Tác động tăng lãi suất quyết liệt của Fed ảnh hưởng như thế nào đến thị trường hàng hoá?
Làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu đã và đang là một trong những sức ép lớn đối với thị trường tài chính thế giới nói chung, và thị trường hàng hoá nói riêng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện là cơ quan tiên phong trong việc thực hiện tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Kể từ tháng 3 tới nay, Fed đã tiến hành tăng lãi suất 5 lần liên tiếp, và đưa mức lãi suất lên 3.25 – 3.50%, cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Động thái này đã khiến cho đồng USD mạnh lên, phản ánh qua chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị của đồng USD so với một giỏ các loại tiền tệ khác, đã tăng 18.67%. Đáng chú ý, mức tăng trưởng này hoàn toàn áp đảo khi so sánh với các loại tài sản đầu tư khác như chứng khoán, hay hàng hoá
Nhóm kim loại với hai mặt hàng chính là bạc và đồng sụt giảm lần lượt 19.61% và 25.74%. Các mặt hàng khác như dầu thô, hay nhóm nông sản (đậu tương, ngô và lúa mì) dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương so với đầu năm nay, nhưng đều thấp hơn so với mức tăng của đồng bạc xanh.
TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC LAN TOẢ TỚI NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU
Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới, còn đồng USD vẫn là đồng tiền chính được sử dụng trong các hoạt động thương mại quốc tế, vì thế các chính sách tiền tệ của Fed sẽ có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ Mỹ.
Đồng bạc xanh tăng giá đang gây sức ép đến hệ thống thanh toán quốc tế trên toàn cầu và buộc các quốc gia khác phải tiến hành nâng lãi suất để tránh rủi ro tỷ giá. Không chỉ có các đồng tiền ở các nền kinh tế mới nổi mất giá, đồng tiền của của các nước phát triển cũng đều không theo kịp sự tăng giá của đồng USD.
Giá trị của đồng Euro đã suy yếu xuống mức thấp hơn so với đồng bạc xanh, đồng nghĩa với mức tỷ giá thấp nhất kể từ năm 2002. Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái giữa đồng Bảng Anh và đồng USD cũng đang có nguy cơ giảm về 1 khi Chính phủ Anh đang duy trì chính sách tài khoá nới lỏng, còn Ngân hàng Trung ương Anh vẫn chậm chân trong cuộc đua lãi suất với Mỹ
Một số ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi cũng đã tăng lãi suất trong nỗ lực chống lạm phát. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Brazil đã bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ vào tháng 3/2021, khi lãi suất ở mức thấp kỷ lục 2% và đã mức lãi suất đó lên 13.25% vào tháng 6.
Một mặt, đồng USD tăng giá có thể sẽ thúc đẩy các quốc gia sản xuất hàng hóa lớn như Brazil, Chile và Peru (hai nhà xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới) đẩy mạnh bán hàng và gia tăng nguồn cung hàng hóa. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi nền lãi suất tiếp tục tăng và các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành cắt giảm chi phí và cả quy mô sản xuất trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hoá kém đi vì người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho giá hàng hoá lao dốc kể từ đầu tháng 6. Những rủi ro vĩ mô gần như đã lấn át hoàn toàn những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung và trực tiếp khiến cho thị trường hàng hoá đối mặt với sức ép bán lớn. Bên cạnh đó, việc Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất cũng khiến cho đồng USD và trái phiếu Chính phủ Mỹ trở nên hấp dẫn hơn so với các loại tài sản rủi ro.
KỲ VỌNG LỚN ĐẶT LÊN VAI TRUNG QUỐC
Giữa làn sóng tăng lãi suất đang lan toả trên toàn cầu, Trung Quốc là nước duy nhất đi ngược lại xu hướng này. Theo dự báo của Ngân hàng đầu tư UBS, Trung Quốc sẽ không tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay và cả năm 2023
Nguyên nhân chính cho sự phân hoá này nằm ở việc nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu đang phải chật vật khi Chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Trước đó, cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ với các mặt hàng kim loại như đồng và quặng sắt giảm bớt, thì hiện nay sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc đang làm sụt giảm nhu cầu đối với cả các mặt hàng nông sản và năng lượng.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở lại ngoạn mục vào cuối năm nay, sau khi đại hội Đảng kết thúc, bởi giai đoạn cuối năm thường là cao điểm cho các hoạt động xuất khẩu để phục vụ các dịp lễ của phương Tây.
Tuy nhiên, mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống 2.8%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 8.1% của năm ngoái và mức dự đoán hồi tháng 4 là từ 4 - 5%. World Bank cũng dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 1990.
Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tìm cách vực dậy nền kinh tế, tuy nhiên các biện pháp kích thích có thể chỉ xuất hiện từ cuối năm nay và đầu năm 2023. Triển vọng kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn vẫn kém khả quan và rất khó để các quốc gia trên thế giới theo kịp tốc độ tăng lãi suất của Mỹ.
Vì thế, thị trường hàng hóa cũng như các loại tài sản rủi ro khác sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự tăng giá của đồng USD cho đến khi Fed phát ra các tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất.
Nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch trực tiếp trên thị trường hàng hoá của Bô Công Thương để tận dụng cơ hội hiện nay. Với nhiều ưu điểm như: Long, Short, T0 . Liên hệ với tôi để hợp tác và nhận các tư vấn tốt nhất về thị trường hàng hoá
Tổng hợp: HCT
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận