menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nguyễn Trường Giang

Sự sụp đổ tiếp theo của hệ thống tiền tệ quốc tế

Trong tài chính, không có quả cầu pha lê nào để dự đoán một kết quả, sau đó bước đi trên một con đường duy nhất. Tuy nhiên, chúng ta có thể mô tả nhiều con đường và những cột cây số trên mỗi tuyến.

Các nhà phân tích tình báo gọi những cột cây số này là “những chỉ dẫn và cảnh báo”. Khi đã xác định được các chỉ dẫn và cảnh báo, các sự kiện phải được quan sát chặt chẽ, không phải chỉ lướt mắt qua những dòng tiêu đề hời hợt, mà là một phần của quá trình phân tích một hệ thống năng động.

Nhà đầu tư Mohamed El-Erian của gã khổng lồ trái phiếu PIMCO đã phổ biến cụm từ “bình thường mới” để mô tả nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông ấy đúng một nửa. Tình trạng bình thường cũ đã biến mất, nhưng tình trạng bình thường mới vẫn chưa xuất hiện. Nền kinh tế toàn cầu đã rơi xuống dưới mức cân bằng cũ, và vẫn chưa ổn định trong một sự cân bằng mới. Nền kinh tế đang chuyển tiếp từ giai đoạn này sang giai đoạn kia.

Khái niệm trên có thể được minh họa bằng cách đun một ấm nước cho đến khi nước sôi. Nước và hơi nước đều là trạng thái ổn định, mặc dù có động năng khác nhau. Giữa nước và hơi nước là một giai đoạn mà bề mặt nước sôi sục với nhiều bong bóng bật lên, rồi rơi xuống lại. Nước là trạng thái bình thường cũ; hơi nước là trạng thái bình thường mới. Ngya lúc này, nền kinh tế thế giới không ở trong cả hai trạng thái – nó là bề mặt nước với những bong bóng nhảy nhót, không biết sẽ rơi xuống trở lại thành nước hay bay lên thành hơi nước. Chính sách tiền tệ chính là việc bạn bật ngọn lửa đun ấm nước lên.

Một số quá trình chuyển tiếp pha nhất định không thể đảo ngược được. Khi gỗ cháy thành tro, đó là một quá trình chuyển tiếp pha, nhưng không có cách nào dễ dàng biến tro trở lại thành gỗ. Cục Dự trữ Liên bang tin rằng họ đang quản lý một quy trình có thể đảo ngược. Họ tin rằng giảm phát có thể biến thành lạm phát, và sau đó biến thành không lạm phát, chỉ cần xác định đúng lượng tiền và thời gian cần thiết. Trong vấn đề này, họ đã nhầm.

Cục Dự trữ Liên bang không hiểu rằng việc tạo ra tiền là một quá trình không thể đảo ngược. Tại một thời điểm nhất định, niềm tin vào tiền có thể bị mất đi và không có cách nào để khôi phục nó. Nó cần phải được thay thế bằng một hệ thống hoàn toàn mới. Một hệ thống tiền tệ quốc tế mới sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn của hệ thống USD cũ, giống như hệ thống USD đã trỗi dậy từ đống tro tàn của Khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh tại Bretton Woods năm 1944, ngay cả trước khi ngọn lửa của Thế chiến Thứ hai được dập tắt.

Mấu chốt của vấn đề trong hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay không phải là tiền mà là nợ. Biện pháp in tiền đang được sử dụng như một phương tiện để đối phó với nợ không trả được. Đến năm 2005, dưới sự dẫn dắt của những ngân hàng vì lợi ích cá nhân mà mù quáng chấp nhận mọi nguy hiểm, Hoa Kỳ đã đẩy thế giới vào nợ quá mức dưới hình thức các khoản vay thế chấp và hạn mức tín dụng cho những người không thể trả nợ. Bản thân vấn đề thế chấp rất nghiêm trọng nhưng có thể quản lý được. Cái không thể quản lý được là hàng tỷ tỷ USD dưới dạng phái sinh được tạo nên từ những khoản vay thế chấp cơ sở và hàng nghìn tỷ USD trong các hợp đồng mua lại và giấy tờ thương mại được sử dụng để tài trợ cho hàng tồn kho dưới dạng chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp để hỗ trợ các công cụ phái sinh.

Khi sự sụp đổ là không thể tránh khỏi, thiệt hại không được phân bổ cho những người chịu trách nhiệm – các ngân hàng và chủ sở hữu trái phiếu – mà lại được chuyển sang cho người dân thông qua tài chính liên bang. Từ năm 2009 đến năm 2012, Ngân khố Hoa Kỳ đã gây ra khoản thâm hụt tích lũy 5000 tỷ USD và Cục Dự trữ Liên bang đã in thêm 1,2 nghìn tỷ USD tiền mới. Các cơ chế thâm hụt và in tiền tương tự xuất hiện trên toàn thế giới, khi các ngân hàng không ngừng tạo ra các công cụ phái sinh, nhờ sự sáng tạo của các ngân hàng đã không ngừng phát triển. Chỉ có một phần của nợ tư nhân được xóa sổ.

Việc làm và lương thưởng của nhân viên ngân hàng vẫn được bảo tồn, nhưng lợi ích của người dân thì không đạt được gì. Một vấn đề nợ tư nhân đã được thay thế bằng khoản nợ công lớn hơn hàng tỷ lần khoản nợ tư nhân. Trong thực tế, những khoản nợ này không thể trả được và vỡ nợ, phá sản sẽ sớm theo sau. Tình trạng vỡ nợ của các quốc gia nhỏ hơn như Hy Lạp, Cyprus và Argentina sẽ được thực hiện thông qua việc không thanh toán lợi tức trái phiếu và những khoản thiệt hại của người gửi tiết kiệm. Tình trạng vỡ nợ đối với các quốc gia lớn hơn như Hoa Kỳ sẽ đến từ lạm phát toàn cầu, cơ chế cho phép ăn cắp tài sản của người gửi tiết kiệm, người gửi tiền và người sở hữu trái phiếu.

Bên cạnh những thách thức là những lời cảnh báo về sự hồi sinh của một hiện tượng gần như bị lãng quên. Sự giảm phát, một tình trạng không được nhìn nhận rộng rãi trong các nền kinh tế phát triển mạnh kể từ những năm 1930, đã trở lại, quấy rầy cuộc chơi lạm phát của các ngân hàng trung ương. Giảm phát có nguồn gốc từ trạng thái tâm thần ì trệ, chán nản. Các nhà đầu tư đã bị sốc và sợ hãi bởi những sự kiện trong năm 2008 và phản ứng tức thời của họ là ngừng chi tiêu, tránh rủi ro và chuyển sang sử dụng tiền mặt. Phản ứng này khởi động quá trình giảm phát. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện đối với giá cổ phiếu và giá nhà ở tăng lên kể từ năm 2009, nhưng một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về cả hai cho thấy rằng khối lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường thì thấp nhưng đòn bẩy lại khá cao. Đây là những dấu hiệu cho thấy các chỉ số tăng lên thực chất là bong bóng tài sản được tạo ra bởi giới giao dịch và đầu cơ chuyên nghiệp, các quỹ đầu cơ và sự tham gia của người dân đang mờ nhạt dần. Tương tự, giá nhà tăng lên không chỉ vì hoạt động mua nhà truyền thống, mà còn bởi tổ chức đầu tư mua những khu căn hộ lớn bằng đòn bẩy, tái cấu trúc nợ của người sở hữu nhà, hoặc chuyển đổi các khoản thế chấp sang cho thuê. Dòng tiền có thể làm cho các khoản đầu tư này có sức hấp dẫn như trái phiếu, nhưng không ai được phép phạm phải những nhầm lẫn kỹ thuật rằng kỹ thuật tài chính này là để phục vụ một thị trường nhà ở lành mạnh, bình thường. Giá tài sản tăng cao là con mồi béo bở cho các dòng tít trên báo đài, nhưng nó không có ích gì trong việc phá vỡ tư duy giảm phát của đại bộ phận các nhà đầu tư và người tiết kiệm.

Việc các ngân hàng trung ương đang theo đuổi lạm phát, và không thể đạt được nó, là một nguyên nhân góp phần vào sự tồn tại dai dẳng cảu giảm phát cơ bản. Việc in tiền để chống lại giảm phát có thể gây mất lòng tin vào hệ thống tiền tệ pháp định. Nếu tư duy giảm phát bị phá bỏ, tâm trạng lạm phát có thể chạy trước những khả năng của ngân hàng trung ương và chứng minh rằng nó không thể ngăn chặn hay đảo ngược. Trong trường hợp giảm phát dai dẳng hoặc lạm phát không ngừng, chúng ta có nguy cơ mất đi thứ giá trị nhất mà Paul Volcker cảnh báo: niềm tin. Khi niềm tin vào một hệ thống tiền tệ bị mất đi, nó gần như không thể vãn hồi được.

Rất có thể, một hệ thống mới sẽ là điều cần thiết, với một nền tảng mới có thể tạo ra niềm tin mới. Đồng USD được đảm bảo bằng vàng sẽ thay thế đồng Bảng Anh trong nhiều giai đoạn từ năm 1925 đến năm 1944. Đồng USD giấy đã thay thế đồng USD được đảm bảo bằng vàng trong nhiều giai đoạn từ năm 1971 đến năm 1980. Trong mỗi trường hợp, niềm tin tạm thời mất đi nhưng lại được phục hồi với một phương tiện tích trữ giá trị mới.

Cho dù niềm tin vào đồng USD bắt nguồn từ những mối đe dọa từ bên ngoài hay sự thờ ơ từ bên trong, thì nhà đầu tư cũng nên đặt ra hai câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? và Làm thế nào để bảo tồn tài sản trong quá trình chuyển tiếp?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lê Nguyễn Trường Giang

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả