24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đại Tư Tế
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sức bật của thị trường chứng khoán Ấn Độ

Trang VIF (Ấn Độ) vừa đăng bài phân tích của nghiên cứu viên cao cấp SP Sharma với tiêu đề: “Thị trường chứng khoán Ấn Độ vượt trội trong số 10 nền kinh tế hàng đầu”. Nội dung như sau:

Thị trường chứng khoán Ấn Độ trải qua một đợt tăng vốn hóa thị trường đáng chú ý, tăng từ 1.100 tỷ USD vào tháng 12/2013 lên 4.000 tỷ USD vào tháng 12/2023. Chỉ trong vòng 10 năm, dòng vốn hóa trên thị trường chứng khoán Ấn Độ đã cao hơn gấp bốn lần và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của tất cả các công ty niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Quốc gia (NSE) là 17,5%. Đây là một cột mốc quan trọng đối với nền kinh tế Ấn Độ, tạo sức bật cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Trong những năm hậu đại dịch COVID-19, khả năng phục hồi kinh tế của Ấn Độ đã tăng lên đáng kể. Ấn Độ đang vượt trội về tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với tốc độ lần lượt là 9,1% trong năm tài chính 2021-2022 và 7,2% trong năm 2022-2023. Nửa đầu năm tài chính hiện tại, nền kinh tế Nam Á chứng kiến mức tăng trưởng 7,7%.

Trong năm tài chính 2024-2025, kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng lên quy mô hơn 4.000 tỷ USD và 5.000 tỷ USD trong năm tài chính 2026-27. Đến năm 2030, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ là nền kinh tế trị giá 7.000 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương và lớn thứ ba thế giới.

Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế này đã trở nên vững chắc nhờ nhiều cải cách hiệu quả được Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong một thập kỷ vừa qua, bắt đầu từ chiến dịch “Make in India” cho đến các công ty khởi nghiệp, “Ấn Độ tự chủ” (Atmanirbhar Bharat) và Đề án PLI cùng với nhiều cải cách thuế và thuế doanh nghiệp, tạo động lực cho các doanh nghiệp kinh doanh. Tất cả những cải cách này đã củng cố quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ và mở rộng bối cảnh tài chính khi thị trường đạt được những đỉnh cao mới từ năm này qua năm khác.

Hầu hết mọi hệ thống tài chính trên toàn thế giới đều cảm nhận sâu sắc những tác động tàn khốc của dịch bệnh COVID-19. Thị trường tài chính sụp đổ khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020. Khi các nhà đầu tư trở nên cảnh giác trước thiệt hại kinh tế ngày càng gia tăng và sự thiếu chắc chắn xung quanh diễn biến tương lai của nền kinh tế, thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ và chi phí đi vay tăng vọt.

Hệ thống tài chính toàn cầu đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể sau nhiều tháng biến động kinh tế chưa từng có, dẫn đến việc hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, mất việc làm, đe dọa hàng triệu sinh kế. Thị trường tài chính của Ấn Độ cũng phải chịu tác động đáng sợ của dịch bệnh COVID-19, khiến thị trường chứng khoán giảm tốc khoảng 40% trong khoảng thời gian từ tháng 1-3/2020. Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi đáng kể từ mức thấp nhất vào tháng 3/2020, với tốc độ là 81%, trong sáu tháng tiếp theo tính đến tháng 10/2020. Trong cùng thời gian, chỉ số Dow Jones trên sàn chứng khoán Mỹ giảm tốc 37% và phục hồi gần 65%; chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã giảm 15% trước khi tăng 30% từ mức thấp nhất. Các thị trường tài chính châu Âu có mức suy giảm 35%, sau đó là mức phục hồi tương ứng 5%.

Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn. Chỉ số chứng khoán SENSEX của Ấn Độ nổi lên như chỉ số hàng đầu vượt trội so với chỉ số chứng khoán của 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. SENSEX đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 14% trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2023. Đáng lưu ý, trong vòng một năm, SENSEX đã thể hiện mức tăng trưởng bùng nổ 23% vào tháng 1/2022. Sau đó, tiếp tục tăng trưởng theo quỹ đạo tích cực, Năm 2023, SENSEX đã tăng trưởng 14% trong thời gian từ tháng 1-12/2023.

Nhiều yếu tố đang góp phần vào quỹ đạo tăng trưởng của thị trường chứng khoán Ấn Độ. Mặc dù các tập đoàn lớn của Ấn Độ đã có những bước tiến đáng kể với quỹ đạo tăng trưởng ngày càng mở rộng trên trường nội địa và quốc tế, nhưng nổi bật nhất là bước đột phá lớn trong phân khúc các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSME). MSME đóng góp đáng kể vào GDP của Ấn Độ. Tỷ trọng của Tổng giá trị gia tăng (GVA) của MSME trong GDP của Ấn Độ đã tăng đáng kể từ 27% trong năm 2020–2021 lên mức đáng kinh ngạc 29% trong năm tài chính 2021-2022. Đáng chú ý, GVA sản xuất của các MSME cũng tăng lên, đạt 41% trong năm tài chính 2021–2022, thể hiện khả năng cạnh tranh và độ bền của ngành. Tỷ trọng các sản phẩm được chỉ định của MSME trong xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên 45,5% vào năm 2023-2024 (tính đến tháng 9/2023) từ mức 43,5% của năm trước, nêu bật phạm vi tiếp cận toàn cầu của ngành.

Hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể sau thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Xuất khẩu đã tăng từ 375 tỷ USD trong năm tài chính 2011 lên mức mạnh mẽ 770 tỷ USD trong năm tài chính 2023, đánh dấu một quỹ đạo đi lên đáng kể. Là quốc gia có khả năng xuất khẩu cao nhất trong số 20 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, các sản phẩm và điểm đến đang nổi lên nhanh chóng của Ấn Độ đóng vai trò là con đường chiến lược để hiện thực hóa tầm nhìn đầy tham vọng, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 2.000 tỷ USD vào năm 2030, củng cố vai trò then chốt của nước này trong bối cảnh thị trường quốc tế đang phát triển.

Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện những sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sự thuận tiện cho hoạt động kinh doanh. Khoảng 40.000 quy định tuân thủ tạo ra rào cản thuận lợi cho hoạt động kinh doanh đã được dỡ bỏ và 3400 bộ luật liên quan đã được chuyển đổi thành bộ luật dân sự nhằm hướng tới một hệ sinh thái không sợ hãi và phi hình sự hóa các tội phạm kinh doanh nhỏ.

Không chỉ các cải cách kinh doanh mà các cải cách mang lại phúc lợi cũng nằm trong tầm ngắm của Chính phủ. Những cải cách thúc đẩy tăng trưởng như Pradhan Mantri Kisan Sampada Yojana (PMKSY) trên 36 khu vực ở các bang và vùng lãnh bổ sung cho nông nghiệp và hiện đại hóa chế biến thực phẩm. Đồng thời, có sự gia tăng đáng chú ý trong sản xuất than, các dự án đường sắt, đảm bảo cơ sở hạ tầng, an ninh năng lượng và tự cung tự cấp.

Các biện pháp chủ động của Chính phủ Ấn Độ nhằm thiết lập cơ sở hạ tầng bền vững đẳng cấp thế giới đã mang lại những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực hàng không. Đáng chú ý, các sân bay bao gồm Delhi, Mumbai, Hyderabad và Bengaluru đã đạt được Chứng nhận của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) Cấp 4+ trở lên, đánh dấu một bước tiến đáng chú ý về hoạt động xuất sắc và bền vững. Hơn nữa, những sân bay này đã thành công trong việc trung hòa carbon. Ngoài ra, 66 sân bay Ấn Độ đang hoạt động hoàn toàn bằng 100% năng lượng xanh, thể hiện cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy các hoạt động có ý thức về môi trường trong ngành hàng không.

Những cải cách này nhấn mạnh một chiến lược toàn diện, giải quyết các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, thúc đẩy một môi trường có lợi cho tiến bộ quốc gia. Trong tương lai, nền kinh tế Ấn Độ sẽ vượt trội hơn so với các nền kinh tế thế giới khác và động lực của thị trường sẽ tiếp tục, dự kiến sẽ ngày càng đạt được những đỉnh cao mới. Đây sẽ là cột mốc quan trọng vì trong thời gian tới Ấn Độ sẽ kỷ niệm 100 năm Độc lập.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả