Sự trỗi dậy của phe thiết thực trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Có nhiều dấu hiệu cho thấy hiện nay tại Mỹ và Trung Quốc, phe diều hâu theo xu hướng cứng rắn vẫn chiếm ưu thế, nhưng tiếng nói của phe bồ câu theo xu hướng thiết thực đang tăng lên.
Thực tế này được phản ánh trong thao tác chính sách của Washington và Bắc Kinh.Tổng hợp báo chí phát hành ở địa bàn cho thấy, kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ hồi đầu tháng 5/2019, nhất là sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản), chính sách Trung Quốc của Washington đã xuất hiện xu thế tương đối hòa hoãn, trái ngược với sự cứng rắn không chịu thỏa hiệp trước đây.
Ngoài việc cho phép doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện không gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn kêu gọi doanh nghiệp nước này đệ đơn xin gấy phép xuất khẩu cho Huawei.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng miễn thuế cho 110 loại hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Có nguồn tin cho biết ông Mnuchin thuộc phe ôn hòa đối với Trung Quốc, thậm chí có thái độ lạc quan về khả năng Washington dỡ bỏ biện pháp trừng phạt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Một chỉ dấu khác cho thấy sự trỗi dậy của phe thực tế là việc Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton có dấu hiệu bị gạt sang bên lề ở Nhà Trắng. Theo tờ Thời báo New York, ông Bolton đã không có mặt tại cuộc gặp Trump - Kim ở Khu phi quân sự (DMZ) nằm ở biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc mà phải lên đường tới Mông Cổ. Trước đó, ông Trump cũng khước từ đề xuất của ông Bolton tiến hành không kích Iran nhằm đáp trả vụ Tehran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái (UAV) của Mỹ.
Tiếng nói thực tế trong thương chiến Mỹ-Trung cũng tăng cao trong giới nghiên cứu và doanh nghiệp Mỹ. Mới đây, khoảng 100 chuyên gia, bao gồm cựu Chủ tịch Viện Mỹ tại Đài Loan (Trung Quốc) Richard Bush III và nghiên cứu viên đặc biệt thuộc Viện Carnigie vì hòa bình quốc tế (CEIP) Douglas H. Paal đã ký vào bức thư công khai “Trung Quốc không phải kẻ địch” đăng tải trên tờ Bưu điện Washington, kêu gọi ông Trump và Quốc hội Mỹ xem xét lại chính sách đối với Trung Quốc.
Hàng trăm doanh nghiệp Mỹ, gồm Walmart Inc, Target, Macy's… cũng ký tên vào một bức thư chung kêu gọi ông Trump không nên tiếp tục áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước này, ông Vương Kỳ Sơn gần đây đã thể hiện thái độ hữu hảo với Mỹ tại Diễn đàn Hòa bình thế giới, tuyên bố Trung Quốc vĩnh viễn không xưng bá, không bành trướng. Mục đích đương nhiên là muốn giảm bớt sự lo ngại của Mỹ về khả năng Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của nước này.
Truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng cho rằng nhằm đạt được thỏa thuận thương mại, Trung Quốc ở một thời điểm nào nó sẽ thể hiện một số thành ý có tính tiết tấu.
Ngoài ra, trong đội ngũ đàm phán thương mại của Trung Quốc, bên cạnh Phó Thủ tướng Lưu Hạc gần đây còn xuất hiện một số thành viên mới như Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, Thứ trưởng Thương mại phụ trách vấn đề Bắc Mỹ Vương Thụ Văn, Phó Đại diện đàm phán thương mại quốc tế Du Kiến Hoa…
Có bình luận cho rằng sự xuất hiện của các thành viên mới đồng nghĩa tiếng nói cứng rắn trong đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc tăng lên. Theo tờ Tin tức Thế giới, việc này không hoàn toàn như vậy. Trước khi được điều về phụ trách Bộ Thương mại, ông Chung Sơn có thời gian dài lãnh đạo công tác phát triển ngoại thương ở tỉnh Chiết Giang, có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Năm 2008, ông Chung Sơn được điều về Bộ Thương mại giữ chức Thứ trưởng, sau đó thành Phó Đại diện rồi Trưởng Đại diện đàm phán thương mại quốc tế Trung Quốc. Từ tháng 2/2017, ông Chung Sơn tấn thăng làm Bộ trưởng Thương mại. Thực tế trải nghiệm cho thấy ông Chung Sơn là chuyên gia ngoại thương chuyên nghiệp, có kinh nghiệm phong phú chứ không phải là nhân vật diều hâu.
Tương tự, Vương Thụ Văn và Du Kiến Hoa cũng thuộc tuýp quan chức như Chung Sơn. Ba nhân vật này tham gia đoàn đàm phán thương mại sẽ bổ khuyết cho những thiếu sót về kinh nghiệm của ông Lưu Hạc trong lĩnh vực kinh tế thương mại.
Sự tham gia của những quan chức chuyên nghiệp nêu trên cũng giúp Chủ tịch Tập Cận Bình loại bỏ những chỉ trích cho rằng chỉ trọng dụng những người mình tin tưởng chứ không phải các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đây là sự căn chỉnh về sách lược của ông Tập, cũng là biểu hiện cho thấy vị thế của phe thực tế được nâng lên trong nội bộ Trung Quốc sau khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ.
Gần đây, một quan chức giấu tên của Trung Quốc cho biết nếu xét về thực lực hiện nay, Mỹ-Trung căn bản không cùng một tầng nấc. Cho nên, xuống nước cầu toàn, quay lại đàm phán với Mỹ, thừa nhận vị thế lãnh đạo của Mỹ, tuân thủ quy tắc cuộc chơi do Mỹ đề ra, tìm kiếm lợi ích của Trung Quốc trong “cạnh tranh công bằng” với Mỹ là lối thoát duy nhất của Bắc Kinh.
Ông Lưu Hạc, một nhân vật đại diện cho phái thực tế, rất rõ điểm này, nhưng phe bảo thủ và nhiều quan chức thực lực ở Trung Quốc về căn bản không rõ. Họ không chỉ giáo điều, mà còn cuồng vọng, không chịu cúi đầu trước Mỹ. Cho dù cách nhìn của quan chức nêu trên có gì đó “ngây thơ”, nhưng lại phản ánh giới chức cấp cao Trung Quốc, đặc biệt là quan chức cấp cao bất mãn với lập trường quá cứng rắn của ông Tập.
Nói tóm lại, hiện nay, phe diều hâu và phe bồ câu trong nội bộ Mỹ-Trung đều đang nỗ lực ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại. Dù phe cứng rắn ở mỗi nước vẫn đang giữ vai trò chủ đạo về quyền phát ngôn. Bằng chứng là về phía Mỹ, ông Trump và ê kíp cứng rắn của mình vẫn kiên trì quan điểm “thuế quan có lợi cho nước Mỹ”, không vội vàng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc; về phía Trung Quốc, nước này cũng nói rõ yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ biện pháp thuế quan, nếu không đàm phán rất khó khôi phục bình thường.
Tuy nhiên, phải thấy rằng đó chỉ là tiếng nói cứng rắn miễn cưỡng, nhằm áp đảo đối phương về tâm lý còn thao tác thực tế lại thiên về xu hướng thiết thực và lý tính bởi cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn chứng kiến hậu quả mang tính thảm họa./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận