menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mạc Văn Chiến

Tài chính cá nhân (Bài 10): Tránh bẫy "thu nhập thụ động" biến tướng

Các mô hình hay những nghề tạo ra thu nhập thụ động, bỏ công sức ít mà tiền nhiều… có thật như "lời đồn"? Người dân cần nắm rõ bản chất của nó để tránh xa bẫy "thu nhập thụ động" biến tướng.

Sự thật về thu nhập thụ động

Thu nhập thụ động (Passive Income) được Mỹ và một số quốc gia khác, định nghĩa là những thu nhập chúng ta nhận được mà không cần, hoặc sử dụng rất ít sức lao động của mình. Cụ thể, thu nhập thụ động là thu nhập từ việc cho thuê bất động sản, từ việc khai thác từ những tài sản sau: bản quyền âm nhạc, tài sản sở hữu trí tuệ… Mỹ và một số quốc gia áp dụng mức thuế ưu đãi đối với các nguồn thu nhập thụ động này.

Tài chính cá nhân (Bài 10): Tránh bẫy "thu nhập thụ động" biến tướng

Gold Time với dấu hiệu đa cấp trái phiếu thông qua việc góp vốn nhỏ để hưởng quyền kinh doanh và phân quyền, hứa hẹn hưởng những lợi ích về % doanh thu, bảng hiệu và cơ chế trả thưởng hấp dẫn đã thu hút hàng trăm ngàn người tham gia (ảnh: Gold Time)

Thế nhưng, cụm từ thu nhập thụ động đã được “marketing hóa”, trở thành một cụm từ thời thượng với ý nghĩa khác hẳn định nghĩa cơ bản. Nếu lên Google tìm kiếm từ khóa "thu nhập tự động", chúng ta sẽ đọc được những bài với tiêu đề như: “7 Cách Kiếm Thêm Thu Nhập Thụ Động Giúp Bạn Giàu Nhanh Không Tưởng”, “19 cách kiếm tiền thụ động ngay cả khi đang ngủ”, “Đừng nghĩ đến chuyện làm giàu nếu bạn chưa biết tạo ra thu nhập thụ động”…

Rất nhiều nghề, loại hình kinh doanh đã được gán 4 chữ “thu nhập thụ động”, nhằm đánh vào tư tưởng “làm ít hưởng hưởng nhiều” của mỗi chúng ta, nhằm hướng chúng ta đến mục đích của họ.

Bán hàng đa cấp

Khá nhiều doanh nghiệp đa cấp tuyển dụng khách hàng/hệ thống tiêu thụ bằng thông điệp: Bạn không cần làm gì nhiều, chỉ cần sử dụng sản phẩm này (được quảng cáo là rất tốt, rất ưu việt) và giới thiệu cho mọi người cùng sử dụng thì tiền sẽ chỉ chạy về túi bạn, hoàn toàn thụ động.

Thật ra,bán hàng đa cấp không thụ động, không dễ như vậy. Chỉ có top 1- 5% chuyên viên đa cấp miệt mài mời khách hàng, thực chất là tuyển dụng tuyến dưới, khuyến khích tuyến dưới sử dụng sản phẩm cho đủ số lượng, khuyến khích tuyến dưới tuyển tuyến thấp hơn nữa…, hệ thống đủ số người và sử dụng đạt số lượng thì mới có thu nhập xứng đáng từ nghề này. Còn lại đa số 50- 80% thì thu nhập rất thấp. Top dưới 10- 20% thậm chí còn lỗ vốn vì bỏ tiền ra mua sản phẩm với giá quá cao. Một số sản phẩm được bán giá cao, và xem như sản phẩm tuyệt chiêu của một số doanh nghiệp đa cấp tại Việt Nam, đã bị kiện cáo tại Mỹ và đã được chứng minh có thành phần giống với những sản phẩm khác được bán tại các siêu thị với giá chỉ 30 – 40% của sản phẩm đa cấp.

Bán hàng đa cấp, thực chất là chuyển khách hàng trở thành nhà phân phối, giúp đem những cơ hội kinh doanh cho người có nhu cầu sử dụng sản phẩm. Nó hợp pháp hay không hợp pháp, tốt hay biến chứng, là do cách thức triển khai của doanh nghiệp đa cấp đó. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, bán hàng đa cấp là thu nhập chủ động, chứ không phải là nguồn thu nhập thụ động. Nó đòi hỏi người chuyên viên sử dụng sản phẩm, liên tục tuyển dụng, liên tục xây hệ thống, và khuyến khích hệ thống sử dụng sản phẩm.

Tiếp thị liên kết

Trong thời đại Internet này, việc tham gia tiếp thị liên kết – đưa link bán hàng của các sản phẩm, dịch vụ về cho khách hàng, người quen, database của mình, và nhận hoa hồng khi họ mua sản phẩm là 1 hình thức kiếm tiền khá thú vị. Có người tập trung 100% thời gian làm tiếp thị liên kết và kiếm sống, thậm chí làm giàu được. Có người làm thêm xem như nghề kiếm tiền bán thời gian.

Tuy vậy, đây không phải là nghề có thu nhập thụ động. Chúng ta chỉ có thể kiếm được tiền một cách ổn định từ nghề này khi chúng ta hoặc là người ảnh hưởng (KOL), hoặc là chuyên gia trong ngành, khi đó khách hàng sẽ vào Facebook, blog, web của chúng ta để đọc bài và mua sản phẩm/dịch vụ theo sự giới thiệu, tư vấn của chúng ta; hoặc chúng ta giỏi và đầu tư vào marketing online, khi đó chúng ta sẽ tiếp cận được lượng khách hàng mục tiêu đủ lớn. Những việc đó đòi hỏi chúng ta phải đầu tư vào kiến thức, công sức và cả vốn nữa. Tiếp thị liên kế không phải là nghề có thu nhập thụ động.

Cách đây 6,7 năm, có chuyên gia nọ tự xưng là trùm tiếp thị liên kết. Anh ta viết sách, viết web kể câu chuyện như sau: sau khi làm mọi nghề, startup không thành công thì anh ta quyết định làm tiếp thị liên kết. Trải qua nhiều khó khăn, xài đến thẻ tín dụng cuối cùng thì tiền bắt đầu về. Anh ta kiếm được nhiều triệu USD, và cổ vũ cho nghề tiếp thị liên kết như là một nghề có nguồn thu nhập thụ động khủng. Sau này, mọi người mới biết anh ta là người giỏi dựng chuyện. Mục đích của anh ta là bán sách, và dẫn link về để bán cho người quan tâm các công cụ hỗ trợ như domain, email marketing và những công cụ khác. Chỉ khổ cho những người cả tin, mua sách, mua công cụ làm theo anh ta chỉ dẫn rồi nằm đó chờ tiền về. Thụ động như thế thì không có tiền nào về cả.

Web/App trả tiền cho người mua sắm

Có một số Web/ App liên kết với các sàn, các shop để trả lại 1 phần tiền cho khách hàng. Số tiền này khoảng từ 3%-10% số tiền mà khách hàng mua. Đây là một cách để khuyến khích khách hàng mua sắm từ Web, App đó. Cách làm này tạo giá trị cho các bên và cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, có 1 số Web/App quảng cáo sẽ trả lại cho khách hàng đến 70%, 80%, thậm chí 100% số tiền họ đã mua sản phẩm/dịch vụ. Và quảng cáo đây là thu nhập thụ động.

Đây có thể là cách mà một số doanh nghiệp làm marketing, xây tập khách hàng nhanh với chi phí khá cao. Nhưng đây cũng có thể là cách mà một số doanh nghiệp huy động dòng tiền, họ không trả lại bằng tiền mà trả bằng điểm, để khuyến khích tiêu thụ từ khách hàng, và cũng nhờ đó trì hoãn dòng tiền trả lại cho khách. Nguy hiểm nhất là khi doanh nghiệp chi nhiều hơn thu, họ phải dùng tiền của người sau trả cho người trước. Khi đó, hệ thống cực kỳ rủi ro, tốc độ người mua mới mà giảm, thì hệ thống sẽ thất thủ ngay. Chúng ta tuyệt đối không nên tham gia vào các mô hình này, đừng tin vào 4 chữ “thu nhập thụ động” của họ.

Những dự án hợp tác đầu tư

Những mô hình bất động sản kiểu như “Cho thuê kỳ nghỉ”, “Mô hình nhà tiền chế, thuê – xây dựng – cho thuê”, những hình thức “ủy thác đầu tư” vào chứng khoán phái sinh, chứng khoán nước ngoài, forex, những quỹ ủy thác… cam kết tỷ suất lợi nhuận 30% – 100%/năm, mà tôi cũng đã từng viết bài, cũng hay dùng chiêu quảng cáo “Bạn chỉ cần góp vốn, đội ngũ chuyên nghiệp của chúng tôi sẽ quản lý, sẽ kiếm tiền cho bạn. Bạn không cần phải lo gì cả. Tiền sẽ tự sinh ra với lãi suất X%, gấp mấy lần ngân hàng".

Nếu chúng ta hiểu biết về ngành đó thì chúng ta hỏi họ điều hành, kinh doanh cách nào để tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao như vậy. Họ sẽ trả lời lòng vòng ngay. Và họ sẽ dùng những từ có chuyên môn cao siêu, hiện đại như AI, 4.0 ra “hù dọa” chúng ta. Thực chất, họ không thể nào lý giải được mức tỷ suất sinh lợi cao như vậy mà không có rủi ro.

Tìm kiếm trên Google, chúng ta sẽ thấy còn khá nhiều nghề, mô hình kinh doanh được quảng cáo là thu động thụ động như: Trở thành một YouTuber, Bán hàng trên Amazon và eBay, Dropshipping (bán hàng không cần hàng), Tạo một ứng dụng, Đào bitcoin, Đánh bài Poker, Cho vay ngang hàng (Peer-to-peer lending), Xây dựng một doanh nghiệp vận hành tự động…

Thật sự, những nghề, mô hình kinh doanh này không phải là nguồn thu nhập thu động. Chúng đòi hỏi chúng ta lao động, chúng đòi hỏi chúng ta hiểu biết, chúng đòi hỏi chúng ta chấp nhận rủi ro. Tin vào những quảng cáo này, chúng ta sẽ mất thời gian, mất tiền của và đặc biệt là bị mơ mộng, bay bổng. Việc phung phí thời gian, cơ hội và suốt ngày mơ tưởng “làm giàu nhanh, làm giàu mà không phải lao động” mới chính là mất mát lớn nhất của những người này.

Trong thực tế, việc “thu nhập thụ động, không cần làm gì, chỉ cần ngủ cũng có tiền” chỉ có thể xảy ra đối với những đứa con nhà giàu đang được ba mẹ “úm”, không cho xông pha tự làm ra tiền.

Chúng ta muốn làm ra tiền thì phải tạo ra giá trị. Và chúng ta chỉ có thể làm được việc đó từ 1 hay nhiều những thứ sau: Công sức lao động, thời gian, thái độ, trí tuệ, ý tưởng, tiền vốn… Trong đó, thái độ đối với tiền, đối với bản thân là quan trọng nhất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại