Sức nóng tỷ giá gia tăng, nhưng khó gây hiệu ứng làm tăng lãi suất
Diễn biến tỷ giá gia tăng thời gian qua là một trong những yếu tố đáng quan tâm với thị trường tài chính, nhưng các chỉ đạo mới đây của Thủ tướng cho thấy định hướng rất kiên định của Chính phủ vẫn cần phải giữ lãi suất thấp nhằm duy trì động lực cho tăng trưởng.
Áp lực mới từ tỷ giá
Từ sau Tết 2024, tỷ giá liên tục có diễn biến tăng và đến thời điểm đầu tháng 4/2024, tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại đã vượt mốc 25.000 đồng/USD. Theo đó, giá đồng USD đã phá vỡ đỉnh tỷ giá trong giai đoạn tăng nóng hồi đầu quý IV/2022.
Trước bối cảnh đó, tỷ giá trung tâm của VND so với USD đã tăng tới 7% so với cuối năm 2021 (tức đồng VND đã mất giá 7%) và NHNN đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Như vậy, sau khi giữ biên độ ±3% trong thời gian khá lâu (từ năm 2015), NHNN đã có một quyết định khá táo bạo khi tăng mạnh biên độ như vừa qua.
Ngoài động thái nới biên độ tỷ giá, NHNN thời điểm đó cũng đã có hành động khá mạnh tay khi liên tiếp thực hiện 2 đợt tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và tháng 10/2022. Sau động thái đó cùng với sự “cộng hưởng” của một số vụ án kinh tế lớn xảy ra cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất ngoài thị trường liên tục nóng lên và lãi suất huy động có lúc vượt ngưỡng 11%. Khi đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phải có nhiều cuộc họp để “phanh” cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng thì từ đó lãi suất mới dừng tăng, nhưng sau đó giảm rất chậm.
Định hướng với lãi suất
Mặc tỷ giá thời điểm này đã vượt đỉnh hồi tháng 10/2022, nhưng các chuyên gia tài chính cho rằng, bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay đã có nhiều điểm khác. Ở góc độ quốc tế, thời điểm cuối 2022 là giai đoạn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn đang thực hiện các đợt tăng lãi suất liên tục tạo sức ép tăng giá đồng USD trên thị trường quốc. Ngược lại, thời điểm hiện tại FED có thể sẽ giảm dần lãi suất trong thời gian tới. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng Đô la Mỹ thời điểm đó cũng tăng khá cao lên sát mốc 107 điểm, trong khi chỉ số DXY hiện chỉ quanh mốc hơn 104 điểm.
Trong khi đó với diễn biến trong nước, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất cụ thể trong quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, nổi bật gần đây nhất là Công điện số 32/CĐ-TTg (Công điện 32) về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, Thủ tướng đã có 2 công điện liên quan đến hoạt động tín dụng và chính sách tiền tệ bởi cuối tháng 3, Thủ tướng cũng đã có Công điện số 18/CĐ-TTg (ngày 5/3/2024) về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Theo các chuyên gia, quan điểm trong công điện của Thủ tướng thể hiện hướng định hướng lãi suất thấp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho biết, điều đáng chú ý Chính phủ hướng mục tiêu vào việc giảm lãi suất đầu ra và công khai hóa thông tin lãi suất để tạo sự minh bạch lãi suất cho người đi vay có sự lực chọn phù hợp. Trong khi đó, dư địa để có thể điều tiết tỷ giá mà không cần sử dụng đến công cụ lãi suất có thể vẫn còn. Ông Linh cho biết, đó là việc NHNN có thể thực hiện bán ngoại tệ trong nguồn dự trữ ngoại hối, khơi thông giải ngân vốn FDI, thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể tự chủ…
Ngoài ra, đánh giá về mức độ ảnh hưởng của tỷ giá tăng, ông Phan Lê Thành Long, CEO của AFA Research & Education cho biết, tỷ giá nếu biến động quá lớn thì rõ ràng là một yếu tố có thể gây bất ổn, nhưng cũng phải nhìn nhận là đồng nội tệ yếu cũng có thuận lợi cho việc hỗ trợ xuất khẩu. Do đó, theo ông Long, việc duy trì đồng nội tệ yếu ở mức nào cũng phụ thuộc vào các chính sách liên quan đến xuất khẩu, nhất là khi nền kinh tế đang cần có các yếu tố tạo sự cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận