Sửa Nghị định 24, cẩn trọng kẻo 'sai một ly, đi một dặm'
Thị trường vàng đã "ngủ yên" hơn một thập niên, đến mức việc đánh thức nó theo bất kỳ cách nào cũng có thể kèm theo những rủi ro khó kiểm soát, nhất là đối với dự trữ ngoại hối, tỷ giá và chính sách tiền tệ.
Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế hiện quá cao đến mức bất hợp lý. Điều này càng khuyến khích nhập lậu vàng, làm hao hụt ngoại tệ quốc gia, gây ra nhiều hệ lụy khác về kinh tế - xã hội. Nhiều chuyên gia vì vậy cho rằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP (NĐ24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”. Nhưng hãy cẩn thận với luận điểm này.
Trước phản ứng của số đông, xem ra Ngân hàng Nhà nước có vẻ bắt đầu dao động?
Giải pháp cho mọi giải pháp được đề xuất là phải cho các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vàng (do Nhà nước quản lý) để cân bằng cung cầu, nhằm xóa hoặc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Lý thuyết là thế. Nhưng đối với thị trường vàng thì không đơn giản. Thay vì là giải pháp, nó có thể trở thành vấn đề lớn.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước đã trải qua vòng luẩn quẩn về quản lý thị trường vàng, gần giống với những gì Việt Nam hiện nay, có thể xem xét nếu “khoác chiếc áo mới” mang tính thị trường, như nhiều đề xuất thay thế NĐ24.
Về mặt lịch sử, đầu tiên thị trường vàng do Ngân hàng trung ương (NHTW) Thổ Nhĩ Kỳ độc quyền quản lý. Rồi sau đó giao cho thị trường vận hành, lại rối loạn, để rồi NHTW lại tiếp tục can thiệp cấm nhập (hay phân bổ quota) và lại tiếp tục bất ổn như hiện tại.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thói quen tích trữ vàng (đứng thứ 4 tiêu thụ vàng toàn cầu) như Việt Nam: Họ cũng có sàn vàng và huy động vàng thông qua tín chỉ vàng, giống như nhiều chuyên gia đề xuất để thay thế cho NĐ24.
Trước hết, phân tích việc giống như Việt Nam hiện tại. Đó là thị trường vàng trước năm 1993 do NHTW Thổ Nhĩ Kỳ độc quyền quản lý. Thế rồi trước trào lưu đánh giá tầm quan trọng quá mức của thị trường, chính phủ dần chuyển thị trường vàng sang khu vực tư nhân điều tiết. Động lực cho đề xuất này - cũng giống như lý lẽ của các đề xuất thay đổi NĐ24, là để cho giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới.
Thế là từ đó, ngoài NHTW, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cho phép các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng. Năm 1995, các thành viên của Sàn giao dịch vàng Istanbul, được Chính phủ ủy quyền nhập khẩu vàng.
Đến tháng 4-2013, Sàn giao dịch vàng Istanbul, Sở giao dịch chứng khoán Istanbul, và Sàn giao dịch quyền chọn và giao sau, sáp nhập trở thành Borsa Istanbul. Sau khi sáp nhập trở thành Borsa Istanbul, chính phủ ủy quyền nhập khẩu vàng cho các thành viên của PMM (sàn giao dịch vàng vật lý giao ngay) trên Borsa Istanbul.
Một trong những quy định đối với các thành viên PMM khi nhập khẩu vàng, là vàng nhập khẩu phải được chuyển đến kho Borsa Istanbul trong vòng 3 ngày sau khi về đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Vòng luẩn quẩn quản lý thị trường vàng như bài học của Thổ Nhĩ Kỳ, hệt như nhiều giải pháp đang được đề xuất để thay thế NĐ24, cần phải được các cơ quan quản lý Việt Nam nghiên cứu thấu đáo, để tránh việc thiết kế chính sách sai một ly đi một dặm.
Mọi thứ diễn ra bình thường trên thị trường vàng, nhưng không phải đến từ những cải cách tự do hóa thị trường vàng, mà đến từ chính sách kinh tế ổn định của quốc gia. Nhưng từ năm 2020, nhu cầu vàng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt ở mức 9% tổng nhu cầu toàn cầu, cao gấp đôi so với tỷ lệ 4% giai đoạn 2010-2020.
Điều này bắt nguồn từ những thay đổi chính sách kinh tế lớn được thực hiện vào năm 2021. Vào ngày 20-9-2021, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu thử nghiệm chính sách tiền tệ “phi truyền thống”, bằng cách giảm lãi suất để chống lạm phát theo lệnh của Tổng thống Erdogan, để kích thích nền kinh tế.
Kết quả là lạm phát bùng nổ, đồng lira liên tục mất giá, kinh tế-xã hội bất ổn, khiến người dân tìm đến vàng để bảo toàn giá trị tài sản. Đến mức nhiều người dân nói rằng: “Nếu ngày mai chết, họ sẽ mua thứ gì đó đẹp như vàng”.
Để giải quyết nhu cầu vàng tăng cao, cũng như liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nhập khẩu vàng. Kết quả là hao hụt ngoại tệ, khiến cho đồng nội tệ càng thêm mất giá.
Giữa tháng 2-2023, Thổ Nhĩ Kỳ hầu như cấm nhập khẩu vàng, chỉ được tạm nhập và tái xuất. Lệnh cấm càng khiến giá vàng trong nước và thế giới thêm mở rộng.
Để cho thị trường tự vận hành không xong, Nhà nước phải can thiệp. Chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 3 đến tháng 5-2023, NHTW đã bán 159 tấn vàng qua sàn giao dịch để bình ổn thị trường. Để tránh sụt giảm ngoại tệ quốc gia, chính phủ lại đặt ra một mạng lưới các quy tắc phức tạp khác, như các nhà giao dịch vàng phải chuyển 40% thu nhập bằng ngoại tệ thành đồng nội tệ, đánh mạnh thuế nhập khẩu vàng và các nhà kim hoàn.
Nhưng càng can thiệp, thị trường càng bất an. Các nhà giao dịch liền định giá phần bù rủi ro cao, tăng vọt từ 100USD đến 150USD/oz. Tất cả đều tính vào giá vàng, đến mức không chỉ có người dân chịu thiệt, mà các nhà giao dịch và cửa hàng vàng lớn cũng ngày càng kiệt sức, do việc mua bán vàng ngày càng sụt giảm. Một chính sách mà tất cả đều thua.
Cùng thời điểm này tại Trung Quốc, với việc nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, đồng nhân dân tệ (NDT) suy yếu, khiến cho chênh lệch giữa giá vàng Thượng Hải và London đạt mức kỷ lục 121USD/oz.
Ngoài nguyên nhân khách quan từ những biến động trên thế giới, không khó để thấy nguyên nhân căn bản của mọi nguyên nhân dẫn đến nhu cầu vàng tăng cao không chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, mà còn bất kỳ nơi nào trên thế giới do những thay đổi và bất ổn trong chính sách kinh tế nội địa gây ra.
Chỉ đến khi Tổng thống Erdogan thay thế Thống đốc NHTW bằng bà Erkan, và ông Mehmet Simsek làm Bộ trưởng Tài chính vào tháng 9-2023, cả 2 đều cam kết áp dụng chính sách tài khóa tiền tệ chính thống, thì giá vàng và tình trạng nhập vàng có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tương tự, chênh lệch giữa giá vàng Thượng Hải và London chỉ còn 76USD/oz khi đồng NDT hồi phục quanh mức 7.286 NDT/USD, hệ quả từ việc kinh tế Trung Quốc dần tốt lên từ tháng 9-2023.
Đối với Việt Nam, đầu tư công ngưng trệ, thị trường trái phiếu đứng hình, thị trường chứng khoán đang bị mất niềm tin, thị trường bất động sản lao dốc, tổng cầu suy yếu, lãi suất sụt giảm, càng khiến người dân tìm đến vàng miếng như là tài sản trú ẩn an toàn. Điều này càng khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng mở rộng.
Giải quyết chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao như hiện tại chính là điều cần làm. Thế nhưng, nếu nói NĐ24 đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và thay thế bằng các giải pháp nặng tính thị trường, có thể chưa lường hết những hệ lụy phát sinh.
GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận