Tác động của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam: (Bài 8) Giảm thu ngân sách từ 3 khu vực
Dự kiến dịch bệnh COVID-19 sẽ làm giảm số thu NSNN ở cả 3 khu vực: nội địa, xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.
Nhận định này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, đối với số thu nội địa. Hiện số thu có xu hướng giảm do nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh, du lịch, dịch vụ.... giảm sút.
Nếu dịch bệnh sớm được khống chế (trong khoảng 2-3 tháng tới), thì một số ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp như: du lịch, kinh doanh vận tải, dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu nông sản hàng hóa... bị tác động mạnh nhất; các hoạt động sản xuất – kinh doanh khác có khả năng dự trữ, điều tiết hoạt động sản xuất sẽ bị tác động suy giảm; rất ít ngành có thể vẫn duy trì được hoạt động bình thường.
Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài (4-5 tháng hoặc lâu hơn), thì đến lượt các ngành hàng, nhóm hàng, lĩnh vực sản xuất có đầu vào là thiết bị, linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung quốc chiếm tỷ trọng lớn (dệt may, giầy dép, điện tử, hàng tiêu dùng....), kể cả các công ty đa quốc gia (Apple, Samsung, LG...) sẽ gặp khó khăn.
Đồng thời, tiến độ triển khai các dự án đầu tư sử dụng vốn, lao động, nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực liên quan.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bị đình trệ do hạn chế đi lại và nhu cầu giảm, cũng làm giảm động lực sản xuất trong nước.
Đối với số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung và với Trung quốc nói riêng giảm, chắc chắc làm giảm số thu thuế xuất nhập khẩu từ thị trường này, tương đương sẽ giảm kim ngạnh xuất nhập khẩu khoảng 15-20% so dự toán thu Quốc hội đã quyết định.
Đối với số thu từ dầu thô: giá dầu thế giới gần đây đã giảm về mức 50-52 USD/thùng do nhu cầu tiêu thụ của Trung quốc giảm và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không đạt như dự kiến, làm ảnh hưởng đến giá dầu thô của Việt Nam và số thu ngân sách từ dầu thô.
Từ thực tế đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản.
Về chi ngân sách nhà nước, để phòng chống và dập dịch, ngân sách Nhà nước sẽ phải tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát dịch (tuần tra biên giới, bảo vệ an ninh khu cách ly....).
Bên cạnh đó, trường hợp dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân, có thể phải áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, tăng cầu đầu tư và tiêu dùng để duy trì đà tăng trưởng.
Khi đó, còn phải tăng chi NSNN để thực hiện các biện pháp này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận