menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kiến Vũ

Tác động của tăng lương đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2024-2029

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đánh giá, tác động của việc tăng lương đến tăng trưởng GDP và lạm phát sẽ bắt đầu từ năm 2024 nhưng cao nhất là năm 2025, trước khi giảm dần trong các năm tiếp theo.

LTS: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của việc tăng lương đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2024-2029. Chúng tôi xin đăng tải báo cáo chi tiết để quý độc giả tiện theo dõi.

-------

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thống nhất giao Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở (từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 30%), tăng lương hưu và trợ cấp, từ ngày 1-7-2024. Theo ước tính của Bộ Tài chính, kinh phí tăng lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp 3 năm (2024-2026) tăng khoảng 900 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn mức dự kiến ban đầu là 340 nghìn tỷ đồng. Giả định khoản chi cao hơn dự kiến này được phân bổ đều giữa các năm thì chi trong năm 2024 (nửa năm) nhiều hơn dự kiến 68 nghìn tỷ đồng, trong hai năm 2025-2026 mỗi năm nhiều hơn 136 nghìn tỷ đồng. Dưới đây Nhóm Nghiên cứu ước tính tác động của việc tăng chi nhiều hơn dự kiến đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát theo 2 kịch bản.

1. Phương pháp ước tính tác động

Phương pháp ước tính tác động đến tăng trưởng GDP và lạm phát của Nhóm Nghiên cứu có những điểm chính sau:

Thứ nhất, cơ chế tác động của việc tăng chi (từ việc tăng lương) đến tăng trưởng GDP và lạm phát được biểu diễn trên Hình 1. Trước hết tăng chi từ NSNN làm tăng thu nhập của người thụ hưởng. Tuy nhiên, những người thụ hưởng không chi tiêu toàn bộ thu nhập tăng thêm mà dành một phần cho tiết kiệm. Chi tiêu tăng thêm trên qua một hệ số nhân chi tiêu (consumption multiplier) sẽ làm tăng tổng cầu danh nghĩa (hay tổng cầu theo giá hiện hành) của toàn bộ nền kinh tế không chỉ trong năm tăng chi tiêu mà còn một số năm sau đó, với mức ảnh hưởng giảm dần. Tăng tổng cầu sau đó được chuyển thành tăng GDP thực (hay GDP giá so sánh) và tăng lạm phát chung của nền kinh tế.

Tác động của tăng lương đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2024-2029

Thứ hai, tùy vào trạng thái của nền kinh tế (GDP thực tế đang cao hơn hay thấp hơn GDP tiềm năng) mà tăng tổng cầu danh nghĩa dẫn đến tăng GDP thực tế hay tăng lạm phát nhiều hơn. Nghiên cứu GDP tiềm năng từ hàm sản xuất của Viện ĐT&NC BIDV cho thấy kinh tế đang trong chu kỳ GDP thực tế thấp hơn GDP tiềm năng và chu kỳ này có thể kéo dài đến năm 2029 nếu không có đột phá (Hình 2). Theo đó, Nhóm Nghiên cứu giả định rằng tăng tổng cầu danh nghĩa dẫn đến tăng GDP thực nhiều hơn tăng lạm phát.

Tác động của tăng lương đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2024-2029

Thứ ba, Nhóm Nghiên cứu cũng giả thiết mức tăng chi theo dự kiến đã được tính đến trong dự kiến về tăng trưởng GDP và lạm phát của Quốc Hội và Chính phủ cũng như thị trường. Do đó, trong bài viết này, Nhóm Nghiên cứu chỉ đánh giá tác động của mức tăng chi nhiều hơn dự kiến đến tăng trưởng GDP và lạm phát ban đầu.

2. Tác động đến tổng cầu

Hành vi chi tiêu của những người thụ hưởng từ tăng lương cơ sở (thuộc khu vực công) có thể không giống hành vi chung của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, để đánh giá tổng quát, Nhóm Nghiên cứu đưa ra hai kịch bản về hành vi tiêu dùng của những người thụ hưởng: (1) chi 80% số thu nhập tăng thêm, bằng mức chung của nền kinh tế (theo kết quả nghiên cứu của WB 2022); và (2) chi 50% số thu nhập tăng thêm, thấp hơn mức chung của nền kinh tế.

Kịch bản 1: Tỷ lệ chi tiêu là 80% số tăng thêm

(1) Từ việc chi tiêu nhiều hơn dự kiến trong năm 2024:

Theo ước tính của World Bank (2022), tỷ lệ tiết kiệm (trên GNI) của nền kinh tế tính đến năm 2021 là khoảng 20%. Theo đó, Nhóm Nghiên cứu giả định đối tượng thụ hưởng trong năm 2024 chi 80% số thu nhập tăng thêm, tức là chi 54,4 nghìn tỷ đồng trong số 68 nghìn tỷ đồng tăng lương nêu trên. Căn cứ hệ số nhân chi tiêu dài hạn của nền kinh tế từ kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa (2022), đó là tăng 1% chi thường xuyên dẫn đến tổng cầu tăng 0,54% trong dài hạn, khi đó mức tăng chi tiêu trên sẽ làm tổng cầu tăng tổng cộng 2,3% trong dài hạn (từ 2024 đến 2029). Mức tăng tổng cầu trên được chia ra cho từng năm từ 2024 đến 2029, theo mức độ giảm dần.

(2) Từ việc chi tiêu nhiều hơn dự kiến trong năm 2025 và 2026:

Năm 2025, mức chi nhiều hơn dự kiến gấp đôi năm 2024 nên vẫn làm tăng thêm tốc độ tăng tổng cầu của năm. Tuy nhiên, năm 2026, mức chi cao hơn dự kiến bằng năm 2025 nên không làm tăng thêm tốc độ tăng tổng cầu của năm.

2.2 Kịch bản 2: Tỷ lệ chi tiêu là 50% số tăng thêm

(1) Từ chi tiêu nhiều hơn dự kiến trong năm 2024:

Đối tượng thụ hưởng trong năm 2024 chi 50% số thu nhập tăng, tức là chi tiêu 34 nghìn tỷ đồng trong số 68 nghìn tỷ đồng tăng lương nêu trên. Căn cứ hệ số nhân chi tiêu dài hạn của nền kinh tế, mức tăng chi tiêu trên sẽ làm tổng cầu tăng tổng cộng 1,5% trong dài hạn.

(2) Từ chi tiêu nhiều hơn dự kiến trong năm 2025 và 2026: tương tự như Kịch bản 1.

3. Tác động đến tăng trưởng GDP và lạm phát

Tăng tổng cầu so với dự kiến nêu trên sẽ làm tăng đối với tăng trưởng GDP và lạm phát (so với dự kiến). Do chu kỳ kinh tế hiện nay như nêu trên, với cùng mức tăng tổng cầu, tăng trưởng GDP sẽ tăng nhiều hơn lạm phát. Kết quả cụ thể được trình bày ở Bảng 1 dưới đây. Theo đó, tác động của việc tăng lương đến tăng trưởng GDP và lạm phát bắt đầu từ năm 2024 nhưng cao nhất là năm 2025, trước khi giảm dần trong các năm tiếp theo.

Tác động của tăng lương đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2024-2029

4. Kết luận và kiến nghị

Để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW khóa XII ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương, việc tăng lương là quyết định đúng đắn cả về liều lượng và thời điểm. Trước hết, tăng lương sẽ cải thiện đời sống của cán bộ, công - viên chức, nhất là khi mức lương thực tế đang suy giảm do lạm phát và thay đổi việc làm, thu hẹp chênh lệch thu nhập giữa khu vực công và khu vực tư. Đồng thời, tăng lương sẽ kích cầu tiêu dùng hiện đang chậm cải thiện so với đầu tư và sản xuất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (như đánh giá ở trên). Về dài hạn, tăng lương còn khuyến khích cải thiện năng suất lao động của khu vực công nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Để giảm thiểu tác dụng phụ của việc tăng lương đến lạm phát (như đánh giá ở trên), Nhóm Nghiên cứu có 5 kiến nghị như sau:

Một là, Chính phủ nên rà soát kế hoạch (nhất là liều lượng và thời điểm) điều chỉnh giá một số dịch vụ công và giá điện trong năm nay cũng như 2 năm tới một cách hợp lý để không cộng hưởng quá nhiều với việc tăng lương gây áp lực lớn đến lạm phát.

Hai là, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, kiểm tra – giám sát để hạn chế tối đa những tác động do yếu tố tâm lý, găm giữ, làm giá, hiện tượng té nước theo mưa…v.v. Đối với chủ trương tăng lương cho khu vực công, người dân cần được truyền thông để hiểu rõ mục tiêu và ý nghĩa của chính sách này như nêu trên.

Ba là, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn tỷ giá, lãi suất, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ đóng vai trò bổ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; chú trọng ưu tiên nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 và kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán – bất động sản). Đồng thời, luôn đảm bảo đầy đủ lượng cung hàng hóa – dịch vụ (nhất là hàng hóa thiết yếu), nhằm hạn chế khan hiếm không đáng có.

Bốn là, tiếp tục linh hoạt trong mục tiêu lạm phát để tạo dư địa cho việc tăng lương cũng như thúc đẩy tăng trưởng (trong bối cảnh 3 năm – 2020, 2021 và 2023 đạt mức tăng trưởng GDP còn thấp so với mục tiêu đề ra). Trong bối cảnh hiện nay, mức lạm phát trong khoảng 4-4,5% trong năm nay và 2 năm tới là có thể chấp nhận.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách về lao động, tiền lương và quan hệ lao động trong cả khu vực công lẫn khu vực tư nhằm cải thiện thu nhập, đời sống của người lao động. Nghiên cứu và sớm triển khai các nhóm chính sách, giải pháp về tiền lương đồng bộ với các giải pháp về tổ chức nhân sự (tuyển dụng, bố trí, đào tạo, đánh giá cán bộ…), về tăng năng suất lao động đã đề ra tại Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới, sáng tạo giai đoạn 2021-2030 ban hành tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia nhằm góp phần phát huy hiệu lực, hiệu quả của chính sách cải cách tiền lương và nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

H. Kim (ghi theo báo cáo của Nhóm tác giả)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả