Sự trở lại của một ngành công nghiệp giúp Việt Nam ghi dấu trên bản đồ thế giới
Không phải là tàu bay, mà ngành công nghiệp đóng tàu thủy đang trỗi dậy giúp Việt Nam ghi dấu trên bản đồ của thế giới. Nếu tháo gỡ được những nút thắt, ngành công nghiệp đóng tàu có thể đem về nhiều tỷ USD cho Việt Nam.
Mới đây, tại Hải Phòng, tàu hàng rời có tải trọng 65.000 tấn - con tàu trị giá hơn 35 triệu USD lớn nhất từ trước đến nay do doanh nghiệp Việt Nam đóng mới đã được hạ thuỷ, bàn giao cho khách hàng. Đồng thời, con tàu 65.000 tấn số 2 cũng đã được đặt để tiếp tục sản xuất.
Sở hữu lợi thế lớn
Ông Vũ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu cho hay, tàu thuộc dự án đóng tàu có trọng tải lớn nhất từ trước tới nay do chính các kỹ sư và công nhân Việt Nam thực hiện, tàu được đăng kiểm NK - Nhật Bản giám sát.
Ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Trong những năm gần đây, năng lực đóng tàu của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Năm 2020, Việt Nam đã đóng và xuất sang châu Phi hàng chục tàu tuần tra cao cấp, hay trước đó Việt Nam đã đóng tàu đổ bộ và tàu tuần tra cho đối tác Venezuela. Những thành tựu phát triển này làm nổi bật tham vọng vươn ra toàn cầu của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Đáng chú ý, Việt Nam đã chế tạo thành công tàu cao tốc với sức chứa bằng 3 chiếc Boeing 787. Đây là siêu tàu cao tốc Thăng Long - tàu cao tốc một thân lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Theo giới thiệu trên website của đơn vị đóng tàu - nhà máy Z189, tàu Thăng Long có sức chứa 1.017 khách, với chiều dài 77,46m, rộng 11,1m. Trong khi đó, dòng máy bay Boeing 787 mà Vietnam Airlines đang khai thác có chiều dài 63,7m, và 274 ghế ngồi. Kể từ ngày 9/3 năm nay, tàu Thăng Long đã bắt đầu được khai thác trên tuyến đường biển từ Vũng Tàu đến Côn Đảo.
Báo cáo từ Market Reports World chỉ ra rằng ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu đã có giá trị ước tính 167 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,45% từ đây cho tới năm 2028, ước tính đạt giá trị 229 tỷ USD vào cuối giai đoạn dự báo.
Trong khi đó, trang Insider Monkey (Mỹ) đã đưa ra danh sách top 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới, dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong đó liệt kê tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng trong năm 2021 của các quốc gia. Đáng chú ý, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 5, với tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng vào năm 2021 là 0,61%.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Việt Nam hiện có 97 nhà máy đóng tàu với trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới - sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng tàu mới lên tới 2,6 triệu DWT/năm.
Ông Kenny Yong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media đã từng nhận định, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường, thể hiện sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể. Với đường bờ biển trải dài, lực lượng lao động lành nghề và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu lợi thế độc nhất trong việc nắm bắt các cơ hội do ngành hàng hải toàn cầu mang lại.
Cần chính sách đặc biệt cho công nghiệp đóng tàu
Nhìn lại những giai đoạn phát triển của ngành đóng tàu, ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế công nghiệp tàu thủy Việt Nam, cho biết năm 2005 Việt Nam đã ký hợp đồng đóng 15 con tàu cho một tập đoàn của Anh, sau đó chúng ta còn đóng tàu khí hóa lỏng, tàu container và một số tàu khác cho Hàn Quốc, Nhật Bản. Đó là đỉnh cao của ngành đóng tàu.
Tuy vậy, giai đoạn 2008 - 2012, kinh tế toàn cầu khủng hoảng, nhu cầu vận tải đường biển trong nước và quốc tế suy giảm, các công ty đóng tàu khó khăn, đỉnh điểm là vụ việc tại Vinashin.
Song đến nay, ông Hoàng Tùng nhìn nhận, tình trạng suy thoái của ngành đóng tàu của Việt Nam đã dần qua đi. Hiện nay, ngành đóng tàu đang phục hồi, các cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương trải dài từ Bắc đến Nam.
Mặc dù vậy, ông Tùng cũng cho rằng khó khăn của ngành đóng tàu hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Đã có một thời kỳ khó khăn khiến công nhân lành nghề, kỹ sư, nhà khoa học của ngành công nghiệp đóng tàu phải chuyển sang làm công việc khác, cho đến nay vẫn chưa thể phục hồi được.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng hoạt động vận tải biển sôi động hơn, nhiều hãng vận tải biển lãi cao nên quay trở lại đóng tàu biển, đây là lĩnh vực kinh doanh sôi động, cũng như mở ra cơ hội tốt cho DN Việt. Tuy vậy, các doanh nghiệp đang còn gặp khó khăn về vốn, công nghệ, độ phức tạp của dự án… Đây là điều mà DN cần vượt qua để đón cơ hội tốt từ thị trường.
Đồng thời, ngành đóng tàu của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại, đây là dư địa lớn để các nhà cung ứng vật tư trong nước lớn lên và tham gia vào chuỗi, từ đó thúc đẩy ngành này phát triển bền vững.
Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết 36 ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra chủ trương phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu.
Vì vậy, để ngành công nghiệp đóng tàu khôi phục và khởi sắc, các DN đóng tàu cần nâng cao năng lực tài chính; liên doanh liên kết, lấy lại niềm tin của khách hàng mà Việt Nam từng hợp tác đóng tàu tải trọng lớn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách tạo điều kiện cho ngành đóng tàu, nghiên cứu ưu đãi vốn cho DN đóng tàu, khuyến khích hợp tác đầu tư liên doanh liên kết trong ngành đóng tàu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận