Sửa Nghị định 20: Nâng trần lên 30%, cần "hồi tố" tránh thuế chồng thuế
Sắp đến kỳ hạch toán năm tài chính 2019, hàng ngàn công ty vẫn "mòn mỏi" đợi Nghị định 20 sửa đổi với việc nâng trần chi phí lãi vay lên 30% và hồi tố lại năm 2017, tránh nguy cơ thuế chồng thuế...
Mới đây Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo Phó thủ tướng thì Thủ tướng Chính phủ đã nhắc 3 lần về việc sửa đổi Nghị định này.
Suốt 2 năm qua kể từ khi Nghị định có hiệu lực, loạt doanh nghiệp phản ứng về khoản 3, Điều 8 bởi tính bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định tính cấp bách "cần tiến hành sửa đổi ngay Nghị định số 20/2017 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Nâng mức áp trần lên 30%
Bộ Tài chính đã có những động thái đầu tiên sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ khi vừa công bố nghiên cứu nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây là điều khoản gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt thời gian từ 2017 đến nay, khiến không ít doanh nghiệp phải nộp thêm hàng trăm tỷ tiền thuế mỗi năm.
Cụ thể, tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) chi phí lãi vay thuần cộng (+) chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng 0, chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần được để xác định thu nhập chịu thuế của 5 năm tiếp theo theo quy định xác định lỗ và chuyển lỗ của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Giải thích về việc khống chế chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, việc nâng khống chế 30% là phù hợp với thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Những thay đổi này cũng chính là đề xuất trước đó của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc họp ngày 29/11.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng thừa nhận Khoản 3, điều 8 gây khó cho các hoạt động của doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước.
Ngoài ra, mức áp trần chi phí phí lãi vay từ 20% là "sợi dây vô hình" trói chặt sự phát triển của doanh nghiệp.
Chuyện hồi tố, thuế chồng thuế vẫn bỏ ngỏ
Nghị định 20 đã có hiệu lực từ năm 2017, suốt 2 năm qua, kể cả trước khi Nghị định này được ban hành đã tồn tại nhiều ý kiến trái chiều về chi phí lãi vay. Việc áp dụng đã gây thiệt hại hàng ngàn tỷ cho doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và FDI.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Phước (Bigimexco) trong cuộc họp tại Tp. HCM đã khẳng định Nghị định 20 về giao dịch liên kết ban hành năm 2017 đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Bigimexco kiến nghị Chính phủ xem xét lại để điều chỉnh nội dung của khoản 3, điều 8, Nghị định 20 cho hợp lý, hợp pháp, hợp tình và có quy định hồi tố, hoàn trả lại số tiền thuế truy thu do cách tính áp đặt này gây ra.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.
Như vậy có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Nghị định 20 ra đời năm 2017, tức là hơn hai năm qua nó đang trở thành rào cản và gây khó khăn cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Luật Quản lý thuế quy định, thời gian tối đa cơ quan thuế xuống doanh nghiệp quyết toán thuế là năm năm, và theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản lãi vay không bị trừ ra khỏi chi phí hợp lý, do vậy trước khi Nghị định 20 ra đời, kế toán của doanh nghiệp mặc nhiên hạch toán khoản lãi vay này vào chi phí hợp lý.
Nay, nhiều khả năng các khoản lãi được hạch toán vào chi phí trước khi có Nghị định 20 sẽ bị cơ quan thuế xuất toán, khi đó chủ doanh nghiệp mới biết lãi thật của mình không còn do bị truy thu thuế theo nghị định này.
Một số chuyên gia cho rằng sửa trần lãi vay 30% thì cần áp dụng tính hồi tố về năm 2017 khi ban hành Nghị định này vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 cũng khiến doanh nghiệp "sống dở chết dở", hoặc từ lãi chuyển sang lỗ. Phương pháp có thể cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm.
Việc "hồi tố" theo các doanh nghiệp sẽ tránh được nguy cơ thuế chồng thuế. Bởi theo Nghị định 20, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.
Ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia Thuế cao cấp của Ngân hàng Thế giới đề xuất chỉ nên đánh thuế dựa trên phần chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay trừ đi thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay) là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trước đó, Bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Ernst&Young Việt Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép doanh nghiệp chuyển sang kỳ sau chi phí lãi vay bị loại vì vượt quá mức khống chế. Thời gian chuyển có thể xem xét là 5 năm kể từ sau kỳ bị loại, phù hợp với kỳ chuyển lỗ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận