menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Anh Thơ

Sức chống chịu của kinh tế Âu - Mỹ trước khủng hoảng Ukraine

Áp lực lạm phát ở châu Âu ngày càng lớn vì nỗi lo nguồn cung năng lượng từ Nga, trong khi kinh tế Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 cao hơn 5,8% so với một năm trước đó, tăng so với 5,1% tháng đầu năm. Đây là tháng thứ tư liên tiếp lạm phát đạt mức cao kỷ lục, và có lẽ không phải là tháng cuối cùng.

Phần lớn mức tăng là do giá năng lượng, cao hơn 31,7% so với tháng 2/2021 - mạnh nhất kể từ năm 1997. Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên và một phần tư lượng dầu nhập khẩu của châu Âu. Trong khi nguồn cung từ Nga vẫn duy trì, giá dầu khí trên thị trường lại tăng do lo ngại về khả năng gián đoạn trong tương lai.

Sức chống chịu của kinh tế Âu - Mỹ trước khủng hoảng Ukraine
Diễn biến giá tiêu dùng (màu xám) của EU, với giá năng lượng (đỏ) và giá thực phẩm (xanh). Nguồn: Eurosat, đồ họa WSJ

"Cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm tăng áp lực lên lạm phát. Tác động lớn nhất sẽ là giá khí đốt và dầu. Cả hai đều có khả năng duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đều có thể khiến giá tăng trở lại", Andrew Kenningham, Nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận xét.

Khi chuẩn bị kế hoạch cho năm 2022, các nhà hoạch định chính sách tại ECB đã tính đến việc giá năng lượng giảm khi nhu cầu sưởi ấm mùa đông giảm vào cuối tháng này. Điều đó sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát, đưa nó trở lại mục tiêu 2% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã làm đổ vỡ mọi kế hoạch. Các nhà kinh tế tại Capital Economics dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh hơn 6% trong tháng này và duy trì trên 5% cho đến ba tháng cuối năm. JPMorgan cho rằng lạm phát trung bình năm 2022 sẽ cao hơn một điểm phần trăm so với mức trước xung đột là 5%.

Tăng trưởng kinh tế cũng có khả năng yếu hơn so với dự kiến của ECB. JPMorgan cho rằng nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ trì trệ trong quý I và hạ dự báo tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Quan chức chính sách kinh tế hàng đầu của EU cũng đánh giá cuộc chiến tại Ukraine sẽ gây suy yếu, nhưng không làm trật bánh đà phục hồi của khối.

"Tình hình Ukraine có thể sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của EU, thông qua các tác động lên thị trường tài chính, áp lực giá năng lượng, các nút thắt dây về chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến niềm tin", Paolo Gentiloni, Ủy viên Kinh tế Châu Âu cho biết.

Điều đó khiến ECB rơi vào tình thế khó xử. Họ có thể giải quyết lạm phát bằng cách cắt giảm chương trình mua trái phiếu và mở đường cho việc tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nhưng điều đó có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng chậm và khiến lạm phát giảm mạnh xuống dưới mục tiêu trong năm tới.

Nếu không, ECB có thể chọn cách giữ nguyên các biện pháp kích thích và chịu đựng một thời kỳ lạm phát rất cao để tạo nền tảng cho nền kinh tế chống lại tác động từ chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, điều đó có thể khiến người lao động đòi tăng lương nhiều hơn do lo ngại lạm phát kéo dài. Và việc tăng lương lại có thể thúc đẩy một đợt tăng giá khác khi các doanh nghiệp tìm cách bù đắp chi phí.

"Xung đột ở Ukraine đang đè nặng lên cả cung và cầu, khiến bất ổn trầm trọng hơn. Trong tình hình này, sẽ là không khôn ngoan nếu cam kết trước về các chính sách trong tương lai. Chúng ta nên chờ cho đến khi hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện tại trở nên rõ ràng hơn", Fabio Panetta, Nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết.

Gần đây, trái phiếu chính phủ châu Âu đã tăng giá khi các nhà đầu tư đặt cược rằng ECB sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất. "Không ai thực sự kỳ vọng ECB bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ trong thời điểm có nhiều bất ổn như vậy", Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế tại ING Bank, nói.

Ngược lại, Mỹ đang ở vị thế tốt hơn khi chống chọi với cú sốc kinh tế có thể tạo ra từ Ukraine. Nền kinh tế Mỹ liên quan đến Nga và Ukraine chủ yếu thông qua các kênh năng lượng. Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt chính cho toàn cầu - đặc biệt là châu Âu - và cũng cung cấp các nguyên liệu sản xuất phân bón và bộ chuyển đổi xúc tác cho ôtô.

Chiến dịch quân sự và các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây sẽ làm gián đoạn nguồn cung và đẩy giá các mặt hàng này lên cao, làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chưa thấy tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Chris Varvares, Trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại IHS Markit, ước tính giá dầu cao hơn sẽ làm giảm 0,4% tăng trưởng GDP Mỹ năm 2022, xuống 2,5%. Tăng trưởng năm 2023 và 2024 gần như không ảnh hưởng.

Moody’s Analytics thì cho rằng việc giá dầu tăng liên tục lên tới 100 USD mỗi thùng sẽ làm giảm nhẹ chi tiêu của người Mỹ, nhưng không gây ảnh hưởng lớn. Họ tính toán cú sốc này sẽ chỉ kéo giảm 0,2% trong tăng trưởng Mỹ năm nay. Moody's đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 3,5% cho 2022, từ mức dự báo 3,7% trước chiến dịch quân sự của Nga.

"Tác động từ chiến dịch của Nga đối với nền kinh tế Mỹ là hạn chế", Mark Zandi - kinh tế trưởng Moody’s Analytics đánh giá. Tiêu dùng trong nửa đầu tháng 2 đã tăng 7,2% so với cùng kỳ 2021, nhảy vọt so với mức tăng 2,7% trong hai tuần đầu tháng 1, theo dữ liệu từ Earnest Research. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm.

Sức chống chịu của kinh tế Âu - Mỹ trước khủng hoảng Ukraine
Người dân mua sắm hàng hóa trong một siêu thị tại Mỹ. Ảnh: Zuma Press

Bên cạnh đó, Nga cũng không phải là nước thống trị trong nền kinh tế toàn cầu, ngoài một số thị trường hàng hóa nhất định. GDP nước này vào khoảng 1.500 tỷ USD, thấp hơn các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc và Italy. Tính riêng bang Texas đã có GDP cao hơn Nga 25%.

Vào cuối những năm 1990, sự sụp đổ của đồng ruble Nga đã góp phần gây ra gián đoạn tài chính toàn cầu, khiến hàng loạt các nền kinh tế đang phát triển rơi vào suy thoái và làm chao đảo thị trường Mỹ. Nhưng nay, tác động tương tự dường như không xảy ra. Thị trường trái phiếu Mỹ hoạt động bình thường, không giống như tháng 3/2020, khi Covid-19 tấn công và đóng băng các giao dịch trái phiếu kho bạc; hoặc năm 2008, khi giá chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp sụt giảm và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều ngân hàng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ gần 2% giữa tháng xuống dưới 1,9% kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Lợi suất thấp hơn có lợi cho hoạt động trong nước khi hỗ trợ các thị trường thế chấp và các khoản vay doanh nghiệp trong nước. "Có nhiều biến động hơn, nhưng không có rối loạn", Levy cho biết.
Tất nhiên, vẫn có xác suất tác động xấu hơn. Ví dụ, nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng khiến châu Âu rơi vào suy thoái, một cú sốc đối với các ngân hàng hoặc người tiêu dùng có thể lan rộng sang Mỹ và các nước khác.

Cùng với đó, lạm phát cao hơn có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng khi hạn chế đầu tư và chi tiêu trong nước vì đi vay tốn kém hơn. Các quan chức Fed đã nhắc nhiều tuần qua về kế hoạch tăng lãi suất ngắn hạn vào tháng này. Nếu lạm phát tăng nhanh hoặc kéo dài, họ có thể cảm thấy buộc phải nâng lãi suất nhiều hơn.

Tuy nhiên, vẫn có người nhìn thấy mặt lợi kể cả lúc đó. Theo Baker Hughes, nhà cung cấp giàn khoan của Mỹ, những tác động lan tỏa có thể mang lại lợi ích. Số lượng giàn khoan cao hơn là một chỉ số cho thấy đầu tư vào năng lượng trong nước nhiều hơn. Cuối tháng 2, số giàn khoan đã tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu và khí đốt tăng có thể giúp các nhà sản xuất có thêm động lực để khai thác ở Mỹ, bất chấp xu hướng hạn chế năng lượng hóa thạch.

Chevron và Exxon Mobil đã có kế hoạch tăng chi tiêu trong năm nay tại lưu vực Permian, một khu vực phía Tây Nam của Mỹ, nơi có các giếng dầu đá phiến có thể khai thác nhanh chóng. Tuy nhiên, họ và các công ty nhỏ hơn cho biết vẫn thận trọng trong thời điểm Mỹ đang đẩy mạnh sang năng lượng bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại