Sửa nghị định trái phiếu: Còn nhiều thắc mắc
Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đang được xây dựng, trong đó có một số điểm gây thắc mắc liên quan tới phát hành trái phiếu của công ty tài chính.
Tính trong năm 2022 và tháng 1/2023, dù không còn trong giai đoạn thị trường trái phiếu thăng hoa, nhưng lượng trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành vẫn chiếm khoảng 9% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường (theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA, số lượng trái phiếu của tổ chức tín dụng là 30 trái phiếu trong tổng số 349 trái phiếu phát hành thời gian này).
Trong nỗ lực phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như động thái gần đây của cơ quan soạn thảo trong hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, có một vấn đề cần sự cân nhắc của các chuyên gia soạn thảo là quy định có phần chưa cụ thể của pháp luật chuyên ngành về điều kiện phát hành trái phiếu áp dụng cho tổ chức tín dụng, bao gồm các công ty tài chính, đang gây lúng túng cho cả tổ chức phát hành lẫn đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 9 - Nghị định 153/2020/NĐ-CP, trong các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ đề cập tới một điều kiện có tham chiếu tới quy định của pháp luật chuyên ngành là “c) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.
Trong khi đó, các điều kiện chuyên ngành về hoạt động của công ty tài chính lại có quy định riêng về điều kiện để công ty tài chính phát hành trái phiếu. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 - Nghị định số 39/2014/NĐ-CP, dẫn chiếu tới quy định tại Khoản 2 và Khoản 4, Điều 5 của nghị định này, điều kiện để công ty tài chính phát hành trái phiếu là: “2. Có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện, thiết bị và các quy định nội bộ theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động ngân hàng được ghi trong giấy phép” và “4. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện nghiệp vụ đối với hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định”.
Thực chất, đây là hai điều kiện chung để công ty tài chính thực hiện các hoạt động ngân hàng được quy định tại Khoản 1, Điều 108 - Luật Các tổ chức tín dụng. Việc có các quy định chuyên ngành về điều kiện phát hành trái phiếu của công ty tài chính sẽ làm phát sinh khó khăn cho các tổ chức phát hành là công ty tài chính.
Thứ nhất, quy định tại Điều 9 - Nghị định 153/2020 không có điều khoản nào đề cập tới quy định pháp luật chuyên ngành trong các điều kiện phát hành trái phiếu, ngoại trừ quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 9 nói trên.
Do đó, mặc dù Khoản 1, Điều 3 - Nghị định 153/2020 nêu rõ: “1. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng và xổ số ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này, phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định của nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành”.
Thế nhưng, việc không đề cập tới quy định của pháp luật chuyên ngành sẽ gây lúng túng cho tổ chức phát hành do không rõ cần đề cập và chứng minh việc đáp ứng các điều kiện này như thế nào. Bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 - Luật Các tổ chức tín dụng: “1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam”.
Như vậy, theo quy định này, liệu có thể hiểu rằng, nếu tổ chức phát hành trái phiếu là công ty tài chính thì chỉ cần tổ chức vẫn còn giấy phép hoạt động còn hiệu lực được Ngân hàng Nhà nước cấp, tức là tổ chức đáp ứng điều kiện để thực hiện các hoạt động ngân hàng, đồng thời thỏa mãn các điều kiện để phát hành trái phiếu như quy định tại Khoản 2 và Khoản 4, Điều 5 - Nghị định số 39/2014/NĐ-CP hay không?
Thứ hai, quy định tại Khoản 1, Điều 13 - Nghị định 153/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 10, Điều 1 - Nghị định 65/2022/NĐ-CP về các nội dung cơ bản của phương án phát hành trái phiếu cũng chỉ quy định về “Thuyết minh việc đáp ứng từng điều kiện chào bán trái phiếu quy định tại Điều 9 và Điều 10 nghị định này” và “Các chỉ tiêu an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành”, mà không đề cập các điều kiện khác để phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Mặc dù câu chữ của Khoản 1, Điều 13 nói trên quy định là “Doanh nghiệp phát hành trái phiếu xây dựng phương án bao gồm các nội dung cơ bản sau…”, có thể được hiểu là trong phương án phát hành, doanh nghiệp có thể đề cập tới những nội dung khác ngoài nội dung cơ bản được liệt kê tại Khoản 1, Điều 13. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các quy định cụ thể dẫn chiếu hay đề cập tới việc áp dụng các quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan tới phát hành trái phiếu trong Điều 13 nói trên sẽ dẫn tới thắc mắc:
(i) Nếu phương án phát hành chỉ đề cập tới các điều kiện cơ bản theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 mà không đề cập tới các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì phương án phát hành đó có bị coi là không liệt kê đầy đủ các điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hay không?
(ii) Giả sử, do Khoản 1, Điều 13 không đề cập tới quy định của pháp luật chuyên ngành thì tổ chức phát hành có thể đề cập và chứng minh rằng, tổ chức phát hành đã đáp ứng đủ các điều kiện theo pháp luật chuyên ngành để phát hành trái phiếu trong các văn kiện trái phiếu khác (ví dụ, trong Bản công bố thông tin phát hành trái phiếu) được không?
Xét về bản chất, mặc dù quan hệ giữa trái chủ và tổ chức phát hành là quan hệ vay nợ, vốn dĩ là một quan hệ cho phép các bên có các thỏa thuận tùy theo ý chí của trái chủ và bên thụ trái. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các quy định rõ ràng, cụ thể trong bối cảnh hiện nay của thị trường trái phiếu doanh nghiệp dễ khiến các tổ chức phát hành và đơn vị tư vấn lúng túng, “rụt rè” trong cách hiểu và áp dụng pháp luật.
Trong thời điểm cơ quan soạn thảo đang xây dựng Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020, việc bổ sung quy định cụ thể về cách thức tham chiếu, rà soát và tài liệu chứng minh việc tổ chức phát hành là công ty tài chính đáp ứng các quy định pháp luật chuyên ngành khi phát hành trái phiếu là một việc cần làm, để tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp khi soạn thảo phương án phát hành trái phiếu, khơi thông nguồn vốn cho số lượng tổ chức phát hành chiếm tới gần 10% số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận