Sửa đổi Luật Đất đai: Thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, ngăn tham nhũng, tiêu cực
Việc sửa đổi Luật Đất đai phải hướng đến thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Nghị quyết số 111 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022. Tại phiên họp trên, Chính phủ đã cho ý kiến vào một số dự án luật, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)…
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đối với Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết nêu rõ: đây là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
Chính phủ yêu cầu việc sửa đổi Luật Đất đai tiếp tục quán triệt các quan điểm, yêu cầu về thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18; kế thừa hiệu quả các quy định hiện hành, kiên quyết tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất, tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính.
Do việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện, tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ giữa Luật Đất đai với các Luật có liên quan.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm của địa phương; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.
Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực
Đối với Luật giá (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật Giá nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện dự án Luật này theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp thẩm quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, điều tiết giá theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành và địa phương để linh hoạt, hiệu quả, kịp thời trong tổ chức thực hiện, gắn với tự chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Có giải pháp linh hoạt trong điều hành để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống; đồng thời thiết kế công cụ nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý giá.
Với Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chính phủ cơ bản tán thành nội dung dự án Luật, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện một số nội dung. Trong đó, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu”; Hoàn thiện khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, giải quyết triệt để các bất cập của Luật hiện hành; quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn vốn, tài sản nhà nước nhưng đồng thời bảo đảm phân cấp mạnh, rõ trách nhiệm, tạo thuận lợi cho các chủ thể thực hiện thuận lợi, thông suốt; đồng thời có công cụ giám sát, kiểm tra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận