Tài chính cá nhân: Tùy người, tùy thời?
Nếu coi kế hoạch tài chính cá nhân là một hành trình, thì cần có điểm xuất phát, điểm đến và con đường.
Khác nhau từ điểm xuất phát
Trong kế hoạch tài chính cá nhân hay gia đình (gọi chung là tài chính cá nhân), điểm xuất phát rất hiếm khi giống nhau giữa mọi người. Có người xuất phát từ con số 0, có người xuất phát từ con số âm do vay nợ trước đó, và có người đã có một tấm nệm Kymdan ngon lành cành đào, có khi đã là đích đến của nhiều người khác.
Đó mới chỉ là điểm xuất phát về số vốn hay tài sản ban đầu. Còn một số thứ khác ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch và hoàn thành được kế hoạch như là kiến thức, thái độ, và hành vi. Một ví dụ hay được tranh luận trong tài chính cá nhân là có nên sống một cách tằn tiện, khắc khổ (frugality) hay không ?
Có người ủng hộ và có thể làm được chuyện này, tiết kiệm bằng mọi cách. Chẳng hạn bạn có thể bỏ qua sĩ diện mà đi lấy thực phẩm thừa trong ngày ở các chợ bán thực phẩm, hay các siêu thị ? Nhưng cũng có người không thể chấp nhận chuyện này được, với họ sống là ở hiện tại, sung sướng hay thoải mái được lúc nào hay lúc đó. Và cũng có một trường phái khác, không tằn tiện mà cũng không hoang phí, chi tiêu theo nhu cầu, và cân nhắc kỹ tiêu chí giá so với chất lượng.
Việc chi tiêu cho những món đồ xa xỉ về mặt khoa học cũng được giải thích theo động cơ tiêu dùng khác nhau. Có người vì sự thỏa mãn cho chính bản thân mình (personal), có người vì muốn người khác đánh giá cao mình (inter-personal). Trong trường hợp đầu tiên thì việc tiêu dùng sẽ rất kín đáo, riêng tư. Còn trường hợp thứ hai thì mong muốn show off là quan trọng.
Khác nhau ở điểm đến
Mục tiêu về tài chính cá nhân cũng không ai giống ai. Có người thì theo triết lý sống của Nguyễn Công Trứ “tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc”, nghĩa là biết đủ là đủ thôi. Tính toán ra nhu cầu tài chính của mỗi giai đoạn, cần bao nhiêu (bao gồm các khoản dự phòng, bảo hiểm) thì làm bấy nhiêu. Chính vì vậy có rất nhiều người có thể nói là về hưu khi tuổi còn rất trẻ, khoảng 40 tuổi thôi. Vì nhu cầu tài chính của họ không nhiều, mà tài sản tích lũy cũng như các dòng thu nhập đủ để trang trải.
Nhưng cũng có nhiều người đặt mục tiêu lớn hơn, phải là triệu phú hoặc tỷ phú USD ở một độ tuổi nhất định. Không có gì sai trong việc đặt ra mục tiêu cao, nhưng đi cùng với đó luôn là những đánh đổi. Đó có thể là thời gian dành cho gia đình, bạn bè, hay thậm chí sức khỏe, những thú vui của bản thân. Những người giàu có nhanh hầu hết là xuất phát từ kinh doanh, và trong giai đoạn đầu phát triển doanh nghiệp họ phải hy sinh rất là nhiều. Đó là triền miên những ngày làm việc thâu đêm suốt sáng, những lần lỡ hẹn với gia đình bạn bè.
Điểm đến là do nhu cầu xác định vì vậy mỗi người phải tự tìm đáp án riêng của mình. Những kiến thức về tài chính cá nhân giúp chọn lọc ra được những khoản chi tiêu nào là thiết yếu, những khoản chi tiêu nào là có thể bỏ qua, và những khoản chi tiêu nào là hoàn toàn không cần thiết với hoàn cảnh cụ thể của một người. Kiến thức về tài chính cá nhân cũng giúp biết được những hình thức đầu tư có tỷ suất sinh lợi và rủi ro tương ứng.
Khác nhau ở con đường
Trên con đường thực hiện kế hoạch tài chính cá nhân, yếu tố ngoại cảnh cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ. Lấy ví dụ như ở những quốc gia phát triển, có hệ thống an sinh xã hội tốt thì nhu cầu tiết kiệm của người dân nói chung là thấp đi, nhất là cho các khoản y tế và giáo dục. Người lao động cũng tích lũy ít hơn nếu hệ thống bảo hiểm thất nghiệp có quyền lợi tốt. Do đó nguyên tắc tích lũy dự phòng sáu tháng chi tiêu có thể đủ nước này, nhưng thiếu hay thừa ở nước khác.
Sự thay đổi của chu kỳ kinh tế, điều kiện kinh tế xã hội ở mỗi nơi thay đổi theo thời gian cũng khiến cho một số lời khuyên về tài chính cá nhân được coi là kinh điển trước đây cũng cần cân nhắc lại.
Một ví dụ vẫn hay được thảo luận là chuyện mua hay thuê nhà. Trong điều kiện lãi suất cho vay cao, thì đây đúng là một sự cân nhắc thực sự. Nhưng từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nhiều nước phát triển duy trì lãi suất thấp, tiệm cận 0% thì việc mua nhà là một cơ hội lớn cho những người có khả năng. Lấy ví dụ như ở Pháp, lãi vay 1,5-2%/năm thì dại gì không vay nếu có khả năng. Một phép tính đơn giản như vay rồi mua nhà cho thuê, thì cũng đã có chênh lệch 3-5%, nếu không nói là như được cho không.
Ở nhiều quốc gia, chi phí học đại học là một khoản đầu tư rất lớn, và nhiều người khi bắt đầu đi làm cũng là lúc bắt đầu trả món nợ kha khá. Câu hỏi đặt ra ở đây là có nên vay một khoản tiền lớn để học đại học ? Với một số trường hợp thì câu trả lời là Không. Bởi vì ngày nay có một số lĩnh vực mà đối với nhà tuyển dụng, khả năng của bạn quan trọng hơn bằng cấp. Các khóa học online hiện nay khá nhiều, có thể học theo module và trực tiếp chuyên ngành mà mình quan tâm thay vì một chương trình đại học hoàn chỉnh.
Các hình thức đầu tư bây giờ cũng khác 10, 20 năm trước. Xu hướng các quỹ đầu tư ETF với chi phí thấp đang thắng thế các loại quỹ đầu tư truyền thống như tương hỗ (mutual), các hình thức đầu tư tự động aka. robo-advisers chi phí thấp cũng như nhiều loại hình, chính sách liên quan đến bảo hiểm hưu trí cũng khác trước rất nhiều.
Đó là chưa kể đến các lớp tài sản mới như cryptocurrencies, tokens. Như vậy nói cho vuông, tài chính cá nhân là một khung nguyên tắc và kiến thức, nhưng có tính động (dynamic) theo thời gian và sự khác biệt giữa các chủ thể (heterogeneity) khi áp dụng. Không có một kế hoạch tài chính cá nhân duy nhất cho tất cả mọi người, vì cơ bản là mỗi người có xuất phát điẻm, mục tiêu, và con đường đi khác nhau.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận