Sức ép lạm phát gia tăng
Các chuyên gia kinh tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng tốt như năm 2018 trong khi lạm phát sẽ có xu hướng gia tăng so với năm 2017, mặc dù có thể vẫn kiểm soát được ở dưới mức 5%.
Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2019, một báo cáo của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, chất lượng tăng trưởng có cải thiện từ năm 2018. Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2019, xét từ khu vực kinh tế, sẽ vẫn đến chủ yếu từ khu vực FDI, đi kèm là cán cân thương mại cải thiện.
Điểm thuận lợi cho Việt Nam với tình hình chính trị ổn định, chính sách thu hút FDI có tính cạnh tranh cao, cộng thêm những tác động tích cực từ tình hình thế giới, Việt Nam sẽ tăng trưởng tiếp tục chủ yếu dựa vào đầu tư và thương mại quốc tế.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam năm 2019 cũng sẽ đối diện nhiều thách thức. Thứ nhất là do tính bất định và khó lường trong môi trường kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn bởi những "cú sốc" từ bên ngoài, trong khi khả năng kháng chịu và thích ứng còn chưa cao.
Thách thức thứ hai là kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại, thực tế kết quả sản xuất cũng như các cơ hội sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực tư nhân còn rất yếu, các rào cản phát triển còn nhiều.
Một thách thức đáng kể nữa là dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp. Việc gia tăng cung tiền và tín dụng phục vụ tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát.
Về lạm phát, các chuyên gia kinh tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng tốt như năm 2018 trong khi lạm phát sẽ có xu hướng gia tăng so với năm 2017, mặc dù có thể vẫn kiểm soát được ở dưới mức 5%.
Nhận định về tình hình lạm phát, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho hay, lạm phát trong năm 2019 có thể sẽ tăng thêm trên dưới 1% so với năm ngoái. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan về điều hành tỷ giá. Lạm phát tăng, tỷ giá cũng chịu áp lực nhất định, lãi suất không thể tránh khỏi sức ép tăng.
Trước tình hình đó, TS Lê Xuân Nghĩa đưa ra giải pháp, NHNN cần lưu ý theo dõi chặt chẽ thặng dư thương mại, cán cân vãng lai… bởi đây là những nhân tố tác động lớn đến tỷ giá hối đoái. Nếu thị trường có biến động thì NHNN có thể linh hoạt điều chỉnh tỷ giá nhích lên một chút. Còn hiện tại, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN chưa cần có biện pháp can thiệp.
“Hy vọng, quý tới tình hình xuất khẩu được cải thiện, thặng dư thương mại sẽ tăng lên so với quý trước”, vị chuyên gia tài chính ngân hàng nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận