Sức mua tăng trở lại, giá lợn hơi cũng tăng mạnh
Những ngày gần đây, giá và sức mua thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh đang tăng trở lại sau một thời gian dài ế ẩm khiến các hộ chăn nuôi và tiểu thương đều vui hơn.
Người dân bắt đầu sử dụng lại
Khảo sát tại một số chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh, giá thị lợn tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, trong khi sức mua cũng đang được cải thiện, tăng khoảng 3 - 5% so với thời điểm khi bắt đầu có dịch tả lợn châu Phi.
Chị Lê Thị Thúy, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức) cho biết, gần đây sức mua mặt hàng thịt lợn đang tăng lên, giá cũng nhích lên chứ không ế ẩm như trước. "Do lượng thịt lợn về chợ đầu mối ít nên dù có muốn lấy nhiều cũng không có hàng. Nếu như ngày trước, mỗi ngày tôi lấy khoảng 200 - 300 kg/ngày thì nay thương lái chỉ bán khoảng 100 - 150 kg/ngày", chị Thuý cho biết.
Theo lý giải của các tiểu thương, sở dĩ sức mua thịt lợn được cải thiện do người tiêu dùng đã hiểu dịch tả lợn châu Phi chỉ lây bệnh cho lợn, khi được chế biến chín không lây sang người. Ngoài ra, mặt hàng thịt lợn là thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn vì người dân đa số chế biến các món ăn đều có liên quan đến thịt lợn.
Hiện giá thịt lợn hơi tại các chợ đầu mối đang dao động ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg. Khoảng 1 tháng trước đó, khi dịch tả châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh phía Nam, lượng lợn hơi về chợ giảm hẳn, chưa đến 4.000 con/ngày. Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, lượng lợn hơi về chợ đầu mối bắt đầu tăng mạnh trở lại, trung bình khoảng 5.000 con/ngày.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết giá thịt lợn đang tăng từng ngày. "Mấy ngày trước chỉ có 36.000 đồng/kg thì nay đã vọt lên hơn 40.000 đồng/kg đối với lợn hơi loại 1, còn thịt mảnh loại 1 cũng tăng mạnh với giá 52.000 đồng/kg. Lượng hàng về chợ nhiều nhưng gần như chỉ trong buổi sáng đã bán hết và không còn hàng tồn như những ngày bắt đầu có dịch", ông Tiển cho biết. Theo đó, khi thịt về các chợ lẻ, giá các loại thịt như ba rọi, thịt đùi... cũng tăng nhẹ, mức tăng phổ biến khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg
Theo ông Tiển, sở dĩ lượng tiêu thụ thịt lợn đang tăng trở lại có thể do tâm lý người dân đã không còn hoang mang trước tin dịch tả lợn châu Phi, tiểu thương các chợ cũng đã có ý thức cao khi kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, cùng với sự tuyên truyền mạnh mẽ của ngành chức năng… “Để đảm bảo chất lượng sản phẩm thịt lợn khi về chợ, mỗi ngày, đơn vị đều tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm tra chặt chẽ sản phẩm khi nhập chợ; bổ sung lực lượng ra quân gấp đôi so với thời gian trước khi có dịch. Ban quản lý chợ cũng tăng cường phối hợp với ngành chức năng như Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu hàng đêm. Nếu phát hiện hộ kinh doanh nào cố tình bán thịt không đảm bảo, không truy xuất nguồn gốc, khi bị nhắc nhở lần một sẽ bị phạt cảnh cáo, vi phạm đến lần thứ 3 sẽ bị tạm ngừng kinh doanh 3 ngày", ông Tiển cho biết thêm.
Vẫn giữ giá bình ổn
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thống kê của các doanh nghiệp bình ổn thị trường cho thấy, so với trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại các chợ truyền thống đã giảm, tuy nhiên trong các siêu thị, lượng tiêu thụ lại tăng. Cụ thể, các siêu thị nằm trong hệ thống Saigon Co.op, sức mua thịt lợn tăng từ 15-20%, nhất là vào những ngày cuối tuần. Nguyên nhân do tâm lí người dân không còn hoang mang như trước khi bắt đầu có dịch tả lợn châu Phi và người dân đã hướng đến chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng nên chọn đến các siêu thị hiện đại.
Các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh luôn kiểm soát chặt chẽ nguồn thịt lợn khi về chợ.
Đại diện các siêu thị cho biết, giá thịt lợn đang dao động ở mức 90.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, thịt ba rọi có giá 110.000 đồng/kg, thịt nạc dăm có giá 115.000 đồng/kg, sườn non có giá 120.000 đồng/kg… Đa số các siêu thị đều tham gia chương trình hàng bình ổn nên việc điều chỉnh giảm giá theo các chợ lẻ có thể không nhanh nhạy, nhưng lúc nào các đơn vị vẫn giữ mức giá tốt như cam kết của chương trình bình ổn. Mặt khác, trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, giá thịt lợn tại hệ thống siêu thị đã cao hơn so với bên ngoài chợ lẻ, chợ đầu mối để bù vào các chi phí siết chặt về đảm bảo chất lượng.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc công ty Vissan, cho biết từ khi dịch bùng phát nhiều đơn vị tăng cường giám sát, thậm chí giám sát 100% nguồn thịt lợn vào hệ thống bằng trực quan đồng thời tăng gấp nhiều lần số lượng lấy mẫu thịt được kiểm tra. Việc đi thực tế để giám sát chất lượng thịt tại cơ sở nuôi, điểm giết mổ tại tất cả vùng miền, để đảm bảo thịt lợn sạch bệnh trước khi vào hệ thống cũng khiến một số chi phí tăng lên. "Nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới không quá thiếu và mức độ cung cầu có thể chênh lệch làm cho giá cả đẩy lên. Tuy nhiên, Vissan cũng đã có chuẩn bị sẵn kịch bản khi tình huống xấu nhất xảy ra là nguồn cung thiếu. Vissan vẫn tiếp tục cung ứng cho thị trường thịt tươi sống và dự trữ cấp đông nguồn thịt để sau này có những biến động còn có nguồn dự trữ để phục vụ cho chế biến và thực phẩm tươi sống”, ông An cho biết.
Đánh giá về nguồn cung thịt lợn hiện nay, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết tính thời điểm hiện tại, TP Hồ Chí Minh không thiếu thịt lợn. "Trường hợp nếu thiếu thì ngành Công thương đã chuẩn bị sẵn phương án để đảm bảo nguồn cung, tránh tăng giá do khan hàng, thiếu hụt nguồn cung", bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận