Sự thật chứng minh không có cơn sốt đất nào cả!
Nhà đất ở Hà Nội tăng giá theo ngày chỉ là ảo. Thống kê số lượng giao dịch thực tế từ cơ quan chức năng cho thấy không có cơn sốt đất nào cả!
Giá nhà chung cư tại các quận trung tâm TP. Hà Nội từ cuối năm 2023 đến nay được môi giới báo giá tăng vọt. Các dự án liền kề, biệt thự, đất thổ cư và đất trong ngõ, ngách mỗi này một giá, theo đà tăng của căn hộ chung cư.
Và những con số cóp nhặt, xào xáo được chia sẻ một cách có chủ đích xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử với tiêu đề rất kêu.
Những thông tin kiểu, giá nhà trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; giá đất tại nhiều khu đô thị tăng 30-40% sau một năm… nhưng không kèm bất cứ một thống kê, nghiên cứu cụ thể nào cũng xuất hiện nhiều trên các kênh truyền thông không chính thống.
Từ đó chung cư - một loại tài sản tiêu dùng hay đúng hơn là tiêu sản, đã được các “chuyên gia online”, mạng xã hội đánh tráo khái niệm thành nơi “tích sản”.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư và người dân lầm tưởng rằng: Thị trường bất động sản đang sốt trở lại.
Nhưng sự thật chứng minh không có bất cứ cơn sốt đất nào cả.
Đây không loại trừ là “xảo thuật” của một bộ phận môi giới và nhà đầu cơ bất lương theo kiểu “bổn cũ soạn lại” suốt nhiều năm qua.
Nói có sách, mách có chứng.
Thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cho thấy, tháng 11/2023 Hà Nội có 22.046 biến động đất đai (gồm mua bán nhà chung cư và đất thổ cư), tháng 12/2023 giảm xuống chỉ còn 17.825 biến động.
Con số này vào tháng 1/2024 là 18.807 biến động, rồi giảm sâu xuống chỉ còn 10.922 biến động vào tháng 2/2024 và tăng lên 18.625 biến động vào tháng 3/2024.
Tìm kiếm google với từ khóa “chung tư tăng giá”, “nhà đất tăng giá”, thay vì cho ra kết quả đúng như tìm kiếm, trái ngược lại là hàng loạt bài cảnh báo từ các tờ báo có số lượng bạn đọc hàng đầu Việt Nam, bóc trần chiêu trò thổi giá chung cư, nhà đất.
Công thức chung được chỉ ra là do môi giới và nhà đầu cơ báo giá ảo; dân đầu cơ mua đi bán lại, giao dịch sau cao hơn giao dịch trước để tạo thanh khoản, đẩy giá tăng lên…; tiếp đó là truyền thông.
Khi có nguồn tiền lớn đổ vào, nhà đầu cơ sẽ rút khỏi thị trường, để lại vô vàn hệ lụy.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong nhiều chia sẻ với báo chí, đã chỉ ra những nguy cơ, hệ lụy rất lớn từ những cơn sốt đất ảo này.
Cụ thể, sau mỗi cơn sốt ảo, nếu cơn sốt dừng thì giá đất sẽ giữ tại chỗ không xuống. Cơn sốt đất tiếp theo lại đẩy bong bóng cao lên và cũng không bị xì.
Hậu quả là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp không tìm được nhà cho mình. Còn khu vực nhà giá cao cung lớn nhưng cầu thấp. Điều này sẽ dẫn tới khủng hoảng bất động sản ở một mức độ nhất định.
Trở lại với cơn sốt chung cư ảo hiện nay, chắc chắn trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ có giải pháp "cắt sốt".
Song để “điều trị” dứt điểm căn bệnh do "virus đầu cơ" và "virus môi giới" gây ra, không có loại kháng sinh, vắc xin nào tốt hơn “sắc thuế về nhà đất” - tức đánh vào túi tiền của môi giới và đầu cơ.
Điều này cả thế giới đã chứng minh rồi!
Và Luật Đất đai 2024, Luật Bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực trong thời gian tới sẽ từng bước "điều trị" căn bệnh này. Chắc chắn là như vậy!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận