24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Phượng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tá hỏa vì mất hơn 200 triệu đồng từ cuộc gọi giả danh công an yêu cầu nộp phạt

Sau cuộc gọi từ một số máy giả danh công an nói liên quan đến một vụ tai nạn giao thông, anh N. đã bị lừa mất hơn 200 triệu đồng.

Mất hơn 200 triệu vì một cuộc gọi giả danh

Mới đây, PV Dân Việt nhận được phản ánh của người dân về việc có nhiều số điện thoại lạ tự xưng là người của cơ quan chức năng như Sở GTVT, Cục Cảnh sát giao thông (Cục CSGT), các đơn vị công an thông báo về việc họ có biên lai xử phạt do vi phạm giao thông, hoặc liên quan đến vụ án rửa tiền, buôn ma túy…

Anh N. thực hiện lại thao tác truy cập vào ứng dụng mà các đối tượng lừa đảo yêu cầu anh làm theo. Clip: NVCC

Sau đó đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các số máy lạ này cung cấp để nộp phạt. Nhiều người tỉnh táo nên không mắc bẫy nhưng cũng có không ít người đã bị lừa.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh N.H.N (SN 1994, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện đang sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, hơn 200 triệu đồng là số tiền mà anh đã bị các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn trên.

Anh N. trình bày, ngày 9/6 vừa qua, anh nhận được cuộc gọi từ số 02471098778, tự xưng là thiếu úy làm tại Cục CSGT (Bộ Công an) thông báo về việc, một chiếc xe ô tô BKS: 43A-16823 gây tai nạn tại Đà Nẵng vào ngày 6/5, mã biên lai nộp phạt: 004274.

Gây tai nạn xong chủ xe bỏ trốn và hợp đồng thuê xe đứng tên anh. Ngay lập tức, anh N. phủ nhận thông tin và tắt máy vì không liên quan.

Tuy nhiên, khi thấy anh N. không mắc bẫy, chúng tiếp tục dùng số điện thoại khác, tự xưng là trung úy làm việc Công an TP Đà Nẵng gọi điện thông báo rằng anh N. liên quan đến một vụ rửa tiền và buôn bán ma túy mà người gây tai nạn giao thông là người cầm đầu.

Để tăng thêm áp lực, các đối tượng đã chuyển một bức ảnh giả với nội dung là Lệnh tạm giam anh N. của viện kiểm sát.

"Đối tượng dùng những từ ngữ đe dọa nhưng tôi không thừa nhận, sau đó đối tượng nói sẽ giúp tôi minh oan bằng việc thanh tra tài khoản để chứng minh đồng tiền của tôi là đồng tiền sạch không liên quan đến đường dây rửa tiền và buôn ma túy trên. Không hiểu sao lúc này tôi lại nghe theo" – anh N. nhớ lại.

Theo anh N., đối tượng yêu cầu anh liệt kê toàn bộ số tiền trong các tài khoản ngân hàng của mình. Đối tượng yêu cầu anh mua một điện thoại hệ điều hành android, sau đó cài một phần mềm có biểu tượng của Bộ Công an theo đường link chúng hướng dẫn.

Trong suốt quá trình, đối tượng bắt anh N. không được tắt cuộc gọi vì đang là nghi phạm. Đồng thời còn khuyên anh này ăn uống, giữ sức khỏe.

"Ngày 9/6, sau khi làm theo hướng dẫn và cài đặt phần mềm, tôi đã chuyển cho chúng 108 triệu đồng. Sáng 10/6, đối tượng tiếp tục gọi và yêu cầu tôi chứng minh tài chính cho bên viện kiểm sát nên tôi chuyển tiếp 150 triệu đồng theo hướng dẫn. Tất cả số tiền của tôi đều được chuyển đến tài khoản mang tên Lê Thị Hồng Ngọc" – anh N., thông tin.

Ngày 11/6, sau khi bình tĩnh suy nghĩ lại, anh N., mới tá hỏa biết mình bị lừa nên lập tức trình báo cơ quan công an. Đồng thời gọi lại cho đối tượng nhưng không thể liên lạc được.

"Số tiền tích cóp của tôi bao lâu nay bị chúng lừa sạch, không hiểu sao lúc đó tội lại làm theo, như kiểu bị thôi miên, chúng gây áp lực tâm lý rất tốt. Số tiền của tôi không biết lấy lại được không nhưng tôi mong mọi người cảnh giác" – anh N. cảnh báo.

Tương tự anh N., ông N.H (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết, đầu tháng 6, một đối tượng dùng số điện 0916895660 gọi điện cho vợ ông nói một chiếc xe ô tô gây tai nạn tại Đà Nẵng vào ngày 15/5 và chủ xe bỏ trốn còn hợp đồng thuê xe đứng tên ông.

Người ở đầu dây tự xưng là người của Cục CSGT, địa chỉ tại số 112 Lê Duẫn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau đó, người này gửi mã biên lai xử phạt và yêu cầu vợ ông H. phải cung cấp các thông tin cá nhân để kiểm tra và đề nghị chuyển tiền nộp phạt.

"Sau khi nói vợ chồng tôi không ở Đà Nẵng thời điểm đó, đồng thời kiên quyết từ chối cung cấp thông tin cho đối tượng" – ông H. chia sẻ.

Tuy không bị lừa nhưng ông H. rất bức xúc vì bằng một cách nào đó mà số điện của vợ chồng ông đã bị lọt ra ngoài và đến tay các đối tượng lừa đảo.

PV Dân Việt đã gọi vào các số điện thoại mà anh N. và ông H. cung cấp nhưng đều không liên lạc được. Một chuyên gia an ninh mạng cho biết, sau khi thực hiện xong thủ đoạn, các đối tượng sẽ vứt số để xóa dấu vết.

Bộ Công an cảnh báo người dân nên thận trọng

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, một người có trách nhiệm ở Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định, Cục và các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm, cũng không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.

Các vi phạm giao thông đều được thông báo bằng văn bản đến người vi phạm hoặc chủ phương tiện để xử lý.

Tá hỏa vì mất hơn 200 triệu đồng từ cuộc gọi giả danh công an yêu cầu nộp phạt
Sau khi nghe cuộc điện thoại, toàn bộ số tiền tích cóp của anh N. đã mất hết. Anh đã trình báo cơ quan chức năng về việc này. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhất là sử dụng công nghệ cao để gây án, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống nhân dân.

Đối tượng sẽ dùng các phương thức, thủ đoạn như sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt.

Kịch bản thường là giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm, nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước, nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện; Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… để liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân.

Chúng sử dụng các thông tin đó làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan công an đe dọa nạn nhân, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.

Sau đó chiếm đoạt hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký 1 tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng rồi chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.

Bộ Công an khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Bởi lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả