24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
TS. Phan Minh Ngọc Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu và giải pháp duy trì sức hút vốn nước ngoài

Các Quy tắc chống sói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) áp đặt mức thuế tối thiểu 15% lên các công ty đa quốc gia (MNEs) có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên. Mục đích của GloBE là giúp các nước bảo vệ cơ sở thuế của mình trước các hành vi chuyển giá và làm sói mòn cơ sở thuế, giảm thiểu động cơ của MNEs trong việc chuyển lợi nhuận về nước và giảm áp lực cho những nước phải áp dụng các ưu đãi thuế hào phóng nhiều khi là quá mức để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngược lại, GloBE có thể làm giảm tính hữu hiệu của một số ưu đãi thuế được thiết kế làm cho thuế suất hiệu dụng đánh lên MNEs thấp hơn 15%.

Một số nước và khu vực trên thế giới như EU, Anh, Canada, Hàn Quốc... sẽ chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024. Singapore thì mới tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế này cho các MNEs của Singapore vào hoặc sau ngày 1/1/2025.

Vì nhiều nước, cả phát triển và nhất là các nước đang phát triển, thường dùng ưu đãi thuế như một công cụ để đạt đồng thời nhiều mục đích, chính phủ các nước này sẽ phải xem xét, hóa giải các tác động của GloBE lên chính sách thuế nội địa của mình.

Dù chưa phê chuẩn thỏa thuận áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhưng Việt Nam đang có chiều hướng sẽ chấp thuận và thực thi thuế này bởi những lợi ích rõ ràng của nó và xu hướng áp dụng mang tính toàn cầu. Như vậy, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, dù thời gian để chuẩn bị và thực thi không còn nhiều, chúng ta vẫn chưa có kế hoạch hành động cụ thể, ngoài động thái chính là đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành của chính phủ để nghiên cứu các giải pháp liên quan.

Có lẽ hậu quả và do đó cũng là cản trở lớn nhất đối với Việt Nam trong việc chấp thuận và thực thi thuế toàn cầu tối thiểu nằm ở lo ngại về tác động tiêu cực của nó lên quyền đánh thuế của Việt Nam, cũng như các rắc rối pháp lý liên quan đến các ưu đãi thuế đã và đang áp dụng cho các dự án đầu tư nước ngoài hiện hữu hoặc trong tương lai sẽ nảy sinh khi Việt Nam chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Phần sau đây sẽ thảo luận kỹ hơn về bản chất của thuế tối thiểu toàn cầu và giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan trong bối cảnh của Việt Nam.

Với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ không còn tự do áp dụng các ưu đãi thuế, đặc biệt với các cam kết ân hạn thuế trong một khoảng thời gian cụ thể từ thời điểm này trở đi và sau khi chính thức thực thi thuế này (trong một hai năm tới).

Việc bị giới hạn này được cho là sẽ tước đi một công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong việc xử lý các khiếm khuyết của thị trường và khuyến khích các dự án đầu tư có hiệu ứng lan tỏa lớn, đầu tư vào lĩnh vực R&D, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế xanh, hay đầu tư để thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế và công nghiệp của Chính phủ... Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cung cấp các ưu đãi thuế chủ yếu là để giúp Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh thu hút và giữ chân dòng vốn ngoại trong cuộc đua khu vực và toàn cầu.

Về vấn đề giới hạn quyền tự chủ trong quyết định mức thuế này, cần lưu ý trước tiên rằng không phải MNEs nào cũng sẽ bị áp mức thuế tối thiểu 15%, mà chỉ là những MNEs có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro ít nhất trong 2 năm của giai đoạn 4 năm trước khi áp dụng thuế tối thiểu. Và dù có là thành viên của MNEs thuộc phạm vi áp dụng thuế tối thiểu thì các tổ chức như thực thể chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, và quỹ hưu trí... được loại trừ áp dụng. Tương tự là một số loại hình tổ chức (gồm, ví dụ, nhà đầu tư không thuộc tập đoàn MNE nào) hoặc loại hình thu nhập (ví dụ, thu nhập từ vận tải thủy) cũng sẽ được loại trừ khỏi quy định thuế này. Ngay cả MNEs mà có hoạt động, đầu tư vào ngành, ví dụ, cần nhiều vốn trong lãnh thổ sở tại thì cũng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu.

Song song đó, không phải loại ưu đãi thuế nào cũng bị ảnh hưởng như nhau bởi việc áp dụng thuế tối thiểu. Ảnh hưởng này sẽ tùy thuộc vào thiết kế của các ưu đãi (MNEs đang được hưởng ưu đãi thuế cũng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu nếu chúng đóng góp lớn cho kinh tế bản địa nhờ thỏa mãn các yêu cầu đổi lấy ưu đãi), mức độ đánh thuế chung và lên doanh nghiệp của quốc gia, và loại hình và lĩnh vực kinh doanh cụ thể của MNEs thuộc diện áp dụng, gồm những hoạt động đặc thù của nó trong vùng lãnh thổ sở tại.

Hiểu được về nguyên tắc của các loại trừ trong việc áp dụng thuế tối thiểu đối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hưởng ưu đãi thuế như trên, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu cụ thể và sâu hơn về mặt kỹ thuật để thiết kế các loại ưu đãi thuế nhằm khuyến khích MNEs đầu tư vào Việt Nam mà không vi phạm quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Hiểu rõ các nguyên tắc và thiết kế các loại ưu đãi thuế thích hợp cũng giúp cho Việt Nam xử lý được vấn đề nổi cộm khác, đó là các rắc rối pháp lý đối với các dự án đầu tư nước ngoài đã ký kết mà trong đó Việt Nam cam kết các ưu đãi thuế trong một thời hạn nhất định.

Cụ thể, đối với các dự án đầu tư đã đàm phán, nếu phía Việt Nam đơn phương tuyên bố áp dụng thuế tối thiểu mà không đàm phán lại hợp đồng, ví dụ các điều khoản về ưu đãi thuế với đối tác nước ngoài thì có thể vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Một trong những giải pháp khắc phục rủi ro này là đàm phán với doanh nghiệp để áp dụng một số công cụ thuế khác như tín dụng thuế có khả năng hoàn trả, hoặc cho phép hoãn trả thuế vào một thời điểm trong tương lai..., với mục đích là để bù đắp cho việc doanh nghiệp sẽ phải trả thuế thu nhập mới (15%), cao hơn so với thỏa thuận trước đây.

Một số động thái về kế toán cũng có tác dụng tương tự, ví dụ như tăng tốc độ khấu hao tài sản hữu hình cũng giúp giảm thiểu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, biến chúng thành công cụ để tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài mới hoặc duy trì được thuế doanh nghiệp hiệu dụng ở mức thấp cho các doanh nghiệp nước ngoài hiện hữu kể cả sau khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Trên hết, cần lưu ý rằng ưu đãi thuế chỉ là một trong những công cụ khuyến khích và giữ chân đầu tư nước ngoài. Ngoài đó ra thì còn nhiều yếu tố khác như chi phí và chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư... Với nguồn thu nhà nước được bổ sung thêm từ việc áp dụng thuế tối thiểu có thể cao hơn mức ưu đãi hiện tại cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói chung, Chính phủ có thể dùng nguồn tiền này để cải thiện và củng cố các yếu tố thu hút đầu tư khác này để xây dựng được một thị trường đầu tư nước ngoài hấp dẫn và bền vững trong các năm tới mà không cần phải tham gia “cuộc đua xuống đáy” nhằm thu hút đầu tư nước ngoài như trước đây, trước khi các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Hàm ý rút ra là, như nói ở phần đầu bài, thuế tối thiểu toàn cầu là một sáng kiến tốt đối với ngay cả các nước đang phát triển vì sẽ giúp khắc phục được vấn đề chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế, phải ưu đãi quá mức và không cần thiết cho các doanh nghiệp nước ngoài. Quan trong không kém là việc thực thi thuế này cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chủ quyền đánh thuế quốc gia. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng phê chuẩn và thực thi thỏa thuận này, đồng thời có các giải pháp kỹ thuật phù hợp để tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài trong những năm tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

TS. Phan Minh Ngọc Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả