây dựng bao năm.

Rủi ro mà ta không thấy không có nghĩa là nó không tồn tại. Vấn đề không phải là "nếu" mà là "khi nào".

Chuẩn bị tài chính cho các biến cố khó lường là điều đầu tiên cần thực hiện. Một khoản dự phòng tương đương 4-6 tháng chi tiêu của gia đình là mức tối thiểu. Khoản này được gọi là quỹ dự phòng khẩn cấp. Những khoản chi như học phí cho con, tiền đặt cọc, mừng cưới hỏi hay chi phí phát sinh không được coi là khẩn cấp. Đừng dễ dãi mượn từ quỹ này với suy nghĩ rằng bạn sẽ dễ dàng bù đắp lại sau. Một thôi thúc, cám dỗ nữa mà bạn cần phải kiềm chế là nỗ lực tối ưu hóa khoản tiền này bằng cách đầu tư vào các kênh có rủi ro như chứng khoán hay tiền số... Vai trò của quỹ dự phòng là tạo thanh khoản, không phải để tăng thu nhập.

Khi tôi nói đến khoản dự phòng khẩn cấp này, nhiều người có thể cười xòa rằng, họ không đủ chi tiêu hàng tháng, lấy đâu ra mà dự phòng. Nếu đó là sự thực, bạn đang đứng trước rủi ro lớn hơn bao giờ hết, hãy bắt đầu bằng một khoản trích nhỏ vài trăm nghìn một tháng ngay khi vừa có thu nhập. Hãy nhớ bạn có thể chọn tiết kiệm hơn một chút, nhưng không thể quyết định mức độ nghiêm trọng hay thời điểm xảy ra của một cơn bão tài chính. Và hãy mở một tài khoản độc lập hoặc một nơi riêng biệt để cất những khoản dự phòng này. Không có lý do gì để bạn phải nhìn thấy chúng hàng ngày cả, nhằm tránh những cám dỗ.

Nguyên tắc thứ hai là hãy dành một phần tiềm lực tài chính cho các gói bảo hiểm, nhằm dự phòng những rủi ro mà bạn không thể tự gánh chịu. Không phải vì xác suất thấp mà chúng bị bỏ qua. Thay vì đánh cược với xác suất, bạn có thể chuyển giao những tổn thất vượt ngoài tầm kiểm soát cho một bên thứ ba với mức phí bạn có thể quản lý ngay hôm nay. Với quyết định tài chính này, bạn đang biến một tổn thất tiềm năng to lớn thành một khoản chi có thể dự đoán và kiểm soát. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, khi bạn không còn nữa, bảo hiểm vẫn sẽ là cách thể hiện trách nhiệm và tình yêu của bạn đối với những người thân yêu, đảm bảo họ có nguồn lực để đứng dậy và tiếp tục cuộc sống sau khi đã mất chỗ dựa to lớn chính là bạn.

Đừng cố so sánh lợi tức từ bảo hiểm với những khoản đầu tư khác mà bạn nghĩ có thể mang lại lợi nhuận cao hơn. Mỗi sản phẩm tài chính có vai trò riêng, phù hợp với những hoàn cảnh khác nhau, và việc so sánh chúng trong điều kiện lý tưởng là khập khiễng. Thay vào đó, hãy vui mừng khi bạn không phải sử dụng đến các gói bảo hiểm, cũng có nghĩa là bạn đã tránh được những rủi ro lớn trong cuộc đời.

Điều tiếp theo là đánh giá lại cách quản trị rủi ro của bản thân, đảm bảo tính liên tục và an toàn cho nguồn thu nhập của mình. Nếu một cơn bão có thể cắt đứt nguồn thu nhập của bạn, đó là dấu hiệu rõ ràng rằng bạn đang quá phụ thuộc vào một nguồn duy nhất. Bạn cần phải nghĩ đến việc đa dạng hóa thu nhập, không chỉ về phương thức mà còn về không gian và thời gian.

Cuối cùng, một điều rất quan trọng là lên kế hoạch pháp lý và di sản. Không ai biết chắc về hơi thở tiếp theo của mình, và bạn chắc chắn không muốn người thân của mình bị động trước những tài sản và khoản đầu tư mà chỉ mình bạn biết. Tôi từng chứng kiến những người thân của khách hàng hoang mang vì không thể truy cập vào các tài khoản đầu tư của người đã khuất.

Hãy tập hợp toàn bộ giấy tờ cá nhân quan trọng như sổ hồng, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm ở một nơi dễ tiếp cận, đồng thời cất giữ an toàn thông tin đăng nhập vào các tài khoản tài chính của mình. Bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng két an toàn ở ngân hàng và chỉ định người thụ hưởng trong trường hợp bạn không còn khả năng xử lý tài sản. Điều này sẽ giúp người thân quản lý dễ dàng hơn và tránh những rắc rối pháp lý sau này.

Những biện pháp tôi chia sẻ ở đây không ngăn chặn được "những cơn bão lớn" sẽ đến với bạn, nhưng có thể tạo ra sự khác biệt lớn giữa việc vấp ngã trước một viên đá nhỏ và việc đối mặt với một ngọn núi sừng sững che lấp mọi lối thoát. Chúng mang lại cho bạn thêm thời gian, sự an tâm, tự tin và cơ hội để làm lại sau giông bão.

Bài đăng trên vnexpress.net

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Coach Đức Nguyễn Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả