Sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Vì sao doanh nghiệp phản đối trần chi phí lãi vay?
Những tranh cãi xung quanh việc tăng mức trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp lên 30%, thay vì 20% như hiện hành đang tiếp tục nóng lên.
Mới đâyPhó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầuBộ Tài chính tiếp thu các ý kiến để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Thật ra, những tranh cãi về việc sửa đổi Nghị định 20 đã có từ lâu. Theo đó, trọng tâm của những tranh cãi này tập trung cụ thể vào khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 liên quan đến việc khống chế trần chi phí lãi vay.
Nghị định 20 ra đời như thế nào?
Để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có hai lựa chọn: vay nợ (debt) hoặc tăng vốn chủ sở hữu (equity). Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành cho phép chi phí lãi vay trả cho chủ nợ được khấu trừ khỏi lợi nhuận chịu thuế, trong khi cổ tức (lợi nhuận chi trả cho chủ sở hữu) lại không được khấu trừ. Do vậy, vay nợ là một cách phổ biến được các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế sử dụng để tránh thuế thu nhập. Vay nợ càng nhiều, tiền thuế phải nộp sẽ càng thấp.
Như vậy, mấu chốt của hành vi tránh thuế thông qua vay nợ đó là sự đối xử bất bình đẳng của chính sách thuế đối với tiền lãi vay và cổ tức.
Một cách tránh thuế đơn giản nhất đó là chủ sở hữu công ty cho chính công ty của mình vay tiền. Nếu góp vốn, chủ sở hữu sẽ nhận được lợi nhuận (cổ tức) sau khi đã chịu thuế, còn cho vay thì chủ sở hữu sẽ nhận được lãi vay không phải chịu thuế. Khi vay nợ, công ty cũng sẽ nộp một khoản thuế thu nhập thấp hơn so với trường hợp họ không vay nợ.
Các công ty đa quốc gia (MNCs)/FDI cũng sử dụng kĩ thuật tương tự nhằm chuyển tiền về các thiên đường thuế. Các MNCs có thể thành lập một công ty tài chính ở các thiên đường thuế (nơi có thuế suất thu nhập rất thấp khoặc bằng 0), sau đó công ty tài chính này sẽ cho một công ty khác trong cùng tập đoàn (cùng chủ sở hữu) đang hoạt động ở Việt Nam vay tiền. Công ty vay tiền chi trả tiền lãi vay cho công ty ở thiên đường thuế. Bằng cách này các MNCs có thể chuyển tiền từ Việt Nam về các thiên đường thuế trong khi tránh được thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ở Việt Nam.
Vay nợ từ một bên thứ ba cũng là một cách khác để tránh thuế thông qua hoạt động thâu tóm (mua lại) hay sáp nhập. Khi đó, một công ty được mua bằng tiền vay nợ bởi một công ty ở nước ngoài. Sau khi hoạt động thâu tóm diễn ra thì khoản tiền này được chuyển thành nợ của công ty được mua. Công ty được mua bây giờ sẽ gánh một khoản nợ khổng lồ và chi phí lãi vay sẽ ăn phần lớn vào lợi nhuận. Do vậy, thường họ sẽ không có, hoặc có lợi nhuận rất thấp sau hoạt động thâu tóm và hầu như không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thương vụ Sabeco gần đây là một ví dụ điển hình về việc thâu tóm bằng tiền vay nợ (từ Thái Lan và Singapore).
Hiện tượng trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam diễn ra với quy mô ngày càng lớn và hành vi ngày càng phức tạp, tinh vi. Theo một báo cáo của Tổng cục Thuế thì chỉ tính riêng năm 2018, số doanh nghiệp vi phạm về thuế là gần 96 nghìn doanh nghiệp, gấp 3 lần con số tương ứng của năm 2010; Tổng số thuế TNDN thu về được sau thanh kiểm tra là khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng; Số giảm lỗ là gần 41 nghìn tỷ đồng.
Keangnam – Vina, một doanh nghiệp 100% vốn của một công ty đa quốc gia của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản là một ví dụ điển hình của việc tránh thuế thông qua chuyển lãi vay. Thông qua hợp đồng vay vốn từ Ngân hàng Kookmin Bank, một đơn vị thành viên trong Tập đoàn Keangnam Hàn Quốc, Keangnam – Vina đã phải gánh chi phí lãi vay (với lãi suất lên tới 12%) và chi phí dàn xếp vốn lên tới trên 2000 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty này còn chuyển giá thông qua việc thuê Keangnam Enterprise – cũng là một thành viên của Tập đoàn Keangnam Hàn Quốc, để làm tổng thầu EPC. Nhờ đó, Keangnam – Vina liên tục báo lỗ và không nộp thuế TNDN. Khoản lỗ này chuyển thành khoản lãi của Ngân hàng Kookmin Bank và Keangnam Enterprise ở Hàn Quốc nơi có thuế suất TNDN lũy tiến từ 10 - 22%.
Trên thực tế việc tránh thuế thông qua chuyển nợ/lãi vay không chỉ xảy ra ở các MNCs mà còn cả với các công ty trong nước. Các tổng công ty/tập đoàn có xu hướng thành lập nhiều công ty thành viên để có thể dễ dàng điều tiết chi phí/lợi nhuận. Thông thường, lợi nhuận sẽ được “điều tiết” về các doanh nghiệp thành viên hoạt động trong ngành nghề/địa bàn ưu tiên hoặc mới thành lập còn đang trong thời kỳ được hưởng ưu đãi thuế. Chuyện vay nợ giữa công ty mẹ với các công ty con diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam, EVN hay TKV là những ví dụ điển hình.
Vì sao doanh nghiệp phản đối Nghị định 20?
Nghị Định 20 ra đời với mục tiêu cao nhất là chống chuyển giá/chuyển nợ với mục đích trốn tránh thuế. Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20 là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Liên quan đến việc chống chuyển nợ/lãi vay, khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 quy định tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ chỉ được khấu trừ thuế nếu không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA).
Trong khi các MNCs “bình chân như vại” thì điều khoản trên của Nghị định 20 gặp khá nhiều phản ứng từ các doanh nghiệp trong nước vốn dựa nhiều vào vay nợ, đặc biệt là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước có giao dịch liên kết giữa các thành viên trong cùng tập đoàn/TCT. Có thể hiểu mức trần 20% được cơ quan thuế tham khảo từ BEPS (Base Erosion and Profit Shifting) của các nước OECD. Trong một nỗ lực chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, OECD đã đưa ra khuyến cáo mức trần lãi vay được khấu trừ thuế dao động trong khoảng 10 – 30% đối với các nước thành viên, tùy điều kiện hoàn cảnh khác nhau.
Về những phản đối của doanh nghiệp, tôi có thể tóm tắt ở mấy điểm như sau:
Thắc mắc của doanh nghiệp được Tổng Cục Thuế trả lời bằng Công văn 3790/TCT–DNL. Theo công văn này thì có thể hiểu là, nếu một doanh nghiệp chỉ có nợ với bên không liên kết, nhưng doanh nghiệp có giao dịch liên kết với một bên khác, thì vẫn không được khấu trừ lãi vay nếu vượt ngưỡng.
Trong khi đó, một doanh nghiệp khác cũng chỉ có nợ với bên không liên kết, nhưng doanh nghiệp này không có giao dịch liên kết với một bên nào khác, thì sẽ không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20, và do đó sẽ được khấu trừ hoàn toàn lãi vay. Tức là, một doanh nghiệp bất kể có giao dịch liên kết với ai, nhưng nếu có chi phí lãi vay ngay cả với một bên chả có quan hệ gì, thì vẫn không được khấu trừ thuế nếu vượt ngưỡng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận