Sức mua hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh ngay từ đầu năm 2021
Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Tân Sửu nhưng thời điểm hiện tại lượng khách mua sắm hàng hóa tại các kênh bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh đã có sự cải thiện rõ rệt.
Sức mua hàng hóa tăng dần vào cuối năm
Ghi nhận tại các kênh bán lẻ hiện đại như Emart Gò Vấp, Co.opmart Thủ Đức, Co.opXtra Vạn Hạnh… cho thấy, kể từ Tết dương lịch tới nay sức mua hàng hóa đã nhộn nhịp hơn hẳn so với cuối tháng 12/2020. Hàng hóa được mua nhiều thời điểm này tập trung vào hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, đồ gia dụng…
Sở dĩ sức mua cải thiện được các nhà bán lẻ cho biết do họ luân phiên thực hiện nhiều đợt giảm giá khác nhau, tập trung vào từng nhóm hàng thiết yếu hàng ngày như chất tẩy rửa, đồ gia dụng… Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần từ thứ 5 đến chủ nhật hầu hết các siêu thị đều có chương trình giảm giá sốc, siêu ưu đãi, giảm giá tận gốc, mua nhiều ưu đãi lớn khiến các mặt hàng này giảm giá sâu, giúp người dân mua sắm tiết kiệm được hơn 50% chi tiêu thông thường.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, việc giảm giá hàng hóa là chủ trương kích cầu của ngành công thương nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn dịch bệnh. Thống kê cho thấy, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Aeon - Citimart, BigC… đã đăng ký tổ chức nhiều chương trình khuyến mại giảm giá từ 5- 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt... Điển hình, nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile của Saigon Co.op sẽ rầm rộ giảm giá hàng ngàn sản phẩm dầu ăn, các loại gia vị (tương ớt, nước mắm, nước tương), bột ngọt, lạp xưởng, các loại bánh kẹo, nước ngọt, sữa… Đây là sự nối tiếp sau loạt chương trình “60 ngày vàng khuyến mại” và “Khuyến mại mùa vàng 2020” mà Sở Công Thương phát động. Ngay sau đợt giảm giá này, Saigon Co.op sẽ tiếp tục thực hiện các đợt giảm giá mới để khách hàng có kế hoạch mua sắm tiết kiệm.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa giá tốt cho khách hàng
Dự báo về sức mua thị trường Tết năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Tổng giám đốc VinCommerce - cho biết, sẽ tăng khoảng 10% và tập trung vào những ngày cuối năm. Cũng dự báo sức mua sẽ tăng nhưng theo Central Retail, mặt hàng có mức tăng mạnh nhất sẽ là thực phẩm tươi sống. Cụ thể, đại diện Central Retail dự báo nhu cầu mua hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng khoảng 50% trong dịp Tết.
Nhờ dự báo trước diễn biến thị trường, các nhà bán lẻ cho biết đã có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn hàng và đảm bảo chất lượng, giá cả. Chẳng hạn như VinCommerce chia sẻ, hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+ của nhà bán lẻ này đã tăng cường kế hoạch kho vận (mở rộng kho bãi, tối ưu vận hành tổng kho, các kho trung chuyển và các địa điểm phân phối tại nhiều khu vực; tăng cường giao vận - giao nhận tăng ca, giao nhận ban đêm để đáp ứng hàng hóa cho chuỗi cung ứng rộng khắp. “Tại siêu thị - cửa hàng, chúng tôi đảm bảo về độ phủ về hàng hóa trên các quầy kệ, luôn có hàng hóa mới bổ sung liên tục để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân” - vị đại diện của VinCommerce cho biết thêm.
Cũng như VinCommerce, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã dành gần 5.000 tỷ đồng cho việc dự trữ hàng hóa Tết, đồng thời cam kết bán giá bình ổn để hỗ trợ khách hàng. Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - khẳng định: Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ giá và giảm giá. Vì thế từ giữa năm Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2 lần nhằm chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa tết. Đồng thời để đảm bảo chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op cũng đã có kế hoạch tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên từ 5 - 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm tết.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, thành phố sẽ đảm bảo cung ứng cân đối cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Từ phía Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các Sở Công Thương, các DN phân phối tham gia chương trình bình ổn thị trường tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị, yêu cầu về kế hoạch chuẩn bị Tết của Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, từ đó có kịch bản ứng phó với tất cả tình huống, bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận