24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Mạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sức mua chậm, tiểu thương chợ truyền thống dè dặt nhập hàng Tết

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán 2021, thế nhưng sức mua tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn rất chậm khiến tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết như bánh mứt, kẹo, đồ khô… không dám trữ hàng nhiều.

Tại chợ An Đông (phường 9, quận 5), một trong những chợ truyền thống lâu đời nhất tại TP Hồ Chí Minh, thời điểm này những năm trước khách du lịch ra vào mua bán nhộn nhịp, chật kín lối đi nhưng năm nay lại diễn ra cảnh tượng đìu hiu chưa từng thấy. Khi được hỏi về tình hình kinh doanh tại chợ, hầu hết tiểu thương tại chợ đều than: “Ế quá! Chỉ bán hàng cầm chừng, không dám trữ hàng bán Tết”.

Bà Đào Thị Yến, tiểu thương chuyên kinh doanh các mặt hàng bánh mứt, tôm khô, mực khô… tại chợ An Đông buồn rầu nói: “Bình thường vào thời điểm này những năm trước người mua chật kín lối đi, chúng tôi bán hàng không có thời gian nghỉ ngơi nhưng năm nay ngồi cả ngày chỉ bán được vài khách. Hơn 40 năm kinh doanh tại chợ tôi chưa từng thấy cảnh chợ Tết mà vắng như năm nay. Sức mua tại chợ giảm tới 99% so với năm trước”.

“Sợ không bán được hàng nên tôi cũng không dám trữ hàng bán Tết. Những mặt hàng phục vụ Tết có hạn sử dụng rất ngắn nên bán đến đâu nhập hàng đến đó. Nhìn chung giá hàng Tết năm nay không tăng mà còn giảm và không có nhiều mẫu mã mới”, tiểu thương Đào Thị Yến cho biết thêm.

Còn chị Âu Tô Hà, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng đồ khô tại chợ hơn 20 năm cho biết, chợ An Đông chủ yếu bán cho khách nước ngoài nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 người nước ngoài không đến Việt Nam du lịch, Việt kiều không về quê ăn Tết được nên sức mua tại chợ giảm rất nhiều.

“Mọi năm tôi nhập hàng bán Tết nhiều lắm nhưng năm nay không dám nhập hàng, bán tới đâu nhập hàng tới đó vì sợ không bán được hết hạn sử dụng phải bỏ đi. Trung bình một ngày chỉ bán được khoảng 10 khách thôi”, tiểu thương Âu Tô Hà cho biết.

Dù hàng bán không được, nhưng chị Âu Tô Hà vẫn lạc quan: “Không bán được hàng cũng không sao, miễn mình đừng bệnh, khỏe mạnh là được rồi. Sang năm chắc tốt hơn”.

Sức mua chậm, tiểu thương chợ truyền thống dè dặt nhập hàng Tết
Năm nay các loại bánh kẹo, mứt Tết... tiểu thương nhập chủ yếu từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Sức mua giảm nên những mặt hàng này không nhiều mẫu mã mới như mọi năm.

So sánh về sức mua năm nay so với năm trước, chị Trúc Phương, tiểu thương chuyên kinh doanh các mặt hàng tạp phẩm như tôm khô, mực khô, bò khô… cho biết, nếu như trước đây bán được cho 10 khách thì giờ chỉ bán được 1 khách. Giá các mặt hàng cũng giảm hơn so với những năm trước. Chợ vắng khách, tiểu thương không dám nhập hàng về bán Tết vì đa số những hàng phục vụ Tết đều có hạn sử dụng rất ngắn.

“Vừa rồi tôi nhập một thùng cà phê 10 gói nhưng chỉ bán được có 1 gói còn lại để hết hạn sử dụng rồi mang đi bỏ. Buôn bán kiểu này lỗ chết luôn. Chợ ngày Tết mà có hôm từ sáng tới trưa vẫn chưa có người tới mở hàng”, chị Trúc Phương buồn rầu nói.

Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của toàn trung tâm, mãi lực kinh doanh của chợ giảm mạnh, khách đến mua sắm thưa thớt. Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành hàng khô, tạp phẩm, ăn uống tại tầng hầm và ngành hàng mỹ nghệ tại tầng 2 do khách hàng chủ yếu là khách du lịch từ nước ngoài.

“Mãi lực kinh doanh tại Trung tâm có tăng vào dịp cận Tết, khoảng 30 - 40% so với ngày thường. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái sức mua không bằng”, ông Đinh Hồ Duy Ngọc thông tin.

Sức mua chậm, tiểu thương chợ truyền thống dè dặt nhập hàng Tết
Tương tự, tại chợ Phạm Văn Hai sức mua giảm nên các tiểu thương ở đây cũng khá dè dặt nhập hàng bán Tết.

Tình trạng kinh doanh hàng Tết ế ẩm không chỉ diễn ra ở chợ An Đông mà còn xảy ra ở các khu chợ khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)…

Tiểu thương sạp hàng Như Lan tại chợ Phạm Văn Hai cho biết: "Những năm trước vào đầu tháng Chạp đã đông người mua, tiểu thương nhập hàng về liên tục sợ không đủ bán nhưng năm nay, tới thời điểm này sức mua vẫn rất chậm. Giá các mặt hàng giảm 5-10% so với năm trước. Bây giờ chủ yếu bán cho khách quen là chính".

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, để ổn định thị trường, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng, Sở đã xây dựng xong kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Tân Sửu 2021. Theo đó, Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa để chủ động phối hợp doanh nghiệp có kế hoạch bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường, cơ quan địa phương để kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm tránh tình trạng hàng gian, hàng giả được tung ra thị trường dịp Tết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả