24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nhật Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sức mua sụt giảm mạnh, sản xuất gặp khó

Tại Tp Hồ Chí Minh, sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh đang gây khó cho sản xuất công nghiệp trong duy trì hoạt động kinh doanh và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền Tp. Hồ Chí Minh về phòng chống dịch COVID-19 nên doanh nghiệp thành phố từng bước khôi phục hoạt động kinh tế. Đồng thời, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố hai tháng đầu năm 2021 đã có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất đã dần phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh đang gây khó cho sản xuất công nghiệp trong duy trì hoạt động kinh doanh và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

*Chi tiêu dùng giảm

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, tháng 2/2021 là thời gian diễn ra Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng năm nay sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh do dịch COVID-19 quay lại vào cuối tháng 1 tại Việt Nam. Điều này dẫn đến, một số địa điểm dân cư trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh bị phong tỏa nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo phòng chống đại dịch COVID-19.

Đồng thời, tâm lý e ngại dịch bệnh nên những hoạt động ăn uống, liên hoan, vui chơi, giải trí... trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng bị hạn chế. Trong khi đó, thu nhập người dân bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay vẫn đang tiếp tục và có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Cụ thể, báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng năm 2021 đạt 228.911 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2021 đạt 110.675 tỷ đồng, giảm 6,4% so với tháng trước và tăng 4,7% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 2/2021 đạt 69.912 tỷ đồng, giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 10,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú và lữ hành tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19.

Ông Minh Thành, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống đặc sản trong và ngoài nước tại quận 1, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều chương trình giảm giá nhằm thu hút người tiêu dùng mua sắm được triển khai nhưng do ảnh hưởng đại dịch nên số lượt khách đến mua sắm khá thấp. Thay vào đó, đa dạng hình thức mua sắm trực tuyến, giao nhận tận nhà được đẩy mạnh để hỗ trợ người dân mua sắm, giúp cải thiện doanh thu của nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Tp. Hồ Chí Minh vẫn đạt được mức tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm 2021. Trong hai tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 39,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 25,1% và nhập khẩu tăng 53,1%.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế, tác động rất lớn đối với tất cả các nước trên thế giới. Đặc biệt, tại khu vực châu Âu tốc độ lây nhiễm đang ở mức báo động và một số quốc gia đã đóng cửa biên giới.

Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước tháng 2/2021 đạt 4.040,3 triệu USD, tăng 2,5% so tháng trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 3.810,8 triệu USD, tăng 0,5%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 7.983,9 triệu USD, tăng 25,1% so cùng kỳ năm trước; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 7.604,5 triệu USD, tăng 26,5% so cùng kỳ năm trước.

Đối với cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu thì nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt 549,7 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ; lâm sản 224,6 triệu USD (tăng 160,4%); công nghiệp 259,2 triệu USD (giảm 83,8%)... Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 1.796,2 triệu USD, tăng 31,6% so cùng kỳ; Hoa kỳ 1.192 triệu USD (tăng 15,1%)...

*Sản xuất tìm thị trường

Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 2/2021 tăng 12,3% so cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 155,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 60,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 45,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường tủ, bàn, ghế) tăng 28,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 23,8%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 23,5%...

Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2/2021 giảm 25,4% so với tháng trước và giảm 9,0% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cho biết thêm, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp truyền thống trong 2 tháng năm 2021 giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Đối với ngành công nghiệp cấp II có 18/30 ngành có chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ, gồm: sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; thoát nước và xử lý nước thải; sản xuất xe có động cơ; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy...

Do sự sụt giảm của những nhóm ngành trên đã kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2021 giảm 24,6% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đạt mức tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất cộng lũy kế 2 tháng năm 2021 tăng cao hơn so với cùng kỳ như sản xuất sản phẩm điện tử tăng 32,4%; sản xuất thiết bị điện (28,0%); sản phẩm từ khoáng kim loại (22,4%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (10,8%); sản xuất chế biến thực phẩm (9,8%)...

Ghi nhận ý kiến doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho hay, ở thị trường trong nước, Việt Nam vẫn đang phải đối phó làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 lần thứ 3. Còn ở thị trường xuất khẩu, các quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19 đã khiến cho nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước lẫn quốc tế gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến vấn đề thị trường sụt giảm gây khó cho sản xuất công nghiệp, tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố vẫn tiếp tục nghiên cứu những chính sách mới, mang tính đột phá, đặc biệt việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) mới được thông qua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần theo dõi tình hình dịch bệnh, chủ động tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả