Sửa Luật BHXH: 6 vấn đề lớn cần tiếp thu, giải trình, chỉnh lý
Về vấn đề hưởng BHXH một lần, biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc... là 2 trong số 6 vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Tiếp tục Phiên họp thứ 31, chiều 15/3 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây dự án Luật khó trong quá trình thiết kế các chính sách.
Tại Kỳ họp thứ 6 có 148 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và 27 lượt đại biểu phát biểu ý kiến phát biểu tại Hội trường, 8 đại biểu tranh luận và 7 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản về các nội dung của dự án Luật.
Theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành có liên quan tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật. Lãnh đạo Quốc hội được phân công theo dõi dự án Luật cũng tổ chức nhiều cuộc làm việc với các cơ quan để nghe báo cáo, chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, thể hiện sự thận trọng, trách nhiệm cao trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hiện nay vẫn còn 6 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), bao gồm: Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần; về tác động của cải cách chính sách tiền lương; về tài chính bảo hiểm xã hội; về tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội trên môi trường giao dịch điện tử; về biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; về Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau về quy định đối tượng là chủ hộ kinh doanh là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (điểm m khoản 1 Điều 3); về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội (Điều 19); về quản lý hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (Điều 118, 119 và 120). Ngoài ra, trong dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nêu 52 nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý; 16 nhóm nội dung mới so với Luật hiện hành.
Theo dự kiến, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, trình cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận